- Hai năm trong WTO, sự chuẩn bị của Việt Nam chưa tốt nên chưa tận dụng được nhiều cơ hội và đối phó tốt với các thách thức. Năm 2009 thực sự là cơ hội để cải cách nhằm ứng phó tốt hơn trong cuộc chơi lớn.
Phát biểu tại Hội nghị đánh giá tác động sau 2 năm gia nhập WTO, ông Tuyển một lần nữa nhắc lại quan điểm của mình: "Gia nhập WTO là cơ hội nhưng cơ hội tự nó không biến thành lợi ích, muốn chuyển thành lợi ích thì phải thông qua hoạt động cụ thể của doanh nghiệp và Nhà nước. Thách thức là sức ép thực tiễn, nhưng ép đến đâu thì tuỳ thuộc vào khả năng phản ứng của ta. Nếu không phản ứng tốt, thách thức sẽ lấn át và biến thành khó khăn lâu dài".
Việt Nam chưa tân dụng tốt cơ hội và chưa chưa đối phó tốt với thách thức trong WTO. (Ảnh: VNN) |
Một ví dụ được ông Tuyển nhắc đến là, từ 1/1/2009 là mở cửa phân phối, Hiệp định thương mại Hoa Kỳ ký từ năm 1999 đã ghi rõ lộ trình mở cửa phân phối. Như vậy doanh nghiệp chúng ta có 10 năm chuẩn bị nhưng sự chuẩn bị chưa đapó ứng được yêu cầu.
"Vậy thì khi nào thì ta chuẩn bị xong? Thêm vào đó tầm nhìn chính trị của nhiều địa phương kém, ưu ái cho DN nước ngoài hơn cả DN trong nước khi cấp đất cho DN trong lĩnh vực phân phối. Các DN khó khăn trong tiếp cận đất đai là có một phần lỗi của họ nhưng cũng có lỗi của cơ quan quản lý Nhà nước"- ông Tuyển nói.
Trên một khía cạnh khác, các chuyên gia cũng cho rằng, chúng ta không nên quá vui mừng với những con số và thành tự bề nổi mà quên đi những con sóng ngầm thách thức đang ngày càng lớn hơn.
Sau gia nhập WTO thị trường xuất khẩu đã mở rộng, năm 2007 kim ngạch xuất khẩu tăng 22%, năm 2008 tăng hơn 30% nhưng chủ yếu là do yếu tố về giá. Nếu loại trừ yếu tố giá thì chỉ tăng 13%.
Vì thế, các chuyên gia cảnh báo rằng, kim ngạch xuất khẩu sẽ khó tăng cao trong ngắn hạn vì muốn tăng phải cơ cấu lại sản xuất. Vấn đề này đang lạc hậu, gần như đạt đến điểm tới hạn. Còn nhập siêu tăng cao là do cơ cấu xuất nhập khẩu chuyển dịch chậm, xuất khẩu tăng ít hơn so với nhập khẩu.
Tiến sỹ Lê Đăng Doanh cũng cho rằng, khi vào WTO, rõ ràng, chúng ta đã quá coi trọng tốc độ, số lượng mà chưa coi trọng chất lượng, hiệu quả, giá trị gia tăng. Chưa có một hệ thống thông tin đủ nhanh nhạy. Ví dụ, 64 tỷ USD của FDI, giải ngân 11 tỷ USD thì bao nhiêu là của Việt Nam? Phải bóc tách rõ ràng về các con số để có thể có hướng đi đúng. Tín dụng vào bất động sản có phải là 9%? Nhiều DN đầu tư vào bất động sản nhưng lai không kê khai cụ thể.
"Thời gian tới đây, cần phải chú trọng tính hiệu quả bền vững của đầu tư, không nên quá ham số lượng"- ông Doanh nói.
Thời điểm tiếp tục đẩy mạnh cải cách
Nguyên Phó Thủ tướng Vũ Khoan nói, hai năm vừa qua đã để lại cho chúng ta nhiều bài học, trong bối cảnh nền kinh tế thị trường, hội nhập kinh tế thế giới thì điều hành nền kinh tế phải hoàn toàn khác. Yêu cầu là phải rất năng động, nhanh nhạy, ứng xử từng ngày, từng giờ, không phải theo tháng, theo quí nữa.
"Tôi thấy chúng ta hay bàn nhưng bàn xong thì cơ hội đã qua mất rồi. Phải vận dụng nhuần nhuyễn những qui luật của thị trường trong toàn cầu, công cụ của thị trường phải sử dụng rộng rãi, nhuần nhuyễn"- Nguyên Phó Thủ tướng khẳng định.
Tiếp tục đẩy mạnh cải cách để hội nhập thành công hơn. (Ảnh VNN)
Nguyên Phó Thủ tướng nói tiếp: "Hai năm vừa rồi cho thấy rõ sự yếu kém của cơ cấu kinh tế Việt Nam, giờ phải cơ cấu lại tầm vĩ mô, vi mô. Ở tầm quốc gia, cần cơ cấu lại mối quan hệ giữa các Bộ sao cho hiệu quả, cơ cấu lại giữa mối quan hệ trong nước và ngoài nước để xác định mức độ như thế nào là hợp lý, đồng thời cơ cấu lại mối quan hệ giữa Nhà nước và DN".
Cụ thể hơn, ông Tuyển cho rằng, năm 2008 rất khó khăn, nền kinh tế đã bộc lộ hết đầy đủ những yếu kém mà lâu nay ta chỉ thấy tốc độ tăng trưởng cao và sự khen ngợi bên ngoài. Đây là cơ hội để ta nhìn thấy hết những yếu kém, hạn chế của mình. Bây giờ phải nhanh chóng làm một cuộc cải cách về thể chế kinh tế theo nghĩa kinh tế thị trường.
Đồng ý với những quan điểm trên, PGS.TS Trần Đình Thiên, Viện Kinh tế Việt Nam cho rằng, trong năm 2009, Việt Nam không nên quá chú trọng vào tốc độ tăng trưởng cao mà nên coi đây là quãng thời gian chứa đựng cơ hội lớn để đẩy mạnh cải cách, tạo lập các cơ sở thể chế bền vững cho quá trình tăng trưởng lâu dài. Đó là tầm nhìn cho một cuộc chơi lớn.
-
Phước Hà