221
442
Kinh tế - Thị trường
kinhte
/kinhte/
1144722
Cuối năm: Bán vàng để chi tiêu, trả nợ
1
Article
null
Cuối năm: Bán vàng để chi tiêu, trả nợ
,

 – Thời điểm cuối năm, thay vì có tiền bỏ ra mua vàng và đá quý tích lũy, nhiều người nay lại phải bán vàng đi để lấy tiền chi tiêu. Các cửa hàng vàng trong cảnh kinh doanh ảm đạm, mua vào gấp nhiều lần bán ra.

 

Vốn có thói quen làm ăn dư dật được tý nào lại mua 1, 2 chỉ vàng để dành, Lan Anh – công chức văn phòng của một công ty truyền thông cho biết, trước đây cứ thỉnh thoảng chị lại đi mua vàng. Tuy nhiên mấy tháng nay đã chẳng mua thêm được mà chị đã đem bán vàng để lấy tiền chi tiêu.

 

 

Tại Trung tâm Kim hoàn PNJ, trong số những người đem vàng đi bán hiện nay, chiếm 50% là người dân - Ảnh: N.N  

 Lương của hai vợ chồng được hơn 10 triệu/tháng, nhà có 3 miệng ăn nhưng chi phí, trang trải các khoản tại Hà Nội, nhất là trong lúc chị đang có bầu, tiền ăn uống tẩm bổ, khám xét các loại hiện chỉ có thâm hụt chứ khó nói đến chuyện để ra được.

 

“Giá cả mọi thứ đều tăng rất cao, ngoài đồng lương ra năm nay tiền thưởng cũng thưa thớt. Giáp Tết còn lo quà cáp cho họ hàng nội ngoại nên đến mua quần áo hiện còn phải tiết kiệm nữa là” – Lan Anh giãi bày.

 

Bán đi hàng chục lượng vàng cùng tài sản gồm nhà cửa đất đai, 2 chiếc ô tô xịn, 1 chiếc xe SH, 1 chiếc Vespa… để bù đắp vào khoản thua lỗ áng chừng 6 tỷ đồng trong kinh doanh mới đây phải kể đến trường hợp của chị Thu Hồng - một nhà đầu tư bất động sản, chứng khoán tại Hà Nội.

 

Từng đi lao động ở nước ngoài, khi về nước có ít vốn, chị bắt đầu kinh doanh và rất hợp với lĩnh vực bất động sản. Rồi thời kỳ chứng khoán đỉnh cao, chỉ trong 1 tháng chị đã mua được chiếc Honda Civic trên 600 triệu với số vốn ban đầu chỉ bằng 1/5 giá trị chiếc xe, chị bán dần bất động sản để dồn tiền vào chứng khoán.

 

Say sưa với lãi lớn, lại theo tâm lý đám đông, giá cổ phiếu càng lên cao càng mua vào, chỉ đơn cử cổ phiếu của Ngân hàng Quân đội (mã MB) lúc cao điểm lên tới 145.000 đồng (trong khi giá chị mua vào lúc đầu là 45.000 đồng/cổ phiếu), chị cũng nhất quyết ôm tiếp.

 

Đến gần đây thị trường chứng khoán ngày càng đen tối, riêng mã MB giảm còn 17.000, 19.000 đồng/cổ phiếu, hàng loạt cổ phiếu khác sụt thảm hại, bán không ai mua thì vàng bạc và các bất động sản chị tích lũy được đều “lũ lượt ra đi”.

 

Từ chỗ nhà cao cửa rộng, đến nay gia đình chị Hồng chuyển đến ở trong căn nhà 25m2; ô tô, xe máy xịn giờ nhường chỗ cho 1 chiếc Wave Tàu.

 

 

Trong bối cảnh kinh tế khó khăn, ngay cả khi có tiền, nhiều người cũng không muốn chi vào những mặt hàng quá xa xỉ - Ảnh: N.N
 

 Trường hợp chị Yến Vân - vừa công tác tại một cơ quan hành chính sự nghiệp, vừa tham gia nhiều hoạt động đầu tư kinh doanh lại là ví dụ khác. Dù đang khá ăn nên làm ra nhưng chứng kiến nhiều trường hợp kinh doanh thất bát, lâm vào cảnh cơ cực, thấm thía chuyện mỗi công nhân ngành dệt may, da giày có nơi chỉ được 100.000 đồng tiền thưởng Tết chị đâm ra thận trọng, dè dặt trong mua sắm, chi tiêu.

 

Được biết, tầm này mọi năm chị Vân thường dành 2/3 tổng số thu nhập của mình trong năm để mua vàng, đá quý vừa làm trang sức dịp Tết nhất, vừa là tích lũy. Vậy mà năm nay, chị tuyên bố dù có ưa thích đến mấy chị cũng không dám mua những đồ xa xỉ ấy nữa.

