Mở đầu phiên giao dịch 23/12 giá dầu tại thị trường Singapore lại giảm khá mạnh xuống dưới 40 USD/thùng sau khi tăng lên trên 43 USD cùng giờ phiên liền trước do nhiều dấu hiệu cho thấy suy thoái kinh tế toàn cầu sẽ khiến nhu cầu dầu giảm mạnh hơn so với lượng cắt giảm của OPEC.
Giá dầu thế giới lại giảm khá mạnh xuống dưới 40 USD/thùng do nhiều dấu hiệu cho thấy suy thoái kinh tế toàn cầu đang khiến nhu cầu dầu giảm mạnh hơn so với lượng cắt giảm của OPEC. (Ảnh: BLB)
Mặc dù Tổ chức các nước xuất khẩu dầu mỏ (OPEC) vẫn khẳng định sẽ quyết tâm ổn định thị trường dầu mỏ nhưng số liệu vừa được Nhật công bố cho thấy lượng dầu thô nhập khẩu của nước này trong tháng trước đã giảm tới 17% xuống chỉ còn 3,71 triệu thùng/ngày.
"Số liệu về nhu cầu dầu của Nhật đã giải thích tại sao OPEC đang gặp rất nhiều khó khăn trong việc hỗ trợ giá dầu", Adam Sieminski, nhà kinh tế trưởng trong lĩnh vực năng lượng của Deutsche Bank tại Washington nói.
Giá dầu thô giao tháng 2/2009 tính tới 8h00 sáng 23/12 (giờ Việt Nam) tại Sàn giao dịch New York giảm thêm 25 cents (tương đương giảm 0,6%) xuống 39,66 USD/thùng. Trong phiên giao dịch liền trước (kết thúc vào 5h15 sáng 23/12 giờ Việt Nam), giá dầu tại Mỹ đã giảm 5,8% xuống còn 39,91 USD/thùng.
Không chỉ có Nhật, nhiều nước khác cũng đã công bố số liệu cho thấy nhu cầu tiêu thụ năng lượng đang giảm mạnh.
Hàn Quốc ngày 22/12 cho biết nhu cầu sử dụng xăng dầu của nước này trong tháng 11 giảm 12,4% so với cùng kỳ năm ngoái xuống còn 60,3 triệu thùng xăng dầu.
"OPEC có thể rất quyết tâm để ổn định giá dầu nhưng với sức cầu thấp như vậy thì rất khó để có thể kéo giá đi lên", Addison Armstrong, giám đốc bộ phận nghiên cứu thị trường của Tradition Energy tại Stamford nói.
Hiện tại Nhật là nước nhập khẩu dầu lớn thứ 3 thế giới sau Mỹ và Đức. Hàn Quốc là nước nhập khẩu dầu lớn thứ 5.
Trong khi đó, lượng cung dầu của Mỹ tăng 11 trong 12 tuần vừa qua. Dự trữ dầu của Mỹ theo dự báo cũng tăng khoảng 900.000 thùng trong tuần trước.
Mặt hàng có quan hệ mật thiết với dầu là vàng cũng đang có xu hướng giảm giá.
Tính tới 9h30 sáng 23/12 (giờ Việt Nam), giá vàng thế giới giao ngay giảm hơn 1 USD so với cùng giờ ngày hôm qua xuống 844 USD/ounce.
Giá vàng thế giới tháng 2/2009 cũng giảm hơn 1 USD xuống 845,9 USD/ounce.
Trong nước, giá vàng miếng Phượng Hoàng PNJ-DAB của CTCP Vàng bạc đá quý Phú Nhuận - PNJ, chi nhánh Hà Nội vào đầu giờ sáng 23/12 được giao dịch ở mức 17,20 triệu đồng/lượng (mua) và 17,28 triệu đồng/lượng (bán), đúng bằng giá cuối giờ chiều 23/12.
Giá vàng miếng SJC tại Phú Quý, Hà Nội cũng đang được giao dịch ở mức tương tự.
Cho dù giá vàng giảm nhưng trong phiên giao dịch hôm qua 22/12 thị trường vàng miếng tại Hà Nội rơi vào tình trạng đóng băng.
Theo thống kê của PNJ Hà Nội, trong phiên giao dịch 22/12, đơn vị này đã bán ra 10 lượng vàng miếng và mua vào cũng khoảng 10 lượng, chỉ bằng khoảng 30% so với 2 phiên cuối tuần và bằng khoảng 5-6% so với các phiên khởi sắc trong tuần trước.
Cả ngày hôm qua chỉ có vài khách hàng tới các cửa hàng của Phú Nhuận, Bảo Tín và Phú Quý và hầu hết chỉ mua hoặc bán một vài chỉ vàng.
Các chuyên gia chưa có nhận định gì về thị trường vàng nhưng một số nhà đầu tư cho rằng vàng có thể còn tiếp tục giảm mạnh, thậm chí còn xuống dưới 16,5 triệu đồng/lượng do ảnh hưởng của giá vàng thế giới do tính thanh khoản trong những ngày nghỉ lễ Noel và Tết dương lịch sẽ rất kém.
Hiện tại, giá vàng trong nước gần ngang bằng với giá thế giới.
-
Hà Linh (Theo Bloomberg, Oil)