- Mặc dù Bộ NN-PTNT đã lên 3 kịch bản về khủng hoảng tài chính toàn cầu để có biện pháp đối phó, song, cả 3 kịch bản này đều dẫn tới hệ quả: xuất khẩu nông sản Việt Nam sụt giảm trong năm tới. Dù ở kịch bản nào, ngành cũng gặp vô vàn khó khăn không chỉ về xuất khẩu mà ngay cả trên sân nhà.
"Khủng hoảng" từ nội tại
"Cơn lốc" khủng hoảng tài chính bắt đầu tác động đến nông sản xuất khẩu từ tháng 9/2008. Cùng với đó, hầu hết các nước đều được mùa khiến giá nông, lâm, thuỷ sản giảm nhanh và ở mức quá thấp, tác động sâu sắc đến nông nghiệp. Nếu tháng 7/2008, kim ngạch xuất khẩu nông sản Việt Nam đạt kỷ lục 1,75 tỷ USD thì đến tháng 11/2008, con số này ước còn 1,2 tỷ USD, giảm gần 32%.
Với mặt hàng thủy sản, theo thông lệ, nhu cầu trên thị trường thế giới sẽ tăng mạnh vào tháng 11-12 để chuẩn bị cho dịp Noel và Tết Dương lịch. Song, đến nay, số lượng đơn hàng nhập khẩu vẫn sụt giảm. Dự báo, sự ảm đạm của thị trường còn lan đến hết quý I/2009.
Vụ Kế hoạch (Bộ NN-PTNT) nhận định, cuộc khủng hoảng tài chính nặng nề tại các thị trường chủ chốt như Mỹ, EU, Trung Quốc, Nhật Bản... chính là nguyên nhân khiến sức cầu sụt giảm mạnh. Rắc rối của hệ thống ngân hàng tại những thị trường lớn làm hạn chế khả năng thanh khoản của các doanh nghiệp (DN) nhập khẩu hàng từ Việt Nam.
Rau quả trong nước lâu nay vẫn không đáp ứng được yêu cầu của thị trường nội địa (ảnh IPSARD).
Hiện hàng nông sản bắt đầu có dấu hiệu tồn đọng ở các hải cảng của Mỹ và một số nước do các đối tác không mở được LC. Thông tin từ Hiệp hội Gỗ và Lâm sản Việt Nam, chỉ tính riêng hai thị trường Hoa Kỳ và EU, các DN nhập khẩu gỗ vẫn tồn kho khoảng 30% số hàng nhập từ năm 2007. Một lượng lớn hàng nhập năm nay cũng đang ế ẩm.
Bên cạnh đó, nhiều quỹ đầu tư đồng loạt rút vốn ra khỏi hoạt động đầu tư nông sản dẫn tới sự giảm cầu trên các thị trường kỳ hạn, làm giá nông sản giảm đột ngột. Việc nhiều quốc gia tăng trợ cấp nông nghiệp để đảm bảo an ninh lương thực cũng khiến nông sản mất giá, điển hình như cà phê giảm 32%, cao su giảm 50%... Hệ quả là việc làm và thu nhập của nông dân giảm theo.
Tuy nhiên, TS. Đặng Kim Sơn, Viện trưởng Viện Chính sách và Chiến lược phát triển NNNT, cho rằng, ngoài khủng hoảng tài chính, nội tại ngành nông nhiệp Việt Nam cũng "có vấn đề"! Đó là tốc độ tăng trưởng xuất khẩu phi mã khi đạt tới gần 34%, trong khi thế giới chỉ tăng 14% trong giai đoạn 2004-2007. 8 tháng đầu năm 2008, Việt Nam giảm còn 21,4% trong khi tăng trưởng của thế giới chỉ giảm nhẹ, còn 13%.
Bất lợi của ngành nông nghiệp, ông Sơn nhận định, chính là tỷ giá hối đoái so với các nhà xuất khẩu nông nghiệp khác. Cùng với thiên tai, dịch bệnh, công tác chỉ đạo điều hành yếu kém, lãi suất cho vay vốn tăng cao, sự thiếu kết hợp giữa người sản xuất và DN xuất khẩu, hệ thống thu mua phân phối, lưu kho, tiếp thị chưa "ổn"... Những khó khăn này không mới, song, trong tình hình bất lợi hiện nay nó càng trở lên rõ rệt hơn bao giờ hết.
"So với sự giảm sút của nhu cầu nhập khẩu trên thị trường thế giới thì sự yếu kém nội tại của nông nghiệp Việt Nam đáng chú ý hơn", TS. Đặng Kim Sơn cảnh báo.
