- Mặc dù giá nhiên liệu tăng cao và ảnh hưởng của suy thoái kinh tế, năm 2008, Vietnam Airlines vẫn lãi 240 tỷ đồng. Tuy nhiên, những khó khăn thấy trước của năm 2009 khiến tổng công ty chỉ đưa ra mục tiêu giữ vững các cân đối tài chính lớn và không lỗ.
Máy bay Vietnam Airlines tại lễ khai trương đường bay Hà Nội - Cần Thơ ngày 4/1 và hãng sẽ mở đường bay Hà Nội - Quy Nhơn ngày 16/1 (ảnh Hà Yên).
Ông Phạm Ngọc Minh, Tổng Giám đốc Vietnam Airlines cho biết, cuộc khủng hoảng giá xăng dầu nghiêm trọng nhất kể từ năm 1970 kéo dài đến hết quý III/2008 khiến tổng chi phí nhiên liệu bay năm 2008 đội lên 9.591 tỷ đồng, cao hơn 2.100 tỷ đồng so kế hoạch đầu năm.
Nửa đầu năm 2008, Vietnam Airlines đã phải đối mặt với khoản lỗ 83 tỷ đồng.
Ngoài ra, tỷ giá tiền tệ biến động phức tạp khiến Vietnam Airlines bội chi hơn 900 tỷ đồng do chênh lệch giá, buộc hãng phải tính vào chi phí.
Hơn nữa, tuy tổng lượng khách trên các đường bay quốc tế và nội địa đều tăng so với năm trước, song tốc độ tăng trưởng đã sụt giảm đáng kể, đặc biệt vào các tháng cuối năm (thị trường quốc tế 2008 tăng 10,9% so với 2007, trong khi năm 2007 là 13,5% so với 2006; thị trường nội địa 2008 tăng 21,7% so với 2007, trong khi năm 2007 là 28,2% so với 2006).
Nhu cầu đi lại của khách quốc tế cũng giảm tới 5%, hàng xuất nhập khẩu qua hàng không đã giảm tới 30% so với cùng kỳ mọi năm.
Trước khó khăn này, Vietnam Airlines đã triển khai 3 nhóm giải pháp lớn, đó là nhóm các giải pháp thị trường, nhóm giải pháp tiết kiệm và nhóm giải pháp về tổ chức, tiền lương.
Cụ thể, hãng đã triển khai các biện pháp tăng thu, tận thu trên mọi lĩnh vực hoạt động, tập trung chủ yếu vào kinh doanh vận tải hàng không. Dự kiến năm 2008, doanh thu tăng hơn 2.400 tỷ đồng so với kế hoạch đầu năm. Đồng thời, hãng điều chỉnh lịch bay linh hoạt, áp dụng nhiều biện pháp tiết kiệm nhiên liệu bay được 34.567 tấn dầu cả năm 2008, tương đương 556 tỷ đồng.
TIN LIÊN QUAN
Hãng cũng thực hiện chính sách "thắt lưng buộc bụng", tiết kiệm được hơn 300 tỷ đồng và cắt giảm, giãn tiến 115 dự án (giá trị 150 tỷ đồng).
Ông Minh nói rằng, bước đầu hãng đã thành công trong việc cải cách tiền lương theo hướng công bằng chứ không cào bằng. Điều này giúp Vietnam Airlines khuyến khích nhân viên hăng say làm việc và giữ được chân người tài trong bối cảnh thị trường nhân lực hàng không cạnh tranh quyết liệt.
Do vậy, năm 2008, Vietnam Airlines đã thực hiện được 67.200 chuyến bay an toàn với trên 8,8 triệu hành khách, tăng 10,6% so với 2007. Hệ số sử dụng ghế bình quân đạt 76%. Thị phần vận chuyển khách đạt 53,9%. Tổng doanh thu 26.610 tỷ đồng, tăng hơn 31% so với thực hiện năm 2007. Lợi nhuận trước thuế cả năm đạt hơn 240 tỷ đồng.
Hiện tài khoản của hãng đạt chỉ số dương 1.700 tỷ đồng - một trong số ít hãng hàng không có khả năng thanh toán mạnh để tiếp tục đón đầu các cơ hội đầu tư, mua sắm, đổi mới đội bay.
Theo dự báo, 2009 sẽ là năm đặc biệt khó khăn, tiềm ẩn nhiều bất ổn. Thị trường vận tải hàng không có thể sẽ suy giảm mạnh trong lúc cạnh tranh ngày càng khốc liệt. Tổng thị trường hành khách dự báo chỉ tăng trưởng 6,7%; tổng thị trường hàng hoá, bưu kiện chỉ bằng 89% năm 2008.
Do vậy, Vietnam Airlines phấn đấu vận chuyển 9,46 triệu hành khách, giữ vững các cân đối tài chính lớn và không lỗ.
Ông Phạm Ngọc Minh cho rằng, tranh thủ thời gian khó khăn này, tổng công ty sẽ cải tiến chất lượng dịch vụ. Từ tháng 6/2009-1/2010, hãng sẽ dừng bay một số máy bay để nâng cấp, cải tiến nội thất, quá trình vận hành...
Trong quý I/2009, phần lớn lực lượng lao động sẽ được tập huấn, đào tạo lại nhằm cải tiến một bước chất lượnng dịch vụ, điều chỉnh quy trình, cơ chế làm việc tốt hơn.
-
Hà Yên