- Áo len, áo khoác nam, nữ có loại 70.000, 80.000 đồng, loại dày dặn hơn giá trên 100.000 hoặc lên đến 200.000–300.000 đồng/chiếc; áo phao lớn, giày da, giày thể thao trên dưới 100.000 đồng/chiếc… được bày bán la liệt ở nhiều vỉa hè tại Hà Nội vài tuần nay. Đáng chú ý là không khí mua bán hết sức náo nhiệt.
Dọc các con đường Phạm Hùng, đường Hoàng Minh Giám (quận Cầu Giấy), Khuất Duy Tiến (quận Thanh Xuân) từ vài ba tuần nay đã xuất hiện một loạt điểm bán “đống” quần áo, giày dép. Vào các tầm cao điểm như trưa và chiều tối, khách đến xem, mua tạo thành những đám đông lớn, từ đó lại thu hút nhiều hơn những người hiếu kỳ.
Đối tượng mua đa số là công nhân lao động, người nhập cư, sinh viên - Ảnh: N.N |
17h, trời đã xẩm tối. Trong khi hàng chục khách hàng nhao nhao trước “hàng rào” quần áo rét cao ngang người tại một điểm bán trên đường Phạm Hùng, một phụ nữ trung niên chen vào ngồi giữa đống quần áo gió được gắn mác Adidas, giá bán khoảng 230.000 đồng, lúi húi lục tìm cỡ XL.
Nhiều người ngỡ chị là chủ quầy. Nhưng sau một hồi không tìm thấy kích cỡ mong muốn, hỏi các thanh niên trẻ bán hàng, chị nhận được câu trả lời: "Giờ không tìm được đâu, sáng mai ra em tìm cho, chị là khách quen, cứ yên tâm”, mới hay chị cũng là người đi mua.
Người phụ nữ cho biết, năm ngoái chị đã mua cho đứa em trai dùng, thấy chất liệu mặc được, lại bền, nên năm nay chị lại tìm ra. Trước khi ra về, chị không quên dặn dò “màu này, kẻ này, cỡ XL, nhớ để phần đấy!”
Ông Hưng, 65 tuổi, nhà gần đây, buổi chiều bế cháu đi chơi cũng rẽ vào xem và mua được 1 chiếc áo khoác với giá 160.000 đồng.
“Có tuổi, mặc thế này cho nhẹ nhàng, giá cả lại hợp với túi tiền” – giơ chiếc áo trên tay, ông vui vẻ nói vậy rồi xác định, vào các cửa hàng lớn hiện áo này phải 400–500.000 đồng, “chấp nhận mua hàng rẻ tiền, chỉ mặc 1, 2 vụ là được rồi”.
Người đến mua chấp nhận được về chất lượng, giá cả. Người đến xem cũng đông vì hiếu kỳ - Ảnh: N.N |
Quan sát tại đây thấy, phần lớn hàng bày bán là bán áo khoác mới được tập hợp từ hai nguồn chính là hàng may trong nước và hàng Trung Quốc, giá dao động từ 100.000–300.000 đồng/chiếc.
Một thanh niên trẻ bán hàng tên Công giới thiệu, nhà anh mùa rét nào cũng bán. Năm ngoái trời rét đậm, 22 Tết đã bán sạch hàng. Hiện tại với 5 sạp tại các đường phố, bình quân doanh thu mỗi ngày khoảng 100 triệu đồng.
Con số này so với một số người buôn lớn là chưa thấm tháp gì. “Có nhà còn lấy liền một container hàng trị giá 6, 7 tỷ đồng, đổ một lúc cho cả chợ Đồng Xuân luôn” – anh Công cho biết.
Theo những người bán hàng, đối tượng mua gồm đủ mọi tầng lớp nhưng đa số vẫn là công nhân lao động, người nhập cư, sinh viên. Đây cũng là đối tượng mà bán được chiếc áo khoác 200.000 đồng không dễ dàng bởi với đồng lương hơn 1 triệu, họ phải tính toán, cân nhắc, mặc cả hàng tiếng đồng hồ.
Chưa kể tâm lý coi đây là hàng “đểu”, lỗi, hàng sida nên khi vào xem thấy hàng công ty giá 200.000–300.000 đồng/chiếc, chất lượng được, nhiều người hết sức bất ngờ. Song, cũng theo những người bán hàng, tại đây không ít thành phần đi ôtô đến hoặc những người đi xe máy còn không cả tắt máy vào mua rất nhanh chóng, không cần mặc cả.
Từ ngày có các quầy quần áo, giày dép vỉa hè, đường Hoàng Minh Giám sôi động, náo nhiệt hẳn lên - Ảnh: N.N |
Vất vả mưu sinh
Khách đến liên tục từ lúc dọn hàng đến 22, 23 giờ đêm khiến chỉ sau 3 ngày đầu bán tại đây, 5 thanh niên trẻ xin giấu tên đến từ Thanh Hóa, Nam Định, Ninh Bình lạc hết giọng. Có anh phân bua: “Bọn em còn không kịp tắm nữa”.
Dù đã phân công rõ ràng mỗi người chuyên bán một loại nhưng do quá nhiều hàng, việc quên giá bán, trả nhầm tiền... là chuyện thường xuyên. Đó là chưa kể tâm lý lo sợ, thấp thỏm khi vừa bán hàng, vừa lo công an đuổi. Được biết từ ngày ngồi đây bán hàng, họ đã bị phạt 3 lần.
Các thanh niên trẻ trên tỏ ra không mấy chu đáo cho việc ăn nghỉ. Buổi trưa, họ căng một chiếc bạt nhỏ đủ ngồi tránh nắng, số khác nằm trong đống quần áo. Nhưng không chỉ vậy, tại các quầy trên đường Hoàng Minh Giám, khách mua hàng không khó để nhận ra chiếc máy phát điện, chiếc nồi cơm điện, bát đĩa và mấy thùng nước được những người phụ nữ quê gốc Nam Định bán hàng tại đây đem ra tự phục vụ cho cả một ngày.
Giày lấy qua nhiều đầu mối, người phụ nữ cho biết, đây đa phần là hàng gia công trong nước từ chất liệu của Trung Quốc, giá bán từ 80.000–100.000 đồng/đôi - Ảnh: N.N |
Ngay sau chỗ họ ngồi là một công trường xây dựng. Để chạy kịp mỗi khi công an đuổi, một phụ nữ quê Xuân Trường, Nam Định tranh thủ những ngày nông nhàn, lên đây thuê nhà đi bán giày da cho biết, những đống gạch xếp sẵn chính là nơi trú ngụ lý tưởng.
Mỗi điểm ngồi được vài ba ngày nên thu nhập khá thất thường, chị dè dặt nhẩm tính, trung bình ngày bán được mươi đôi, trừ tiền thuê nhà ra, cũng dành dụm được vài trăm nghìn một tháng.
“Biết ngồi bán ở vỉa hè thế này là sai, họ phạt là đúng nhưng vì mưu sinh mình vẫn phải lao theo”. Các thanh niên tại điểm trên đường Phạm Hùng xác định trong lúc thất nghiệp, tranh thủ bán từ giờ đến Tết chứ không nghĩ làm nghề này lâu dài.
-
Nguyễn Nga