221
442
Kinh tế - Thị trường
kinhte
/kinhte/
1151587
Giá điện tăng 8-9,8% vẫn là quá cao
1
Article
null
Giá điện tăng 8-9,8% vẫn là quá cao
,

 - Chuyên gia cao cấp Bộ Tài chính Ngô Trí Long cho rằng trong bối cảnh hiện nay, việc tăng giá điện là cần thiết nhưng ngay cả khi chỉ tăng với mức 8-9,8% so với giá hiện hành vẫn là quá cao.

Ông Ngô Trí Long. Ảnh Trần Thủy
- Từng trực tiếp trình nhiều dự án về tăng giá điện khi còn làm ở Bộ Tài chính, ông đánh giá thế nào về đề xuất mới đây của EVN và Cục điều tiết điện lực theo đó, giá bán điện bình quân 2009 sau khi hiệu chỉnh sẽ có mức tăng từ 8% đến xấp xỉ 10% so với 2008 tuỳ theo mức khác nhau của giá nhiên liệu bình quân dự báo cho năm 2009?

Trong đề án trình đề xuất tăng giá, Cục điều tiết nêu các nguyên nhân cơ bản để điều chỉnh giá điện: Giá bán hiện nay không phản ánh đủ và đúng chi phí, và không đáp ứng khả năng trả nợ và vay nợ mới.

Đó là nguyên nhân cốt lõi của việc tăng giá, tuy nhiên câu hỏi là, căn cứ nào để đánh giá giá hiện nay không phản ánh đúng chi phí. Liệu ai là người đứng ra kiểm tra tính đúng đắn, chính xác của cách tính chi phí?

Điện là ngành thuộc lĩnh vực độc quyền, độc quyền ở mức cao: Một phần ở khâu phát điện và toàn bộ ở hai khâu truyền dẫn và phân phối, Nhà nước định giá là cần thiết để đảm bảo tất cả mọi đối tượng được hưởng lợi.

Với những loại sản phẩm do nhà nước kiểm soát độc quyền, thì chi phí sản xuất quyết định giá cả. Giá cả phải đủ bù đắp để tái sản xuất, cho DN tồn tại và mở rộng sản xuất. Trong cơ chế thị trường, ngay cả ngành độc quyền cũng phải xem xét chi phí gắn với sự lên xuống thường xuyên của thị trường, tính tới tác động của thị trường.

Nếu không tính tác động của thị trường, DN điện phải gánh chịu nhưng với tư cách là người chủ sở hữu, nhà nước là người mất. Hơn nữa, nếu giá bán không bù đắp đủ chi phí, sẽ không ai bỏ vốn đầu tư làm điện, nguồn cung mất, thiệt hại toàn xã hội. Trong khi đó, sống ở thế giới văn minh, điện là nhu cầu thiết yếu không thể thiếu.

Xét như vậy thì việc điều chỉnh là cần thiết. Nhưng vì điện là sản phẩm thiết yếu, tác động trực tiếp tới mọi hoạt động trong đời sống nhân dân, nên mỗi lần xem xét, điều chỉnh giá, Nhà nước cần hết sức cẩn trọng.

Vấn đề cốt lõi hiện nay là xem giá đã hợp lý hay chưa, có nhìn lợi ích chung hay chỉ đứng trên lợi ích cục bộ của ngành điện?

- Theo ông, với mức điều chỉnh đó đã hợp lý chưa?

Muốn xem tính hợp lý của việc tăng giá đó, bản thân ngành điện phải trả lời được câu hỏi: ngành điện đã tổ chức quản lý, sử dụng định mức tốt chưa? tổn thất nếu có do ngành điện gây ra liệu ngành điện đã tự gánh chịu chưa hay lại đổ lên vai người tiêu dùng? Hộp đen của ngành điện chưa hiển thị rõ, làm sao bắt người tiêu dùng chấp nhận mức giá anh đưa ra?

Giá điện đã được đề xuất tăng nhiều lần nhưng đều chưa được thực hiện. Ảnh: VNN.

Theo tôi, không chỉ ngành điện, mà các cơ quan quản lý nhà nước về điện lực, về giá, hiệp hội người tiêu dùng và các chuyên gia kinh tế kĩ thuật phải cùng xem xét đánh giá.

