221
442
Kinh tế - Thị trường
kinhte
/kinhte/
1150235
VN-Index tăng trở lại sau 4 phiên mất điểm
1
Article
null
VN-Index tăng trở lại sau 4 phiên mất điểm
,
- Sau bốn phiên giảm liên tiếp, đa số cổ phiếu blue-chips đã quay đầu tăng trở lại. Tuy nhiên, mức tăng điểm còn khá khiêm tốn và sức cầu cổ phiếu chưa hề được cải thiện, vẫn còn rất yếu.

Sau bốn phiên giảm liên tiếp, đa số cổ phiếu blue-chips đã quay đầu tăng trở lại. Tuy nhiên, mức tăng điểm còn khá khiêm tốn và sức cầu cổ phiếu chưa hề được cải thiện, vẫn còn rất yếu. (Ảnh: LAD)

Kết thúc phiên giao dịch sáng 14/1, chỉ số VN-Index của Sở GDCK TP.HCM (HOSE) tăng 0,85 điểm (tương đương tăng 0,28%) lên 307,89 điểm. Trong 4 phiên trước đó, chỉ số này đã giảm tổng cộng 12,45 điểm (tương đương 3,9%).


Trong tổng số 171 mã cổ phiếu và 4 chứng chỉ quỹ niêm yết trên HOSE có 66 mã tăng giá (2 mã tăng trần), 66 mã giảm giá (11 giảm sàn), 36 mã đứng giá và 2 mã không có giao dịch (SAF của Lương thực Thực phẩm Safoco và SDN của Sơn Đồng Nai)

Tổng khối lượng giao dịch của cổ phiếu và chứng chỉ quỹ thông qua khớp lệnh thành công sáng 14/1 đạt 6,8 triệu đơn vị, trị giá 160,9 tỷ đồng (phiên trước là 7,6 triệu đơn vị và 160,9 tỷ đồng).

Theo giới quan sát, thị trường bắt đầu đảo chiều từ đợt giao dịch khớp lệnh liên tục sau khi nhận được những tín hiệu tốt lành vào cuối đợt 1.

“Khớp lệnh đợt 1, đa số cổ phiếu niêm yết trên Sàn HOSE vẫn giảm giá nhưng khá nhiều cổ phiếu blue-chips đã chuyển sang đứng ở mức giá tham chiếu, khối lượng giao dịch cũng nhiều hơn so với hai phiên liền trước và đây là tín hiệu hỗ trợ khá tốt cho thị trường sau đó”, anh Hưng, một nhà đầu tư nói.

Thị trường sau đó đã đảo chiều tăng điểm và duy trì cho tới hết phiên.

Tuy nhiên, giao dịch nhìn chung vẫn rất ảm đạm do các nhà đầu tư thận trọng trong quyết định mua vào trong bối cảnh thị trường vẫn chưa có tín hiệu hỗ trợ đủ mạnh để có thể đi lên. Trong khi đó, nhiều người đang nắm giữ cổ phiếu cũng khống chấp nhận bán ra vào thời điểm này.

Trong một cuộc hội thảo chiều 13/1, Tiến sĩ Quách Mạnh Hào, Phó Giám đốc Công ty chứng khoán Thăng Long cho rằng, thị trường sẽ còn lình xình và đang chờ đợi một cú sốc để có thể lxác định xu hướng lên hoặc xuống.

Theo ông Hào, cho dù hệ số P/E trung bình tại Việt Nam là khá thấp so với khu vực nhưng vấn đề tỷ giá có thể sẽ gây lo ngại cho các nhà đầu tư ngoại vào thị trường chứng khoán Việt Nam.

Hiện tại, nhiều chuyên gia dự báo đồng VND còn giảm trong năm 2009, có thể xuống mức 18.000 đồng/USD.

Theo giới quan sát thị trường, VN-Index sáng nay tăng điểm trở lại còn do tác động tích cực từ sự đảo chiều của chứng khoán thế giới trong phiên giao dịch đêm qua (tại Mỹ) và đầu giờ sáng nay (tại châu Á).

Trở lại diễn biến giao dịch khớp lệnh, đa số các cổ phiếu blue-chips sáng nay đều tăng giá.

Cụ thể, trong 10 mã cổ phiếu có mức vốn hoá lớn nhất thị trường, chỉ có ba mã DPM của Đạm Phú Mỹ, PVF của PetroVietnam Finance và VPL của Vipearl giảm nhẹ, tương ứng 600 đồng xuống 34.200 đồng/cp, 100 đồng xuống 17.900 đồng/cp và 500 đồng xuống 57.000 đồng.

Các cổ phiếu còn lại đều tăng giá, trong đó FPT của Tập đoàn FPT tăng mạnh 1.100 đồng lên 51.000 đồng/cp; HAG của Hoàng Anh Gia Lai tăng 500 đồng lên 60.000 đồng/cp; PPC của Nhiệt điện Phả Lại tăng 400 đồng lên 18.400 đồng/cp; STB của Sacombank tăng 100 đồng lên 18.000 đồng/cp.

Về khối lượng giao dịch, dẫn đầu là SSI của Chứng khoán Sài Gòn với 0,46 triệu cổ phiếu. Cơ điện lạnh REE Corp. (REE) theo sau với 0,4 triệu đơn vị. STB của Sacombank đứng ở vị trí thứ 3 với 0,4 triệu chứng chỉ quỹ. DPM của Đạm Phú Mỹ và VFMVF1 đứng ở các vị trí tiếp theo với 0,39 triệu và 0,36 triệu đơn vị.

Trên Sàn chứng khoán Hà Nội, chỉ số HASTC-Index giảm phiên thứ ba liên tiếp. Giao dịch rất ảm đạm.

Cụ thể, HASTC-Index sáng nay giảm 0,23 điểm (tương đương giảm 0,22%) xuống 104 điểm.

Tổng khối lượng giao dịch thành công trên sàn Hà Nội sáng 14/1 đạt 3,4 triệu đơn vị, trị giá 72,9 tỷ đồng, so với 3,8 triệu đơn vị và 84,2 tỷ đồng trong phiên liền trước.
 
  • Hà Linh
,
Ý kiến của bạn
Ý kiến bạn đọc
,
,
,
,