 

Ngay cả việc lướt sóng vàng, trước với 20 cây vàng, có lần chỉ trong 1, 2 ngày chị có thể lời 20 triệu đồng nhưng giờ chị chỉ nhỏ nhẹ “khủng hoảng kinh tế thật đáng sợ, mình cũng không dám “liều” nữa”.

 

Dành tiền gửi tiết kiệm trong ngắn hạn, có cơ hội thì đầu tư vào sản xuất kinh doanh là phương án tối ưu mà chị Vân đã định ra trong bối cảnh hiện nay.

 

Hiệu vàng: Mua vào gấp nhiều lần bán ra

 

Giá vàng thế giới, trong nước những ngày cuối tháng 12/2008 đang tăng mạnh. Từ mức trên 16 triệu hồi tháng 11, lên 17 triệu đồng/lượng bán ra hôm 22/12, đến nay giá vàng trong nước đã lên tới 18 triệu đồng/lượng. Song khác với những diễn biến trước đây, đợt sóng này của giá vàng không khiến thị trường sôi động mà càng có vẻ ảm đạm, buồn tẻ.

 

Ế ẩm lắm – là câu đầu tiên mà người phụ trách kinh doanh tại cửa hàng vàng Thành Đạt trên đường Giảng Võ phải thốt lên khi nhận xét về thị trường vàng miếng cũng như vàng trang sức dịp cuối năm. Điều này trái ngược hẳn với sự gia tăng lượng mua do người dân có xu hướng mua vàng về cất trữ hồi năm ngoái.

 

Anh này cho biết, với giới đầu cơ, diễn biến của giá vàng hiện nay khó dự đoán, ít hứa hẹn nhiều lợi nhuận lại trong bối cảnh kinh tế suy thoái, mức giá cao thế này chẳng mấy ai bỏ tiền ra mua vàng vào. Một ngày hiệu chỉ bán được khoảng 10 lượng, còn đa số đem bán để kiếm ít chênh lệch giá.  

 

 

Những bộ sính lễ mùa cưới thay vì 1 – 2 cây vàng như trước, nay đã được chế tác ngày càng mỏng nhẹ nhưng sức mua mua vẫn giảm sút - Ảnh: N.N

 

Mặt hàng vàng trang sức thỉnh thoảng mới có vài khách lẻ tẻ vào mua 1, 2 món với giá trị trung bình về chơi Tết. Ngay cả lượng khách đặt hàng chế tác theo yêu cầu, tầm này năm ngoái cửa hàng không dám nhận thêm vì e không làm kịp thì nay ước tính số khách đã giảm 1 nửa.

 

Tương tự, nhãn hiệu vàng miếng Phượng Hoàng PNJ-DAB của Công ty CP Vàng bạc Đá Quý Phú Nhuận, chi nhánh Hà Nội nhiều tuần nay lượng vàng mua vào thường lớn gấp 3, 4 lần so với mức bán ra. Nếu cao điểm các tháng trước, chi nhánh có thể bán ra trên 300 lượng/ngày thì con số hiện tại chỉ còn từ 10 – 20 lượng.

 

Theo tính toán của PNJ, căn cứ vào mặt hàng, hóa đơn và số lượng vàng giao dịch của khách, trong số những người bán vàng ra hiện nay, chiếm 50% là người dân, 50% là nhà đầu tư. Người dân bán vàng ra trong bối cảnh hiện nay một phần vì nhu cầu chi tiêu cấp bách, 1 phần muốn chớp thời cơ giá cao kiếm chút lời.

 

Về vàng trang sức, lượng tiêu thụ còn giảm mạnh hơn nhiều so với cùng kỳ. Cụ thể nếu cưới hỏi bắt buộc thì đa số cắt giảm về lượng mua cũng như giá trị món hàng. Thay vì mua những đôi nhẫn cưới tầm chục triệu trở lên thì rất nhiều người chọn những đôi nhẫn trơn, không hạt giá khoảng 2 – 3 triệu. Trước bố mẹ có thể mua tặng con cái một số bộ sính lễ thì nay chỉ mua tặng 1 bộ mà thôi.

 

Về nhu cầu mua sắm trang sức cá nhân dịp cuối năm, nếu trước đây lương thưởng nhiều, đầu tư kinh doanh thuận lợi, dư ra nhiều khoản lớn, cứ 10 người thì 8, 9 người mua 1 món đồ để đeo Tết, bây giờ chỉ được 5, 6 người.

 

Mặt bằng giá vàng luôn ở mức cao và những khó khăn về kinh tế khiến sức mua sụt giảm đến 50% là những lý do chủ yếu để đánh giá 2008 là năm không “thuận buồm xuôi gió” đối với ngành vàng trang sức. Giới kinh doanh ngay từ bây giờ đã xác định, 2009 càng không phải là một năm dễ dàng.

  • Nguyễn Nga
     

,
Ý kiến của bạn
Ý kiến bạn đọc
,
,
,
,