Cục điều tiết điện lực được thành lập cũng có trách nhiệm xem xét các căn cứ, luận cứ mà EVN trình đã có tính xác thức hay chưa.

Nhìn vào đề án của EVN thì thấy có nhiều luận chứng chưa thuyết phục, nhưng cụ thể sai gì và như thế nào thì cần nghiên cứu kĩ hơn.

Chúng ta cũng phải thông cảm với EVN, trong bối cảnh thị trường giá cả biến động lớn, họ đề xuất xem xét yếu tố tác động bên ngoài và điều chỉnh là dễ hiểu. Tuy nhiên, không thể lấy giá đầu vào ở mức cao nhất để tính toán thay vì lấy mức trung bình. Hơn nữa, đây là giá cho tương lai, phải được xây dựng trên cơ sở dự báo về biến động giá thị trường trong tương lai.

Tuy nhiên, nếu chỉ để mình Cục này đánh giá, cùng trong ngành, liệu có đảm bảo tính khách quan?

- So với kiến nghị ban đầu của EVN đề xuất tăng giá điện lên 16-20%, thì Cục điều tiết điện lực cũng đã có điều chỉnh giảm, xuống còn 8,1% - 9,8%, ông nhìn nhận thế nào về sự điều chỉnh này?

Phương án của Cục điều tiết thấp hơn EVN là tất yếu nhưng cái thấp hơn đã đủ thuyết phục chưa? Cần quá trình thẩm tra lại như thế nào Cơ quan nào chịu trách nhiệm giám sát lại?

Ở các nước đang phát triển, trong giai đoạn quá độ lên nền kinh tế thị trường đều có sự gần như đồng thuận chưa nói là bóp méo trong các quyết định.

Bộ Tài chính hiện đang giữ trách nhiệm thẩm tra nhưng những chuyên gia của ngành tài chính có hiểu đủ về kỹ thuật?. Trong khi đó, định giá căn cứ theo chi phí thì phải hiểu quy trình đặc trưng kĩ thuật của nó mới chính xác.

Theo tôi, ta nên lập hội đồng thẩm tra với sự tham gia của người am hiểu về kĩ thuật điện, cùng với các chuyên gia tài chính. Vừa rồi, Kiểm toán Nhà nước tìm ra những lỗ hổng của EVN cũng nhờ dựa vào đội ngũ chuyên gia kĩ thuật góp sức.

- Khác với xăng dầu nâng giá để giảm bù lỗ, một trong những lí do được viện dẫn giải thích cho việc tăng giá là nếu giá bán dưới 7,5 cent thì DN không chịu đầu tư, vì chi phí đã dao động từ 7-7,2 cent trong khi giá VN bây giờ quy đổi chỉ ở mức 4,8 cent, thấp hơn mặt bằng khu vực. Ông nghĩ sao?

Trong bối cảnh giá đầu vào tăng lên: than, xăng dầu, tỷ trọng thủy điện đang giảm xuống, tiền đồng VN mất giá, việc điều chỉnh nâng giá điện lên là đúng. Tuy nhiên, Nhà nước phải điều chỉnh như thế nào là phù hợp?

Nhiều người nói tranh thủ lúc giá cả đang giảm nên điều chỉnh giá điện. Chúng ta quên mất rằng, cái giảm giá đó là giảm ở mức cao, với chỉ số giá gần 20% chứ không phải là việc giảm giá sau thời gian dài giá ổn định. Tăng giá như vậy sẽ tạo khó cho DN và người tiêu dùng.

Đặc biệt trong bối cảnh VN đang phải lo khoan sức dân, tìm mọi biện pháp để kích cầu thì việc tăng giá có phải là một sự mâu thuẫn?

Trong xu thế hội nhập, sớm hay muộn cũng phải để giá trong nước ngang bằng với giá thế giới. Tuy nhiên, trong bối cảnh VN, theo tôi, cần phải thận trọng điều chỉnh, điều chỉnh theo lộ trình, từng bước, với nhiều phương án khác nhau. Tăng bao nhiêu, như thế nào phải trên cơ sở tính toán mặt được - mặt mất, cái lợi - cái hại với từng đối tượng, hỗ trợ phát triển ngành điện nhưng không làm triệt tiêu nỗ lực của các DN.

