- Thông thường, dịp đầu năm thị trường ôtô bao giờ cũng im ắng, cuối năm mới sôi động. Nhưng năm 2008 tình hình hoàn toàn ngược lại, đầu năm rất sôi động, càng về cuối năm thị trường càng ế ẩm bất chấp mọi biện pháp kích cầu của các hãng xe như khuyến mại, giảm giá...
Xe không tiêu thụ được để kín sân. Ảnh Trần Thuỷ |
Đầu xuôi...
Bước vào năm 2008, các DN ôtô trong nước còn nợ khách hàng trên 10.000 xe các loại, cộng với nhu cầu về ôtô thời gian đầu năm vẫn cao nên các DN ôtô trong nước tiếp tục đà tăng trưởng mạnh mẽ của năm 2007. Theo thống kê của Hiệp hội các nhà sản xuất và lắp ráp ôtô Việt Nam (VAMA), 6 tháng đầu năm 2008 lượng xe tiêu thụ của các DN ôtô trong nước ở mức bình quân 11.000 xe/tháng, trong đó đỉnh điểm là tháng 4 với doanh số lên tới 13.271 xe.
Tính chung trong 6 tháng đầu năm, doanh số của các DN thành viên VAMA đã đạt 68.609 xe, bằng hơn 85% tổng doanh số năm 2007.
Cho đến tận tháng 5/2008 thì xe lắp ráp của các DN trong nước vẫn luôn luôn thiếu. Khi đó nếu mua được 1 chiếc xe đúng giá công bố của nhà sản xuất vẫn phải chờ đợi tới 1 tháng, còn muốn lấy xe ngay phải trả thêm tiền, tuỳ từng loại, nhưng ít nhất cũng không dưới 1.000 USD/xe.
Không chỉ xe lắp ráp trong nước tiêu thụ mạnh mà xe nhập khẩu trong quý 1/2008 cũng tiếp tục đà tăng trưởng của 2007 tiêu thụ khá mạnh mẽ. Khách hàng muốn mua xe cũng phải chờ đợi từ 1-2 tháng. Thời gian này, các DN nhập khẩu có thể bán tới 200 xe mỗi tháng và số xe nhập khẩu trong 3 tháng đầu năm tăng mạnh. Theo số liệu từ Tổng cục Thống kê, 3 tháng đầu năm 2008 đã có gần 15.000 chiếc xe nhập khẩu về Việt Nam với tổng giá trị 293 triệu USD, bằng hơn 50% tổng lượng xe nhập của cả năm 2007.
Nhìn vào đà tăng trưởng của nửa đầu năm 2008, ít ai có thể hình dung nửa cuối năm thị trường ôtô lại sụt giảm mạnh và ảm đạm đến như vậy.
Thuế, phí đều tăng
Từ ngày 11/3/2008, Bộ Tài chính nâng thuế suất thuế nhập khẩu ôtô nguyên chiếc từ 60% lên 70% và thuế tuyệt đối với xe cũ nguyên chiếc lên trung bình 10% (quyết định này có hiệu lực từ ngày 1/4/2008).
Việc nâng thuế này khiến giá xe nhập khẩu tăng, tiêu thụ bắt đầu giảm. Ngay sau đó, ngày 21/4/2008 thuế suất thuế nhập khẩu với ôtô nguyên chiếc lại được nâng lên 83% và thuế suất thuế nhập khẩu một số linh kiện ôtô cũng được nâng lên từ 3-5% tuỳ từng loại, giá xe lại tiếp tục tăng lên.
Sau thuế nhập khẩu xe nguyên chiếc, đến lượt thuế nhập khẩu linh kiện được điều chỉnh liên tục trong 2 tháng 5 và 6 với mức tăng trung bình tổng cộng từ 10-20%. Việc điều chỉnh thuế nhập khẩu xe nguyên chiếc và thuế nhập khẩu linh kiện ngay lập tức đẩy giá xe nội và xe nhập lên, góp phần làm thị trường xe "nguội" dần.
Thị trường chưa kịp “ngấm” ảnh hưởng của việc điều chỉnh các loại thuế nhập khẩu thì lại tiếp tục đối mặt với khó khăn mới khi vào cuối tháng 7/2008, việc tăng lệ phí trước bạ với ôtô con nguyên chiếc từ mức 5% lên tối đa 15% và bỏ giới hạn mức khống chế tối đa số tiền lệ phí trước bạ là 500 triệu đồng cho mỗi xe được thực hiện. Với quyết định này, từ ngày 25/8/2008 mức phí trước bạ tối thiểu 10% được áp dụng cho ôtô nguyên chiếc tại tất cả các tỉnh thành trong nước.
...Đuôi không lọt
Việc tăng gấp đôi mức phí trước bạ gây ảnh hưởng trực tiếp tới người tiêu dùng khiến thị trường xe “sôi” lên trước thời hạn áp dụng phí mới rồi nguội lạnh dần sau đó. Có thể nói, hàng loạt những điều chỉnh về thuế và phí đã “đánh” trực tiếp tới giá xe cả xe nội và xe nhập khiến thị trường bị ảnh hưởng mạnh.