Tại Hội nghị tìm lối thoát cho xuất khẩu nông sản, do Bộ NN-PTNT tổ chức ngày 25/11, Bộ trưởng Bộ NN-PTNT Cao Đức Phát so sánh, nếu xuất khẩu dệt may được 100 đồng thì Việt Nam chỉ được 30 đồng nhưng với 100 đồng xuất khẩu nông sản sẽ thu về 70 đồng. Giảm 1 tỷ USD xuất khẩu nông sản tương đương với giảm 3 tỷ USD xuất khẩu các mặt hàng khác.
Cái khó của xuất khẩu nông sản sắp tới vì thế sẽ buộc nhiều ngành hàng phải giảm đầu tư, chưa kể một số mặt hàng nhập khẩu sẽ tăng mạnh, gây áp lực lên sản xuất trong nước. Thu nhập của bà con nông dân chắc chắn sẽ bị ảnh hưởng. Do vậy, việc duy trì sản xuất nông nghiệp như thế nào khi đầu ra bị thu hẹp đang là bài toán khó.
TIN LIÊN QUAN
Thiếu giải pháp đột biến
Có 3 kịch bản về khủng hoảng tài chính toàn cầu được Vụ Kế hoạch (Bộ NN-PTNT) đưa ra để lên phương án cho xuất khẩu nông sản Việt Nam dựa trên các viễn cảnh mức độ phục hồi nhanh trong quý I/2009; kết thúc khủng hoảng trong năm 2009 và khủng hoảng tiếp tục lún sâu. Cả 3 kịch bản này đều dẫn tới hệ quả: xuất khẩu nông sản Việt Nam giảm tương tự 15,3 tỷ USD; 13 tỷ USD, 10,8 tỷ USD. Dù ở kịch bản nào, ngành nông nghiệp cũng khó khăn, không chỉ xuất khẩu mà ngay cả thị trường nội địa.
Các giải pháp mà Vụ Kế hoạch đề xuất là tập trung vào gia tăng sản xuất, tăng cường thông tin dự báo, xúc tiến thị trường mới, đảm bảo an sinh xã hội ở nông thôn.
Ông Trang Hiếu Dũng, Vụ trưởng Vụ Kế hoạch, nhấn mạnh, cần giữ vững sản lượng cây lương thực (lúa, ngô) để đảm bảo an ninh lương thực, phục vụ xuất khẩu 4,5-5 triệu tấn gạo; chăn nuôi, thủy sản tận dụng cơ hội giá nguyên liệu đầu vào giảm để thúc đẩy sản xuất, chiếm lĩnh thị trường trước khả năng thực phẩm nhập khẩu sẽ ồ ạt vào Việt Nam với giá rẻ. Song song đó, cải thiện mạnh mẽ việc thông tin, dự báo thị trường để có thể tận dụng cơ hội cho sản xuất, xuất khẩu, đảm bảo nông dân có thể ứng phó linh hoạt hơn.
Đồng thời, phải kích cầu nội địa bởi một số mặt hàng nông sản xuất khẩu chủ lực của Việt Nam như cà phê, hạt điều, chè... lâu nay đều hướng ngoại tới 80-90% sản lượng.
Mặt khác, theo TS. Đặng Kim Sơn, trong quá khứ có những thời kỳ công nghiệp tăng trưởng âm nhưng nông nghiệp vẫn giữ được đà tăng trưởng mạnh mẽ, tạo lực đẩy giúp kinh tế Việt Nam thoát khỏi khủng hoảng, điển hình là năm 1999 (khủng hoảng tài chính lan rộng ở châu Á).
Tuy nhiên, cuộc khủng hoảng lần này, do nông nghiệp Việt Nam không có những chính sách phát triển đột biến, đủ sức chống chịu trong khi lĩnh vực công nghiệp, dịch vụ bắt đầu giảm... sẽ kéo theo một lượng lao động mất việc tạm thời đổ về nông thôn. Ông Sơn dự đoán, số lượng người nghèo bị ảnh hưởng mạnh, số cận nghèo rơi xuống nghèo sẽ có khả năng tăng. Do vậy, các giải pháp để bảo vệ an sinh xã hội cho nông dân cần được chú trọng hơn cả.
“Khủng hoảng cũng là thời cơ mà chúng ta cần chớp lấy để đổi mới cơ chế chính sách”, ông Sơn lưu ý.
-
Hà Yên