221
442
Kinh tế - Thị trường
kinhte
/kinhte/
1147362
Hàng Tết bán chậm, doanh nghiệp như ngồi trên lửa
1
Article
null
Bài 2:
Hàng Tết bán chậm, doanh nghiệp như ngồi trên lửa
,

 – Còn gần 20 ngày nữa là đến Tết Nguyên đán Kỷ Sửu - 2009. Tầm này mọi năm khâu phân phối vô cùng sôi động, doanh nghiệp sản xuất lớn đã có thể “đá bóng trong kho”, thì nay do người tiêu dùng thắt lưng buộc bụng, hàng hóa vẫn đầy ứ.

Ăn, chơi Tết này hết xông xênh

Tăng trưởng doanh số của thị trường Tết 2009 là có, nhưng sẽ không cao như cùng kỳ mọi năm - ảnh: N.N

Nguyễn Hồng Đ, nhân viên phòng nhân sự một doanh nghiệp (DN) liên doanh, than trời năm nay không biết ăn Tết ra sao khi công việc khó khăn, lại thua lỗ vài trăm triệu do "ôm" cổ phiếu OTC. Gần 20 ngày nữa là đến Tết, Đ. đang đau đầu không biết sẽ chi tiêu thế nào.

Đ. cho biết, Tết năm ngoái, chi phí đồ ăn thì ít mà trang trí nhà cửa, mua quà cáp, biếu nội ngoại thì nhiều, tổng cộng, đã ngốn của cô "hòm hòm" cũng phải 15-20 triệu đồng.

Năm nay, đến thời điểm này, phía nước ngoài (Hong Kong) vẫn chưa thông báo tiền thưởng Tết nên Đ. chưa biết lương thưởng thế nào, nghe nói cũng giảm đáng kể bởi việc kinh doanh của công ty năm qua không được suôn sẻ. Đ. nói rằng cô đang phải lên kế hoạch giảm bớt chi tiêu những khoản không cần thiết, đặc biệt là quà cáp, biếu xén. Riêng "đối nội, đối ngoại" là không thể bỏ được nên Đ. tính thay vì mua rượu, bánh ngoại như mọi năm, Tết này cô chỉ mua bánh nội và két bia.

"Chồng làm Nhà nước nên cuối năm chỉ trông chờ vào khoản thưởng của vợ. Nói thật chứ tôi lo lắm, chưa biết chi tiêu sẽ thế nào vì Tết đến cái gì cũng đắt đỏ. Chỉ riêng mua lọ hoa đẹp cũng mất hàng trăm nghìn, chưa kể quần áo mới cho 2 đứa con, trang trí bày biện ngày Tết, rồi tiền mừng tuổi", Đ. than thở.

Đỗ Mỹ Th. - nhân viên công chức Bộ G, kể rằng năm ngoái được thưởng Tết 3 triệu đồng, trong khi chi tiêu cả Tết hết hơn 10 triệu, may mà nhờ có lương, thưởng của chồng. Năm nay, Th. đang xoay trần vì vừa sửa nhà xong, lại đúng vào dịp giá xi măng, sắt thép cao ngất đội chi phí mất vài chục triệu đồng nên đến bộ bàn ghế tử tế mời khách ngồi Th. cũng chưa mua được, phải dùng lại đồ cũ.

Chồng Th làm ở một tập đoàn bán lẻ của Malaysia tại Việt Nam, đến thời điểm này, cũng chưa biết lương thưởng thế nào nhưng chắc chắn sẽ bị cắt giảm bởi ngay buổi tiệc Noel vừa rồi đã không "hoành tráng" bằng năm ngoái. Vì thế, Th. nói rằng cô không thể xông xênh tiêu pha nữa mà phải "thắt lưng buộc bụng", ví như thưởng Tết cho người giúp việc chỉ cho tiền, không có quà. Cô, bác, họ hàng thân thiết cũng chỉ mừng tuổi, không quà cáp nữa, bởi mỗi phần Th. đã phải chi 200.000-300.000 đồng, cộng vào cũng mất vài triệu.

Cơn "gió độc" suy thoái kinh tế lan đến Việt Nam, khiến các cơ quan, DN đều lâm vào cảnh khó khăn. Tác động dây chuyền, cuối cùng thì người lao động khốn đốn nhất, bởi mất việc vào thời điểm này đồng nghĩa với việc đối mặt với cái Tết dè sẻn, bớt tươi vui.

Doanh nghiệp: Tết 2009, nhiều cái chưa bao giờ!

Chưa thấy không khí, mua sắm rộ lên từ người dân - ảnh: N.N

Hiếm khi nào thị trường Tết vào lúc cao điểm, các DN sản xuất bánh kẹo lớn lại đi khuyến mại như hiện nay. Các chương trình được “rải” đều từ cấp phân phối đến người tiêu dùng với các hình thức như thưởng chiết khấu, thưởng hàng cho các đại lý, nhà phân phối lớn, bốc thăm trúng thưởng, tặng quà trong mỗi hộp bánh đối với người tiêu dùng.

Rầm rộ nhất là  các Công ty Kinh Đô, Bibica, Bánh kẹo Hải Hà với các chương trình khuyến mãi nhiều hình thức.

Sở dĩ có hiện tượng “khuyến mãi, giảm giá” ngay trong mùa cao điểm kể trên là do không khí ảm đạm, sút kém chung của thị trường. Các DN thống nhất, đầu ra năm nay kém, nếu không tổ chức khuyến mại, họ khó lòng tiêu thụ hết hàng.

“Tầm này năm ngoái, chúng tôi đã có thể đá bóng trong kho được rồi mà nay hàng vẫn còn tồn đọng nhiều” – ông Ngô Mạnh Hà, Trưởng phòng Kinh doanh Công ty CP Bánh kẹo Hải Hà chia sẻ.