Bên cạnh đó bước vào nửa cuối năm 2008 kinh tế thế giới suy thoái đã tác động đến Việt Nam. Càng về cuối năm càng gặp khó khăn, đầu ra không có nhiều DN đã phải tạm ngừng sản xuất, cắt giảm lao động, kinh tế đi vào suy giảm chỉ số giá tiêu dùng tăng trưởng âm liên tiếp trong 3 tháng cuối năm, tiêu dùng nói chung đều giảm mạnh dẫn đến nhu cầu về ôtô không còn cao.
Doanh số bán xe của các DN ôtô trong nước bắt đầu giảm từ tháng 7/2008 số xe bán ra chỉ còn hơn 8.000 xe/tháng và liên tục cho đến tháng 11 chỉ còn 5.174 xe, bằng chưa đầy 40% doanh số tháng 4/2008.
Thông thường, càng về cuối năm thị trường ô tô càng sôi động thì năm 2008, tình hình hoàn toàn ngược lại. Càng về cuối năm, xe càng ế ẩm bất chấp mọi biện pháp kích cầu của các hãng xe như khuyến mại, giảm giá... Hầu hết các DN từ sản xuất lắp ráp xe trong nước đến nhập khẩu xe nguyên đều tung ra các chưong trình khuyến mãi, giảm giá.
Tuy vậy nhiều mẫu xe vẫn rất ế ẩm, chẳng hạn Captiva của GM Daewoo tháng 11/2008 chỉ bán được hơn 100 xe; Civic của Honda Việt Nam cũng tiêu thụ chỉ hơn 100 xe...
Lượng xe nhập khẩu tuy có giảm nhưng cho đến tháng 5/2008 vẫn có tới 6.000 xe và tháng 6 có 4.200 xe được nhập về , trong khi giá tăng cao, tiêu thụ giảm khiến cho ôtô nguyên chiếc thừa nhiều. Đến tháng 7/2008 số xe nhập khẩu chưa tiêu thụ được còn trên 10.000 chiếc và từ đó đến nay giá xe nhập khẩu đã giảm tới hàng nghìn đến hàng chục nghìn USD/chiếc nhưng vẫn chưa tiêu thụ hết hàng.
Cuối năm, nhiều DN đã chấp nhận bán lỗ để thu hồi vốn vẫn không xong. Nếu trước kia mỗi tháng 1 DN nhập khẩu có thể bán tới 200 xe thì nay mỗi tháng DN chỉ bán được 20 chiếc.
Tuy nhiên, chỉ cần từng đó cũng đủ giúp tổng lượng xe bán ra trong năm 2008 có thể đạt quy mô đến 140.000 xe. Riêng 11 tháng các DN ôtô trong nước đã tiêu thụ đạt 100.910 chiếc, cao hơn mức của 2007 tới 48% và đạt chỉ tiêu mà các nhà sản xuất từng dự đoán hồi đầu năm.
Nhiều gương mặt mới vẫn trình làng
Trong năm 2008 có gần 10 mẫu xe nội mới được các DN đưa ra thị trường. Càng về cuối năm lại càng có nhiềumẫu xe mới xuất hiện. Một phần vì các DN đã lên kế hoạch từ cách đó hàng năm, không thể thay đổi được , một phần các DN muốn dưa thêm nhiều mẫu xe mới để tăng thêm sự lựa chọn cho khách hàng, kích thích tiêu dùng.
Có mặt trên thị trường năm nay, có tới 6 mẫu xe thuộc dòng đa dụng (MPV) và đa dụng thể thao (SUV). Đó là Chevrolet Vivant, Ford Everest số tự động, Mitsubishi Zinger, Toyota Innova số tự động, Suzuki APV và mới đây nhất là Honda CR-V.
Với mức giá dao động khá lớn từ 22.000 USD (cho phiên bản Chevrolet Vivant SE) đến 52.000 USD (cho mẫu Honda CR-V), chưa bao giờ người tiêu dùng Việt Nam lại có nhiều lựa chọn về xe và giá cả với dòng xe đa dụng nội đến như vậy.
Tuy nhiên, sự xuất hiện của các gương mặt mới như Mitsubishi Zinger , Suzuki APV hay Chevrolet Vivant chưa tạo được đột phá gì dù giá rẻ bởi sự kém hấp dẫn ở thương hiệu cùng thiết kế và trang bị còn nghèo nàn. Toyota Innova vẫn tiếp tục là mẫu xe bán chạy nhất thị trường dù đôi lần bị tuột ra khỏi mốc son 1.000 xe/tháng. Ford Everest tiếp tục ở ngôi vị số 1 trong dòng đa dụng thể thao.
Mẫu CR-V do Honda Việt Nam lắp ráp. |
Honda CR-V ra mắt vào dịp cuối năm và có mức giá khá cao 884 triệu đồng ( tương đương với 52.000USD), đã bao gồm thuế VAT. So với cái giá 36.800 USD của Ford Escape một cầu và 35.100 USD của Chevrolet Captiva LTZ, thì CR-V thiết lập một khoảng cách khá xa.
Tuy nhiên, với mức giá 52.000 USD thì đối tượng khách hàng có thể tiếp cận với CR-V bị thu hẹp khá nhiều, đặc biệt khi thị trường ngày càng ảm đạm.
-
Trần Thuỷ