“Tôi nhận thấy đa số những DN nước ngoài, đầu tư vào những “siêu dự án” chẳng phải là những tên tuổi lớn trong làng luyện kim thế giới. Nhiều trường hợp, họ tranh thủ đầu cơ dự án là chính rồi tìm cách bán lại cho nhà đầu tư khác” – ông Phạm Chí Cường, Chủ tịch Hiệp hội Thép Việt Nam nói như vậy trong cuộc trò chuyện với VietNamNet.
Ông Phạm Chí Cường: "Ngành thép hiện nay như là đúc nồi xong mà không có gạo đến nấu"- Ảnh: Phan Hùng |
Đúc nồi nhưng không có gạo để nấu
- Là Chủ tịch Hiệp hội Thép, ông đánh giá thế nào về sự bùng nổ 32 dự án thép ngoài quy hoạch? Phải chăng hiện tượng này xuất phát từ thực tế đòi hỏi?
- Theo tôi đến năm 2020 chỉ cần 2 khu liên hợp thép, mỗi khu có công suất 5-7 triệu tấn là vừa so với nhu cầu của thép của Việt Nam. Mức này cũng khớp với tăng trưởng kinh tế - “lực kéo” tăng trưởng thép.
Nhưng năm 2007 “tự dưng” nhu cầu thép tăng vọt lên 42%. Cuối năm 2008 mới “vỡ” ra rằng, đây chỉ là tăng trưởng “ảo” do giới đầu cơ nhập thép về lưu kho, chứ thép có đến được công trình đâu. Bằng chứng là khủng hoảng kinh tế, các doanh nghiệp đã tái xuất gần 2 triệu tấn. Như vậy đó chỉ là nhu cầu ảo, bùng nổ ảo vì thực lực ngành thép không thể bùng nổ như vậy được.
- Vậy thực lực ngành thép Việt Nam dưới con mắt chuyên gia luyện kim lâu năm đồng thời là nhà quản lý hiện lên như thế nào?
- Ở góc độ chuyên môn tôi thấy có 3 vấn đề nổi cộm: nguyên liệu, công nghệ và quy mô đầu tư. Để có một nhà máy, trữ lượng quặng cần phải đủ cung cấp ít nhất cho 20-30 năm. Vì đặc thù nhà máy thép là thiết bị đã chạy thì phải chạy liên tục 20-30 năm, nếu nghỉ cũng chỉ trong thời gian rất ngắn vì nghỉ lâu khi khôi phục lại rất khó khăn, thậm chí hỏng hóc. Thế nhưng tình hình bây giờ là hễ địa phương nào có mỏ, dù rất nhỏ, mới thăm dò sơ bộ, trữ lượng hoàn toàn chưa đủ độ tin cậy là đã kêu gọi đầu tư. Nhiều trường hợp xây nhà máy xong được một vài năm đã không có quặng mà làm.
Có địa phương nói là thiếu sẽ mua quặng trôi nổi trên thị trường vì mỗi năm Việt Nam xuất sang Trung Quốc mấy triệu tấn quặng. Nhưng sao có thể ăn đong như thế mãi? Mà quặng cũng phải tùy loại, chất lượng… Rồi thì than cốc để luyện thép ta cũng không có mà đi mua lại không hề đơn giản và chắc chắn nguồn cung. Do đó, đã làm phải đảm bảo có nguyên liệu. Nếu không như việc đúc xong một cái nồi mà không có gạo để nấu vậy.
Thứ hai là thiết bị công nghệ. Đầu tư trong nước chủ yếu quy mô nhỏ, ví dụ lò cao chỉ hơn 200m3 trong khi các nước mấy nghìn khối. Mà lò lớn mới đầu tư được thiết bị bảo vệ môi trường cho tương xứng quy mô còn lò nhỏ vậy chỉ có thể mua của Trung Quốc – loại chính họ đã cấm lâu rồi. Thiết bị vừa lạc hậu vừa không đảm bảo về môi trường, quy mô lại nhỏ thì tính cạnh tranh gần như không có.
