221
442
Kinh tế - Thị trường
kinhte
/kinhte/
1131933
FDI vào Đà Nẵng: Vì sao số liệu vênh nhau quá lớn?
1
Article
null
FDI vào Đà Nẵng: Vì sao số liệu vênh nhau quá lớn?
,

 – UBND TP Đà Nẵng biết tin vào sự “tham mưu” của cơ quan nào, khi báo cáo về tình hình năm 2008 giữa Sở KH-ĐT và Trung tâm Xúc tiến đầu tư (IPC) có sự khác biệt quá lớn?

 

Phối cảnh khu phức hợp Vinacapital Square được khởi công xây dựng tại Đà Nẵng trong năm 2008. Ảnh: HC

Tại Đà Nẵng, Trung tâm Xúc tiến đầu tư (IPC Đà Nẵng)  trước kia trực thuộc Sở KH-ĐT nhưng 2 năm gần đây đã trở thành đơn vị trực thuộc thẳng UBND TP, được giao làm đầu mối “một cửa” trong việc vận động, xúc tiến, thẩm định các dự án đầu tư trong và ngoài nước vào địa bàn để trình UBND TP cấp phép. Trong khi đó, Sở KH-ĐT vẫn là cơ quan có chức năng quản lý Nhà nước trên lĩnh vực này.

 

Theo giải thích của một cán bộ có trách nhiệm ở IPC Đà Nẵng, toàn bộ các khâu từ khi tiếp cận cho đến khi dự án được cấp phép và một số bước trong quá trình triển khai là thuộc trách nhiệm của trung tâm này.

 

Đến khi dự án chính thức đi vào hoạt động sản xuất kinh doanh thì sẽ thuộc sự quản lý của Sở KH-ĐT. Định kỳ hàng quý hoặc 6 tháng, IPC Đà Nẵng gửi báo cáo cho Sở KH-ĐT để nắm tình hình và làm báo cáo chung trình lên UBND TP.

 

Tuy nhiên khi “đi sâu vào chi tiết” của sự phân định trách nhiệm này thì lại thấy có không ít khập khiễng. Đơn cử như báo cáo về tình hình xúc tiến đầu tư năm 2008 (tính đến tháng 11), IPC Đà Nẵng cho biết, từ đầu năm đến nay, riêng trong lĩnh vực thu hút vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI), TP đã cấp phép mới cho 26 dự án với số vốn đầu tư trên 632,9 triệu USD; ngoài ra còn có 5 dự án tăng với số vốn trên 33,5 triệu USD.

 

Trong khi đó, báo cáo UBND TP Đà Nẵng về tình hình kinh tế - xã hội năm 2008 (cũng tính đến tháng 11), Sở KH-ĐT lại cho biết, từ đầu năm đến nay, TP chỉ cấp giấy phép mới cho 22 dự án FDI (ít hơn 4 dự án so với báo cáo của IPC), thế nhưng số vốn đầu tư thì lên đến 783,26 triệu USD (vượt hơn báo cáo của IPD Đà Nẵng đến 150 triệu USD). Chưa hết, số dự án FDI tăng vốn theo báo cáo của Sở KH-ĐT Đà Nẵng chỉ có 1 (so với 5 như báo cáo của IPC) với số vốn 21 triệu USD.

 

Sự khác nhau về số liệu thống kê năm 2008 dẫn tới việc xác định tổng số dự án và tổng vốn FDI đầu tư vào địa bàn Đà Nẵng tính đến thời điểm này giữa Sở KH-ĐT và IPC cũng có chênh lệch không nhỏ. IPC Đà Nẵng cho biết, toàn TP hiện có 146 dự án FDI đã được cấp phép còn hiệu lực với tổng vốn đầu tư 2,438 tỷ USD. Trong khi đó, Sở KH-ĐT báo cáo toàn TP hiện có 141 dự án FDI, ít hơn báo cáo của IPC, nhưng với tổng vốn đầu tư lại nhiều hơn 2,552 tỷ USD!

