– Nhiều người tiêu dùng nhận xét, quần áo nội tuy chưa phong phú về kiểu dáng, mẫu mã nhưng chất liệu, chất lượng đã tiến bộ nhiều, giá cả lại chấp nhận được. "Made in Vietnam" ngày càng được ưa chuộng.
Cửa hàng quần áo số 9, phố Trần Nhân Tông (Hà Nội) vốn nhiều năm nay kinh doanh quần áo nam, nữ của “Tàu”. Cho rằng hàng “địa phương” của Trung Quốc vẫn chiếm ưu thế, nhất là tại các chợ, phố thời trang đại trà tại Hà Nội như Ngã Tư Sở, Chùa Bộc, Trần Nhân Tông, Hàng Ngang, Hàng Đào... nhưng bà chủ cửa hàng lại thẳng thắn nhận xét, người tiêu dùng ngày càng tỏ ra ưa chuộng hàng “Made in VietNam”.
Lấy dẫn chứng từ gia đình mình, bà cho biết dù bán hàng Tàu nhưng năm nay cả nhà toàn dùng hàng “made in VietNam” (sản phẩm của các doanh nghiệp Việt Nam may xuất khẩu).
Tuần trước, vừa chi khoảng 500.000 đồng sắm một chiếc quần và chiếc áo khoác phao dầy dặn cho mình, đến nay bà vẫn không tiếc lời khen, “chất liệu, kiểu dáng rất đẹp, giá cả lại vừa phải".
Giày chưa kịp xếp lên giá, khách hàng đã tranh nhau - Ảnh: N.N |
Sự nghiêng về hàng nội địa của nhiều người tiêu dùng Hà Nội hiện nay có thể thấy rõ tại Hội chợ Thời trang Việt Nam 2008 vừa được tổ chức tại Hà Nội với 150 đơn vị tham gia hội chợ, trong đó chiếm 90% là các thương hiệu thời trang nội địa.
Ban tổ chức cho biết sự gia tăng “đột biến” về lượng khách đến tham quan, mua sắm so với các năm trước (trung bình mỗi ngày trên 1 vạn lượt người) ngay cả trong bối cảnh người dân thắt chặt chi tiêu chứng tỏ sức hút của thời trang nội địa. Khách đông đến mức từ việc vào cửa tự do, ban tổ chức đã phải có thêm các động tác làm chậm lượt người vào như đề nghị khách đến phải đăng ký hoặc dán logo hội chợ lên vai.
Tại gian hàng của Công ty CP Giày Thống Nhất, Hải Phòng, hàng chục khách hàng chen chúc chọn mua, đứng ngồi thử giày tràn ra cả lối đi của hội chợ khiến nhiều lần nhân viên bảo vệ phải đến nhắc nhở.
Anh Nguyễn Văn Liêm, trưởng chi nhánh tại Hà Nội của công ty cho hay với mức giá từ 70.000 – 120.000 đồng/đôi giày thể thao, riêng ngày đầu, số tiền hàng thu về đã đạt 40 triệu đồng. Thậm chí các nhân viên bán hàng còn chưa kịp bày giày lên giá, bà con đã tiến đến mua tấp nập, không thể sắp xếp quy củ được.
Bác Cao Thị Luân, 65 tuổi ở Phú Thụy, Gia Lâm đang xách 4 đôi giày trong tay vẫn đứng bên cửa gian hàng đợi con gái vào chọn mua tiếp. Bác cho biết, có người quen đã dùng loại giày nội này mách cho. 4 đôi hết gần 300.000 đồng mà bền đẹp hơn hẳn hàng “Tàu” bán tại các chợ.
Theo Tập đoàn Dệt may VN, hiện chỉ 30% hàng dệt may VN được tiêu thụ tại thị trường nội địa, còn đối với da giày tỷ lệ này còn chưa tới 10% - Ảnh: N.N |
Vừa trả số tiền 500.000 đồng cho hai túi quần áo mua cho cả nhà, chị Đỗ Thị Hằng, công tác tại Học viện mạng Bách khoa – Đại Học Bách khoa Hà Nội, vui vẻ kể, năm ngoái chị đã mặc đồ của doanh nghiệp trong nước này rồi, thấy tin tưởng về chất lượng, giá cả chỉ trên dưới 100.000 đồng một chiếc áo len nam hoặc nữ nên năm nay chị lại quay lại.