Cuối cùng là quy mô đầu tư manh mún. Tôi biết có những doanh nghiệp nhỏ thôi, vốn ít nhưng lại đầu tư làm thép đến 3-4 nơi. Quy mô nhỏ, tiềm lực mỏng yếu lại còn phân tán, manh mún và thiếu bền vững như vậy thì hiệu quả sẽ thấp và chắc chắn sẽ chết khi những liên hợp thép lớn vào Việt Nam.
- Những bất cập như ông vừa phân tích chắc hẳn các địa phương không phải không biết nhưng kết quả rà soát vẫn cho thấy có tới 32 dự án vỡ quy hoạch. Tại sao khó khăn thế mà họ vẫn lao vào, thưa ông?
- Do Chính phủ đã phân quyền cho địa phương nên các địa phương hoàn toàn tự quyết và kêu gọi, hứa hẹn ưu đãi đầu tư cho doanh nghiệp. Sự nhiệt tình của địa phương vì họ thiếu hiểu biết chuyên môn sâu về lĩnh vực này nhưng lại có ham muốn xây dựng nhà máy thép ở tỉnh mình. Như Bắc Kạn, cho rằng mình có mỏ, đã xây nhà máy xong mà không chạy được, đắp chiếu 5 năm nay.
Doanh nghiệp cũng vậy. Nhiều doanh nghiệp đi đầu tư nhưng không lường hết được lĩnh vực mình định đầu tư. Có ông đi đầu tư làm thép ở Phú Thọ thì tôi chịu, không hiểu ông ấy sẽ mua quặng ở đâu để làm. Những đầu tư dạng này thiếu bền vững sẽ rất khó khăn khi hội nhập sâu vì tính kinh tế và hiệu quả rất thấp.
- Có phải sự thiếu hiểu biết đó đã làm “vỡ” quy hoạch ngành thép như Bộ Công Thương nhận định?
- Đúng là không đâu như đất nước này, nhà máy thép trải khắp từ Lào Cai, Yên Bái, Tuyên Quang, Phú Thọ đến Hà Tĩnh… Đầu tư vụn vặt, có khác gì Trung Quốc thời kỳ toàn dân làm gang thép. Trong khi gang thép là công nghiệp có ô nhiễm, phải dồn lại để xử lý nước, khí… xa khu dân cư ra.
Tính hợp lý của việc phân bố là chưa có. Quy hoạch đã bị phá vỡ hết. Tôi biết không cứ quy hoạch là phải theo nhưng cũng nên theo khung định hướng vì thép không tăng trưởng một mình mà kéo theo cầu cảng, điện nước, đất đai… Làm sao đáp ứng được với tốc độ bùng nổ thế.
Rồi cung vượt cầu. Mấy năm qua mới có vài phần trong mấy chục dự án đi vào hoạt động mà công suất cán thép xây dựng, thép ống, tráng tôn mạ kẽm... đều đã gấp đôi nhu cầu. Cạnh tranh khiến các nhà máy chỉ vận hành được có 50-60% công suất. Vậy làm sao mà có hiệu quả kinh tế? Nhất là nếu tất cả các dự án thành hiện thực.
- Nhưng các dự án không chỉ tính toán cho thị trường nội địa mà còn tính đến xuất khẩu, thưa ông?
- Lúc cấp phép tôi phản đối, họ lấy lý do là họ hứa xuất khẩu đến 60-80% công suất. Nhưng họ có xuất được đâu. Trung Quốc, Hàn Quốc, Nhật Bản, Đài Loan… đã chia thị phần cả rồi, chen chân vào đâu có dễ. Cuối cùng lại cũng chỉ chen chân trong nước – một thị trường tuy có nhu cầu nhưng còn nhỏ, mỗi năm chỉ tăng 10-15%, không thể tăng đột biến. Vậy hà cớ gì mà cấp ngoài quy hoạch đến mấy chục công trình.