Nhận thấy sức mua của thị trường đã giảm rõ rệt từ đợt Trung thu nên năm nay dù có thêm các dòng sản phẩm mới, sản lượng của Hải Hà Tết này vẫn chỉ duy trì ở mức như năm ngoái, tức là không có tăng trưởng 20 – 30% như cùng kỳ các năm. Tuy thế giờ này DN cũng đã đứng ngồi không yên khi nhìn hàng hóa còn chất ngất.

“Cơn bão” thực phẩm chứa melamine vừa qua những tưởng là cơ hội cho bánh kẹo nội địa bứt phá nhưng căn cứ tình hình giảm sút ở mọi phân khúc thị trường từ thành thị đến miền quê, các DN đánh giá, tổng quan của thị trường này hiện chỉ bằng 80% so với năm trước.

Ở lĩnh vực sản xuất mứt hoa quả sấy với danh mục lên đến 30 sản phẩm, chủ lực là các loại dứa, xoài, đu đủ, mận, mơ, chuối, long nhãn, hột hỗn hợp, dù đang trong lúc sản xuất không kịp các đơn hàng, phải điều đình với khách nơi nào cần trước, sản xuất trước, Giám đốc Marketing Công ty CP Thực phẩm Sannam, chị Dương Thúy Quyên cũng cho biết DN bị giảm nhiều lợi nhuận từ đợt suy giảm kinh tế hiện nay.

Theo chị Quyên, đáng lẽ năm 2008 nhà sản xuất phải tăng giá từ 20 – 30% mới đảm bảo được lợi ích do lạm phát, các chi phí, nguyên liệu sản xuất đều tăng, thì cuối năm do suy giảm kinh tế, DN bắt buộc phải giữ nguyên giá bán bên cạnh việc duy trì chất lượng, đa dạng sản phẩm để có sức hút với người tiêu dùng. “Việc giữ giá bán, giảm lợi nhuận chính là cách ứng phó của DN với khủng hoảng kinh tế” – chị Quyên nói.

Đại lý, siêu thị: Bày nhiều hơn bán

 

Kênh phân phối chưa bán được, lại dè dặt nhập nên hàng hóa Tết đến nay vẫn nằm ở kho của nhà sản xuất - Ảnh: N.N

Một lực lượng góp phần lớn trong phân phối hàng hóa dịp Tết là các đại lý, cửa hàng tiện lợi, các shop bán lẻ lúc này vẫn cho biết mặc dù hàng hóa rất dồi dào nhưng chưa thấy không khí, mua sắm biếu xén gì từ người dân.

 

Nhập bánh kẹo, đồ uống về cách đây 1 tháng, dọn dẹp hết các mặt hàng ngày thường để bày biện hàng Tết, chị Nga - Chủ cửa hàng Kinh doanh Tổng hợp Nghi Nga – số 184 Tây Sơn, quận Đống Đa vẫn khẳng định, thị trường năm nay chưa nói trước được điều gì.

 

“Hồi đầu vụ Tết, thị trường có vẻ khan hàng, một số loại như bia, bánh kẹo đắt lên nhưng đó là sốt ảo. Toàn các đại lý, cửa hàng lấy hàng sớm về bày khiến một số DN sản xuất tưởng là bán được nhưng thực tế người tiêu dùng đã mua gì đâu” – chị Nga nói.

 

Tăng trưởng doanh số của thị trường Tết là có nhưng không cao như cùng kỳ mọi năm là khẳng định của ông Nguyễn Thái Dũng – Phó Tổng GĐ Siêu thị Big C Thăng Long. Nhận định chung về thị trường Hà Nội, ông Dũng cho rằng, khả năng chỉ tăng trưởng khoảng 7 – 10%, thay vì 20% như các năm trước.

 

Riêng Big C Thăng Long năm nay vẫn đặt chỉ tiêu tăng trưởng kinh doanh dự tính từ 25 – 30%. Tuy nhiên, căn cứ chính của con số này không phải từ nhu cầu của người dân mà dựa trên quy mô, năng lực phục vụ gia tăng của siêu thị.

 

“Nếu tính trên mét vuông bán hàng thì mức độ tăng trưởng năm nay không cao đến 25 -30% nhưng hình dung năm ngoái diện tích siêu thị tự chọn của Big C chỉ có 6.000 m2, năm nay tăng lên thành 9.000 m2; số máy tính tiền cũng tăng từ 45 lên 56 chiếc… nên mức tăng trưởng kể trên là có khả thi” – ông Dũng nói.

 

Đại diện các siêu thị tại Hà Nội đều thống nhất, lượng tiêu thụ của người dân đến thời điểm này vẫn rất thấp, các đại lý, nhà phân phối năm nay thận trọng, dè dặt trong nhập hàng; không có chuyện giành giật, tích trữ quá nhiều như các năm trước nên hàng hóa đến giờ vẫn chưa có sự dịch chuyển từ kho của nhà sản xuất đến kho của nhà phân phối.

 

Nếu DN không có sự mềm dẻo trong chính sách giá và chính sách khuyến mãi để kích thích sức mua của người dân thì tình trạng bị tồn đọng, không bán được trong dịp Tết là không tránh khỏi.

  • Hà Yên – Nguyễn Nga
    Nếu bạn chưa hài lòng về những sản phẩm, dịch vụ được thụ hưởng, hãy gửi bức xúc của bạn về cho chúng tôi!
    Đường dây nóng:
                  (091)356-4657        hoặc (04)3772-2729 
    Email:
    bvkh@vietnamnet.vn

,
Ý kiến của bạn
Ý kiến bạn đọc
,
,
,
,