221
442
Kinh tế - Thị trường
kinhte
/kinhte/
1131911
VN-Index tăng nhẹ sau 6 phiên mất điểm
1
Article
null
VN-Index tăng nhẹ sau 6 phiên mất điểm
,
- Giằng co lên xuống liên tục trong đợt 2, chỉ số VN-Index cuối cùng cũng đã có một phiên tăng điểm sau chuỗi 6 ngày giảm liên tiếp trước đó. Tuy nhiên, thị trường ảm đạm do sức cầu nhìn chung vẫn thấp.

Nhiều cổ phiếu blue-chips sáng nay đã tăng điểm phiên thứ 2 liên tiếp. (Ảnh: LAD)

Giằng co

Bước vào đầu phiên giao dịch sáng nay 25/11, đa số cổ phiếu trên cả 2 sàn chứng khoán TP.HCM và Hà Nội tăng giá khá mạnh do nhiều nhà đầu tư quyết định mua vào đón một đợt sóng lên trong bối cảnh thị trường chứng khoán thế giới tăng ấn tượng sau khi Chính phủ Mỹ quyết định giải cứu tập đoàn tài chính Citigroup.


Tuy nhiên, mức tăng điểm chậm dần và tới gần giữa đợt giao dịch khớp lệnh liên tục (đợt 2), chỉ số VN-Index đã trở về vạch xuất phát và liên tục giằng co giữa màu đỏ (giảm) và xanh (tăng).

Kết thúc phiên giao dịch ngày 25/11, chỉ số VN-Index của Sở GDCK TP.HCM (HOSE) tăng 2,4 điểm (tương đương tăng 0,75%) lên 320,33 điểm sau khi giảm 9,7% trong 6 phiên liền trước.

Trong tổng số 166 mã cổ phiếu và 4 chứng chỉ quỹ niêm yết trên HOSE, có 84 mã tăng giá, 53 mã giảm giá, 32 mã đứng giá và 1 mã không có giao dịch là SGH của Khách sạn Sài Gòn.

Tổng khối lượng giao dịch của cổ phiếu và chứng chỉ quỹ thông qua khớp lệnh thành công sáng 25/11 đạt 10,6 triệu đơn vị, trị giá 301,6 tỷ đồng (so với 11,6 triệu đơn vị và 279,2 tỷ đồng trong phiên liền trước).

Theo một số nhà đầu tư có kinh nghiệm trên sàn giao dịch Kim Long sáng nay, cho dù giá của đa số các cổ phiếu đang nằm ở vùng đáy và khá hấp dẫn nếu đầu tư dài hạn nhưng rất khó lãi và có thể bị giam vốn nếu đầu tư ngắn hạn bởi chu kỳ tăng rất ngắn, hiếm khi được 3 phiên liên tục. Trong khi đó, khối các nhà đầu tư ngoại mua vào rất ít và bán ra nhiều.

“Nếu có tiền đầu tư nắm giữ cổ phiếu tới năm 2010 thì rất ổn. Nhưng đây là cách mà các tổ chức trong đó có khối nhà đầu tư ngoại hay làm trước đây. Còn hiện nay, các nhà đầu tư lớn vẫn đang bán ra để bù cho nhiều khoản lỗ trên nhiều mặt trận kinh doanh do vậy sức cầu chưa được cải thiện”, anh Hưng, một nhà đầu tư có mặt tại Kim Long sáng nay nói.

“Hơn thế nữa, suy thoái kinh tế không thể sớm hồi phục do vậy thị trường chứng khoán sẽ không thể tăng mạnh".

Mặc dù vậy, sự tăng điểm ấn tượng gần 1.000 điểm (khoảng 11-12%) của chỉ số chứng khoán Công nghiệp Dow Jones của Mỹ trong 2 phiên vừa qua và đợt tăng kỷ lục xấp xỉ 10% của hầu hết các chỉ số chứng khoán châu Âu hôm qua 24/11 đã có tác động tích cực tới tâm lý của các nhà đầu tư nhỏ lẻ trong nước.

Bên cạnh đó, dự đoán tích cực về chỉ số giá tiêu dùng tháng 11 (sẽ được công bố hôm nay) cũng đã giúp ngăn chặn thị trường chứng khoán đi xuống thêm một phiên nữa. Nhiều cổ phiếu blue-chips sáng nay đã tăng điểm phiên thứ 2 liên tiếp.

Sáng nay 25/11, trong nhóm 10 cổ phiếu có mức vốn hoá thị trường lớn nhất, STB của Sacombank, PVD của PV Drilling, HPG của Hoà Phát, FPT của Tập đoàn FPT tiếp tục tăng nhẹ. Cổ phiếu VPL của Du lịch Thương mại Vinpearl tăng kịch trần lên 101.000 đồng/cp.

Hai mã PPC của Nhiệt điện Phả Lại và VNM của Vinamilk tiếp tục giảm phiên thứ 2 liên tiếp, trong đó PPC giảm sàn. Cổ phiếu SSI của Chứng khoán Sài Gòn 1.000 đồng xuống 30.000 đồng/cp.

Đại gia PVF của PetroVietnam Finance đứng giá ở mức 16.700 đồng/cp.

Các cổ phiếu có khối lượng giao dịch nhiều nhất bao gồm: STB của Sacombank (1,61 triệu đơn vị); SSI của Chứng khoán Sài Gòn (0,76 triệu đơn vị); VNM của Vinamilk (0,5 triệu đơn vị); FPT (0,39 triệu đơn vị).

Sàn Hà Nội: HASTC-Index tăng 0,7%

Tiếp theo phiên hồi phục nhẹ hôm qua, sáng nay (25/11), Sàn chứng khoán Hà Nội sáng nay tiếp tục tăng nhẹ nhờ vào sự tăng giá của cổ phiếu lớn nhất sàn là ACB của Ngân hàng Á Châu.

Chỉ số HASTC-Index tăng 0,73 điểm (tương đương tăng 0,7%) lên 105,24.

Tuy nhiên, khối lượng giao dịch giảm xuống mức rất thấp.

Tổng khối lượng giao dịch thành công trên sàn Hà Nội sáng 25/11 đạt chưa tới 5,5 triệu đơn vị, trị giá 148,9 tỷ đồng (so với 7,5 triệu đơn vị và 158,9 tỷ đồng phiên liền trước).

Thống kê cho thấy, trong tổng số 161 mã cổ phiếu niêm yết trên sàn Hà Nội, có 72 mã tăng giá, 61 mã giảm giá, 19 mã đứng giá và 9 mã không có giao dịch.

Cổ phiếu lớn ACB của Ngân hàng Á Châu sáng nay tăng 100 đồng (tương đương tăng 0,23%) lên 43.000 đồng/cp; trong khi đó cổ phiếu lớn KBC của Phát triển đô thị Kinh Bắc giảm 200 đồng xuống 36.800 đồng/cp.

Về khối lượng giao dịch, cổ phiếu ACB của Ngân hàng Á Châu đứng đầu với 0,88 triệu đơn vị được chuyển nhượng. Tiếp theo là KLS của Chứng khoán Kim Long (0,76 triệu đơn vị); VCG của Tổng công ty Vinaconex (0,48 triệu đơn vị); PVS của Dịch vụ Kỹ thuật Dầu khí (0,23 triệu đơn vị); VSP của Đầu tư và Vận tải dầu khí Vinashin (gần 0,2 triệu đơn vị).
  • Hà Linh
,
Ý kiến của bạn
Ý kiến bạn đọc
,
,
,
,