Không quy hoạch riêng vùng sản xuất thép, khu dân cư ô nhiễm nặng nề - Ảnh Báo Ảnh Việt Nam. |
FDI: chạy dự án để… bán
- Không chỉ trong nước, các siêu dự án thép của các tập đoàn nước ngoài cũng đổ vào Việt Nam khá dày trong 2 năm qua. Theo ông, họ tìm kiếm gì ở thị trường quy mô và nhu cầu còn bé nhỏ như Việt Nam?
- Qua theo dõi việc triển khai dự án, tôi thấy đa số các nhà đầu tư nước ngoài vào VN thời gian qua với mục đích “đầu cơ dự án” là chủ yếu.
Thể hiện trước hết ở chính bản thân họ. Xin cấp phép đầu tư những siêu dự án thép nhưng nhiều nhà đầu tư không hề tương xứng với độ “siêu” đó cả ở thương hiệu, chuyên môn sâu, vốn và tiềm lực.
Điển hình nhất là Nhà máy Liên hợp thép Tycoon – E.United ở Dung Quất (Quảng Ngãi). Nhà máy này được cấp phép đầu tư năm 2006, ban đầu là liên doanh giữa Tycoon (Đài Loan) và Jinnan (Trung Quốc), công suất 5 triệu tấn/năm và tổng đầu tư công bố hơn 1 tỷ USD.
Với suất đầu tư quá nhỏ cho 1 tấn công suất đã gây nghi ngờ về tính hiện thực của dự án. Sau một thời gian, Công ty Jinnan rút khỏi dự án và thay vào đó là E.United (Đài Loan) với 90% và đưa tổng mức đầu tư cho liên hợp lên trên 3 tỷ USD.
Như vậy Tycoon rõ ràng là một “anh” môi giới đầu tư vì ở Đài Loan, Tycoon cũng chỉ là một doanh nghiệp nhỏ, hoàn toàn không đủ năng lực tài chính và công nghệ để làm khu liên hợp thép.
Tương tự như vậy, chủ dự án trước của dự án thép Dung Quất, Sunco thậm chí còn bé nhỏ và ít vốn hơn. Lúc đầu Sunco làm mọi thủ tục xin giấy phép, được rồi thì bán lại cho Formosa vốn chỉ chuyên làm plastic 95%.
Cuối cùng các doanh nghiệp FDI này cũng chỉ là chân gỗ đi môi giới đầu tư. Người xin cấp phép không làm, người được làm không phải chuyên về luyện kim. Vậy cuối cùng ai sẽ làm luyện kim cho VN?
- Theo ông tại sao các doanh nghiệp FDI có thể dễ dàng thực hiện được hành vi đầu cơ dự án như thế?
- Đó là bởi việc cấp phép không theo quy định nào cả. Quy hoạch không ra đâu vào đâu, quy hoạch rối. Cấp giấy phép đầu tư mà không lấy ý kiến các chuyên gia và nhà khoa học.
Kinh nghiệm cho thấy việc chấp nhận đối tác có phần dễ dãi, dẫn đến dự án kéo dài không thực hiện được, vì đối tác không có khả năng tài chính, công nghệ, cuối cùng sau một thời gian phải đổi đối tác…
Điều này khó có thể khẳng định sẽ không xảy ra đối với những dự án lớn trong tương lai.
Rồi Nhà máy Liên hợp thép Formosa – Sunco ở Vũng Áng (Hà Tĩnh) cũng “vướng” khi ở khu vực này có duy nhất mỏ sắt Thạch Khê nhưng có tới 3 khu liên hợp “xếp hàng”: Formosa, Vinacoalmin, Tata… Vì vậy, theo tôi phải giám sát chặt chẽ việc thực thi và kiên quyết rút giấy phép những dự án không có năng lực triển khai.
- Xin cám ơn ông.
-
Phan Hùng (thực hiện)Bài 4: Đừng mắc bẫy công nghệ bẩn