Phương án tăng 16-20% của EVN là phương án gây sốc. Phương án tăng 8,1-9,8% của Cục điều tiết điện lực có thấp hơn nhưng vẫn còn khá cao, nhất là trong điều kiện EVN vẫn có lãi, dù là lãi thấp.

Nếu EVN lỗ, thì việc Nhà nước điều chỉnh ngay lập tức, theo kiểu cấp tốc dù khó nhưng có thể hiêu được. Còn trong lúc này, ở điều kiện của EVN, mức tăng như vậy, theo tôi vẫn là cao.

Còn việc thấp hơn hay cao hơn mặt bằng khu vực thì phải xem lại. Anh muốn tăng giá thì anh viện dẫn, so sánh với các nước giá cao hơn mà không tính đến những nước giá thấp hơn là không sòng phẳng.

- Theo dự án được trình lên, việc tăng giá điện sẽ làm giảm tốc độ tăng GDP 2009 từ 0,05%-0,07% (tác động trực tiếp) và chỉ số giá cả (CPI) sẽ tăng 0,25%-0,3%. Là chuyên gia về giá cả, ông thấy cách tính toán này liệu đã hợp lý?

Chắc chắn chỉ số giá sẽ tăng. GDP sẽ giảm nhưng tăng/ giảm bao nhiêu thì chúng ta không có một mô hình cụ thể để giải thích một cách thuyết phục các con số đó.

Những con số dự báo tác động của VN vẫn được đưa ra theo kiểu kinh nghiệm, thiếu một phương pháp chuẩn, công cụ, mô hình, chính xác có độ tin cậy. Muốn có được mô hình lại đòi đội ngũ cán bộ tốt hơn, có những con người kĩ trị. Trong khi đó, chuyên gia của VN chưa được đào tạo bài bản, hệ thống.

Hơn nữa, nhìn thực tế, chúng ta đã có được dự báo về giá cả nào chính xác đâu trong năm 2008. Tính toán rất khó nhất là trong tình hình diễn biến phức tạp hiện nay.

Chuyên gia kinh tế Phạm Chi Lan: Tín hiệu ngược

Việc tăng giá điện ngay trong quý I/2009 là một tín hiệu ngược của Chính phủ với những nỗ lực kích cầu, chống suy thoái, có nguy cơ làm triệt tiêu nỗ lực kích cầu. 5 nhóm giải pháp của Chính phủ chưa kịp đi vào thực hiện, mà có thực hiện cũng cần thời gian, có độ trễ nhất định. Ngay cả chuyện kích cầu bàn vài tháng vẫn chưa rõ nhằm vào đâu, bao giờ có hiệu quả, nhưng ngay tháng 2 đã tăng điện rồi, nghĩa là tăng giá trước khi giải pháp hỗ trợ có tác dụng.

Một cách cụ thể, Nhà nước đã dội khó khăn vào DN trong khi chưa kịp hỗ trợ họ vượt khó. Hỗ trợ mới ở dạng cam kết, nhưng gánh nặng mới đó lại đã là thực tế liền kề trước mắt.

Hơn nữa, cách lập luận nâng giá để ngang bằng mặt bằng giá điện khu vực quá lạ trong điều kiện thị trường. Người ta cạnh tranh về giá, giảm giá chưa được, VN lại muốn nâng lên cho bằng. Tại sao nhưng ngành VN giá cao hơn hẳn, sao không nỗ lực giảm xuống cho bằng thế giới?

Buộc người dân phải lựa chọn: Hoặc chấp nhận tăng giá điện để sau này có điện, hoặc không tăng giá điện thì chấp nhận thiếu điện lâu dài, và sau này ngành điện có quyền thiếu điện là vô lí. Vô hình chung, chúng ta đã chuyển trách nhiệm của Nhà nước, EVN sang vai người tiêu dùng.

  • Phương Loan - Trần Thủy (thực hiện)
     

,
Ý kiến của bạn
Ý kiến bạn đọc
,
,
,
,