Mặt hàng khăn bông cũng khiến nhiều người tiêu dùng hài lòng. Chị Lâm Bích Ngọc, làm việc cho hãng Bảo hiểm Nhân thọ Ace Life so sánh một chiếc khăn mặt kích cỡ và độ dày như nhau nhưng trước hàng Trung Quốc, chị thường mua với giá 15.000 đồng/chiếc mà nay sản phẩm của Công ty Phong Phú chỉ có 9.000 đồng, chị chọn mua luôn một loạt cho cả gia đình.
Nhiều người tiêu dùng nhận xét, hàng nội tuy chưa phong phú về kiểu dáng, mẫu mã nhưng chất liệu, chất lượng đã tiến bộ nhiều, giá cả lại chấp nhận được, cụ thể áo khoác nam, nữ dày dặn của các thương hiệu như Vinatex, Phương Đông, Nhà Bè, Việt Tiến… giá phổ biến từ 200 – 400.000 đồng/chiếc nên tâm lý chung là vẫn thích dùng hàng nội địa.
Doanh nghiệp xuất khẩu “hướng nội”
Phần lớn doanh nghiệp dệt may, da giày hiện nay đều cho biết, việc tập trung vào thị trường nội địa với 86 triệu dân là mục tiêu hàng đầu của họ, đặc biệt là lúc này khi kinh tế thế giới suy giảm, ảnh hưởng trực tiếp đến xuất khẩu.
Bà Vũ Hải Bình, Giám đốc đốc Công ty Len Đà Lạt, đơn vị có gần 20 năm làm hàng đi Đông Âu nằm trên địa bàn thị xã Hà Đông, Hà Nội, nhận định, thị trường nội địa đang rất sôi động, nhu cầu cao mà gu tiêu dùng của người dân ngày càng gần với thế giới. Đó chính là sức hấp dẫn khiến một vài năm nay Len Đà Lạt không thể đứng ngoài thị trường này.
Ngay cả Giày Thống Nhất trước kia cũng là một đơn vị chủ yếu phục vụ thị trường xuất khẩu. Sau khi cổ phần hóa, nghiên cứu kỹ tâm lý, thị hiếu của người tiêu dùng trong nước, công ty quyết định “tấn công” sâu hơn vào thị trường này bằng việc phát triển các sản phẩm đạt chất lượng, có nhãn hiệu với mức giá trên dưới 100.000 đồng/sản phẩm.
Xu hướng tiêu dùng mặt hàng giày thể thao của số đông người Hà Nội thực chất vẫn nghiêng về sự tiện dụng, độ bền. Hiện một số hãng chạy theo mốt, làm những đôi giày có giá 200 – 300.000 đồng mà chất lượng cũng không mấy khác biệt thì lượng tiêu thụ sẽ không tốt bằng loại có giá cả phù hợp hơn – trưởng chi nhánh Hà Nội của công ty phân tích.
Người tiêu dùng có mức thu nhập từ trung bình trở lên và các doanh nghiệp thời trang trong nước tìm thấy nhau tại thị trường nội địa năm nay - Ảnh: N.N |
Đồng quan điểm, chị Nguyễn Thanh Ngân, thuộc Ban Nghiên cứu và Xúc tiến Thị trường, Tập đoàn dệt may đúc kết, không phải lúc nào người tiêu dùng Việt cũng sính hàng ngoại, đắt tiền. Nhu cầu của họ đối với hàng nội rất lớn nhưng vấn đề là các doanh nghiệp trong nước có đáp ứng được nhu cầu đó hay không.
Thừa nhận trong lĩnh vực dệt may, hàng nội địa đang bị “bao vây” bởi hàng giá rẻ từ Trung Quốc, chị Phương Anh, phụ trách Marketing của Công ty Dệt len Hoàng Dương, đơn vị sở hữu thương hiệu Canifa nhấn mạnh, về mặt kỹ thuật, giá bán tại thị trường nội địa, các doanh nghiệp trong nước không mấy lo ngại nhưng về sự đa dạng, nhanh nhạy của mẫu mã, sự hào nhoáng của hình thức, thì hàng Việt Nam còn phải nỗ lực rất lớn.
Một lãnh đạo của Công ty May 10 lý giải thêm, sở dĩ các doanh nghiệp đang quay về, tập trung ráo riết cho thị trường trong nước còn bởi chỉ hơn 1 tháng nữa thôi, lĩnh vực phân phối bán lẻ của Việt Nam sẽ mở cửa đón các tập đoàn nước ngoài. Cạnh tranh ngày càng gay gắt, các doanh nghiệp xác định, muốn làm tốt thị trường quốc tế thì phải có thương hiệu tốt trước tiên là trên "sân nhà".
-
Nguyễn Nga