 

Không chỉ thế, nhận định của IPC và Sở KH-ĐT Đà Nẵng về diễn biến tình hình thu hút vốn FDI vào địa bàn cũng có những khác biệt rất cơ bản. Báo cáo của Sở KH-ĐT Đà Nẵng nêu ra các dự án lớn mới được cấp phép trong năm 2008 như Công ty Kreves (Hàn Quốc) 200 triệu USD, Công ty GVD 1 và 2 (British Virgin Islands) 500 triệu USD (theo báo cáo của IPC thì chỉ có… 330 triệu USD!), Công ty Imperial Vina Đà Nẵng 24,7 triệu USD, Công ty TNHH Daiwa VN tăng vốn thêm 21 triệu USD…

 

Ngược lại, báo cáo của IPC Đà Nẵng cho thấy, có không ít dự án FDI được cấp phép đầu tư vào địa bàn với số vốn… chưa bằng một chiếc ôtô. Đơn cử như dự án của Công ty TNHH Đầu tư và phát triển Toàn Cầu (Hàn Quốc) 6.250USD, Công ty TNHH Data Foutain VN (Hoa Kỳ) 6.250USD, Công ty TNHH Đào tạo Thống nhất (Việt – Úc) 9.320USD, Công ty cổ phần Dịch vụ hỗ trợ dự án (Australia) 10.000USD…

  

Chưa hết, định hướng cho công tác thu hút vốn FDI trong năm 2009 giữa IPC Đà Nẵng và Sở KH-ĐT cũng bộc lộ khoảng cách khá… "mênh mông".

 

IPC Đà Nẵng cho hay, hiện đang xúc tiến 12 dự án với tổng vốn dự kiến gần 1 tỷ USD vào lĩnh vực du lịch và bất động sản. Trung tâm này dự kiến trong năm 2009 sẽ tiếp tục vận động, xúc tiến các dự án kể trên nhằm thu hút đầu tư vào TP đạt khoảng 600 triệu USD.

 

Trong khi đó, Sở KH-ĐT Đà Nẵng cho biết, sẽ “xúc tiến, kêu gọi vốn FDI để đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng với những hình thức thích hợp như BOT, BT, BO… Phấn đấu thu hút vốn FDI với mức tăng 20% về số dự án và vốn đăng ký so với ước thực hiện năm 2008”.

 

So với báo cáo của chính Sở KH-ĐT Đà Nẵng về kết quả năm 2008 thì với mức tăng kể trên, dự kiến năm 2009 Đà Nẵng sẽ có trên 26 dự án được cấp phép với số vốn gần 942 triệu USD. Tuy nhiên cơ sở nào để nêu ra con số này (ví dụ số dự án đang xúc tiến) thì lại không thấy Sở KH-ĐT Đà Nẵng nói tới!...

 

Chỉ cũng trên địa bàn một TP (không lấy gì làm lớn), vậy mà chỉ riêng trong lĩnh vực thu hút vốn FDI (vốn được các địa phương rất quan tâm, nếu không muốn nói là quan tâm hàng đầu), giữa báo cáo của IPC Đà Nẵng và báo cáo của Sở KH-ĐT Đà Nẵng đã có sự chênh lệch lớn như vậy thì quả là điều khó hiểu.

 

Đây đều là những cơ quan có trách nhiệm tham mưu cho UBND TP Đà Nẵng trong việc đề ra những quyết sách nhằm thu hút mạnh mẽ hơn nữa nguồn vốn FDI góp phần đẩy mạnh phát triển kinh tế - xã hội trên địa bàn. Nhưng với cái kiểu “trống đánh xuôi, kèn thổi ngược” không chỉ về thống kê số liệu mà còn về nhận định tình hình và đề ra phương hướng, liệu UBDN TP Đà Nẵng biết phải tin vào sự “tham mưu” nào?

  • Hải Châu
,
Ý kiến của bạn
Ý kiến bạn đọc
,
,
,
,