- Tổng công ty Hàng không Việt Nam (Vietnam Airlines) xác nhận việc cảnh sát Nhật Bản có đến làm việc tại các văn phòng của Hãng và đề nghị phối hợp cung cấp thông tin theo yêu cầu (chủ yếu là các thông tin, tài liệu về chuyến bay, danh sách tổ bay), chứ không việc khám xét.
Vietnam Airlines chiều 26/12 đã khẳng định điều này trước những thông tin cho rằng, “Văn phòng Vietnam Airlines tại Nhật bị nghi chứa đồ ăn cắp” hay “Cảnh sát Nhật khám xét Văn phòng Vietnam Airlines”…
Phi công Đặng Xuân Hợp
(ảnh Asahi)
Hàng hàng không quốc gia Việt Nam xác nhận việc cảnh sát Nhật có đến làm việc tại các văn phòng của Hãng và đề nghị phối hợp cung cấp thông tin theo yêu cầu (chủ yếu là các thông tin, tài liệu về chuyến bay, danh sách tổ bay).
Toàn bộ sự việc trên đều diễn ra trong ngày 17/12/2008, và đến nay chưa có thêm yêu cầu nào khác của cơ quan điều tra Nhật đối với các văn phòng trên.
Hiện các cán bộ văn phòng chi nhánh Vietnam Airlines ở đây đang hợp tác đầy đủ với nhà chức trách và cơ quan điều tra Nhật Bản.
Người phát ngôn Vietnam Airlines cho rằng, đến thời điểm hiện tại, cơ quan điều tra Nhật không công bố bất cứ thông tin nào liên quan đến việc các văn phòng của Vietnam Airlines tại Nhật bị nghi chứa đồ ăn cắp, ngoài trường hợp của cá nhân phi công Đặng Xuân Hợp.
Những ngày gần đây, trên Internet rộ lên thông tin khoảng 50 phi công và tiếp viên phi hành của Vietnam Airlines dính vào dịch vụ vận chuyển hàng hóa ăn cắp từ Nhật về Việt Nam. Đại diện Hãng hàng không quốc gia Việt Nam cho biết, đó là thông tin từ báo giới Tokyo và đến nay, Vietnam Airlines chưa nhận được bất cứ thông tin chính thức nào từ cảnh sát Nhật Bản về chuyện này.
Trước đó, ngày 20/12, báo Asahi Shimbun loan tin, liên quan đến vụ bắt giữ phi công Đặng Xuân Hợp, cảnh sát Nhật cũng bắt giữ 2 tu nghiệp sinh người Việt Nam tại tỉnh Kumamoto và bị toà án địa phương này khởi tố với tội danh ăn cắp hàng hoá tại trung tâm mua sắm phố Kikuyou ở thị xã Tamana ngày 10/8. Tổng số mỹ phẩm cao cấp bị nghi là ăn cắp gồm có 107 món, trị giá khoảng 260.000 yen.
Hai bị cáo này tên là Hoàng Văn Hưng (23 tuổi) và Lâm Tăng Túc (23 tuổi).
Họ mới đến Nhật từ tháng 2 trước đó. Hưng và Túc được một công ty kiến trúc ở thành phố Koshi nhận cho tu nghiệp và sống trong ký túc xá của công ty. Hàng tháng họ được trả mỗi người 80.000 yen, tức khoảng 900 USD. Số tiền này chỉ đủ sống vì chi phí sinh hoạt ở Nhật rất đắt đỏ. Tuy nhiên, họ đã gửi về Việt Nam tới 60.000 yen, tức 700 USD, như vậy thì không thể sống nổi nên phải ăn trộm.
TIN LIÊN QUAN
Hai người này khai với cảnh sát Nhật Bản rằng, hồi tháng 7, họ nhận được lời đề nghị tham gia vào nhóm ăn cắp mỹ phẩm từ một người tên là Quyên. Sau khi chuyển đến điểm nhất định, hàng hoá sẽ được định giá và chia nhau phần trăm sau khi đưa về nước trót lọt. Tuy nhiên, Hưng và Túc khai chưa nhận được đồng nào thì đã bị bắt.
Trong tuần qua, tòa án ở Yamaguchi cũng đã kết án tù 2 năm một người Việt Nam bị truy tố về tội mua bán hàng ăn cắp, tên là Nguyễn Hoàng Công, liên quan đến một phụ nữ tên Trần Thị Mỹ Hạnh - người mà phi công Đặng Xuân Hợp bị nghi là có dính líu.
Theo nguồn tin trên Mainichi, bản án căn cứ trên số mỹ phẩm và các loại hàng hóa khác bị đánh cắp trị giá 400.000 yen, tương đương gần 4.500 USD, mà Công đã bán cho bà Hạnh để chuyển lậu về Việt Nam. Cảnh sát tỉnh Yamaguchi cho biết hai người này cũng có hành vi mua đồ và bán hàng ăn trộm tại Yamaguchi.
-
Hà Yên