221
442
Kinh tế - Thị trường
kinhte
/kinhte/
1142198
Không nên chậm triển khai gói kích cầu
1
Article
null
Không nên chậm triển khai gói kích cầu
,

 - Đã có ý kiến cho rằng gói giải pháp tài chính không cần rót vào DN nhỏ và vừa, vì đối tượng này đã được hưởng nhiều chế độ ưu đãi khác. Nhưng trong buổi tọa đàm về chính sách kích cầu do báo Sài Gòn tiếp thị và Trung tâm nghiên cứu kinh tế và chính sách (CEPR) tổ chức tại TP.HCM ngày 23/12, các ý kiến lại cho rằng rất cần thiết đầu tư vào lĩnh vực tư nhân, DN vừa và nhỏ, không nên rót vào lĩnh vực DN nhà nước.

Rót vào doanh nghiệp nhà nước sẽ kém hiệu quả

Đại diện nhóm nghiên cứu, tiến sĩ Nguyễn Đức Thành, giảng viên Khoa Kinh tế phát triển Đại học Quốc gia Hà Nội, cho rằng, đây là gói tài chính của Chính phủ để trợ giúp nhằm chống đỡ sự suy sụp, bởi thế phải đầu tư vào những lĩnh vực ngắn hạn. Nếu đầu tư vào lĩnh vực dài hạn sẽ không có hiệu quả.

Các dự án xây dựng đang được gói kích cầu nhắm đến.  

Theo ông Thành, không nhất thiết dành cho vùng chậm phát triển, mà nên dành cho vùng đầu tàu kinh tế. “Vì vùng phát triển nhanh thì cũng bị suy thoái nhanh, và có tác động lớn đến kinh tế cả nước”, ông Thành nói.

Chuyên gia kinh tế cao cấp, tiến sĩ Lê Đăng Doanh cũng đồng tình rằng không nên đầu tư vào doanh nghiệp nhà nước. Lý do hiệu quả của lĩnh vực này rất thấp.

“Đầu tư vào một tấn xi măng, sắt thép, ở lĩnh vực nhà nước cao gấp đôi tư nhân”, ông tiết lộ.

Chuyên gia dẫn chứng, khu vực nhà nước chiếm 40% GDP, nhưng chỉ tạo ra 6% việc làm. Trong khi đó, khối DN tư nhân tạo ra 92% việc làm.

Tiến sĩ Nguyễn Quang A cũng cho rằng, cần phải khẩn cấp cứu chỗ mạnh nhất để tồn tại trước, sau đó mới có điều kiện tính đến lĩnh vực dài hạn.

Ông cũng không khuyến khích đầu tư vào DN nhà nước, vì lĩnh vực này đầu tư tốn kém nhất nhưng kém hiệu quả nhất.

Đầu tư cho tư nhân, DN vừa và nhỏ

Tiến sĩ Doanh cho rằng, người bị tác động trực tiếp và nhiều nhất bởi khủng hoảng tài chính và suy giảm kinh tế là tầng lớp bình dân và người thu nhập thấp, phần lớn là lao động ở nông thôn và lao động trong các ngành xuất khẩu, đặc biệt, lao động trong các làng nghề hiện đang rất khó khăn. Ngoài ra, một lực lượng lớn lao động trong khu vực DN có vốn đầu tư nước ngoài (FDI) bị thua lỗ, “bỏ của chạy lấy người” hiện cũng đang lao đao.

 

Vì vậy theo ông, lĩnh vực cần cứu giúp là DN tư nhân, làng nghề, khu vực nông nghiệp, và những đối tượng bị tổn thương là người nghèo, công nhân. Đầu tư cho DN tư nhân, DN vừa và nhỏ, sẽ tạo ra nhiều công ăn việc làm, sẽ giải quyết được nạn thất nghiệp, hỗ trợ được cho người nghèo.

Về địa bàn, tiến sĩ Nguyễn Đức Thành cho rằng cần tập trung vào hai đầu tàu kinh tế là Đông Nam Bộ và Đông Bắc Bộ. Hai khu vực kinh tế trọng điểm này có sức lan tỏa rất lớn đến các vùng miền khác trong cả nước.

Tiến sĩ Trần Đình Thiên cho rằng, nên định hướng ưu tiên vào các ngành xuất khẩu, ngành thâm dụng lao động và tạo ra giá trị gia tăng cao.

Về phương pháp hỗ trợ, có thể bằng nhiều cách, ngoài miễn giảm thuế, còn có tín dụng, trợ giúp lãi suất…

Theo tiến sĩ Doanh, hiện nay Việt Nam đã hội nhập, nên gói kích cầu cũng phải đặt trong bối cảnh quốc tế, nếu không sẽ không thể thành công. Chẳng hạn Trung Quốc đưa ra gói tiền tệ và giải pháp lãi suất rất mạnh, DN nào xuất khẩu, sẽ được cấp tín dụng, lãi suất, trợ giá… Nếu Việt Nam không có đối sách, sẽ bị ảnh hưởng mạnh bởi chính sách khuyến khích xuất khẩu của Trung Quốc.

Đồng thời với rót tiền là cải cách hành chính

Tiến sĩ Vũ Thành Tự Anh, Giám đốc nghiên cứu của Chương trình giảng dạy Fulbright, cho rằng cải cách hành chính là khâu rất quan trọng trong chương trình thực hiện gói kích cầu này. Cải cách hành chính sẽ thúc đẩy nhanh hơn việc triển khai.

Theo Giám đốc nghiên cứu Fulbrigh, nếu cải cách hành chính song song với kích cầu, khoản tiết kiệm thu được từ việc cắt bỏ những thủ tục rườm rà sẽ không nhỏ. Như vậy, có thể thấy, việc cải cách hành chính nếu làm triệt để sẽ mang lại hiệu quả trực tiếp hơn.

Tiến sĩ Nguyễn Đức Thành cho biết, hiện nay, rất nhiều nơi đang tranh thủ để được “rót” nguồn vốn kích cầu vì lợi ích cục bộ của mình. Do vậy, nếu không tính toán đúng, liệu pháp kích cầu sẽ trở nên lãng phí, thậm chí gây ra tác động ngược, cản trở một số lĩnh vực kinh tế phát triển.

Theo ông Trần Đình Thiên, muốn vận dụng hiệu quả gói kích cầu cần có kế hoạch cụ thể “kích” vào đâu, kích như thế nào. Trước khi phân bổ phải có những quy tắc cụ thể, không phải ban phát tùy tiện, tránh lợi ích cục bộ. Hiện nay, giải pháp kích cầu còn quá chung chung.

Tiến sĩ Thiên cũng cho rằng, không thể chần chừ, vì chống suy thoái phải làm ngay, nếu để càng chậm càng kém tác dụng.

“Chậm là chết”, tiến sĩ Doanh nhấn mạnh.

  • Đặng Vỹ - Kim Toàn

     
     
,
Ý kiến của bạn
Ý kiến bạn đọc
,
,
,
,