- Đại diện Tổng cục Du lịch cho rằng, tham gia chương trình Ấn tượng Việt Nam hoàn toàn tự nguyện. Doanh nghiệp (DN) nào thấy có thể được hưởng lợi, nghĩ tới lâu dài thì tham gia; nếu ngần ngại, cảm thấy bị thiệt có thể rút lui.
Trao đổi với PV.VietNamNet, ông Vũ Thế Bình, Vụ trưởng Vụ Lữ hành (Tổng cục Du lịch - TCDL), khẳng định, TCDL không ép một khách sạn hay DN nào bởi không ép cũng có rất nhiều đơn vị đăng ký. Ở đây, có sự hiểu nhầm của một vài khách sạn, DN khi không tham dự các cuộc họp trước đó.
Du khách nước ngoài tại Hải Phòng (ảnh haiphong.gov.vn)
Giảm giá tour 30-50% chỉ là ước lệ!
- Thưa ông, để thu hút khách quốc tế, Việt Nam có nhiều biện pháp khác nhau. Tại sao TCDL lại đề xuất chương trình giảm giá này?
- Mục tiêu của Impressive Việt Nam (Ấn tượng Việt Nam) là nhằm tạo dựng lại hình ảnh du lịch Việt Nam, bởi lâu nay chúng ta bị mang tiếng là luôn đắt hơn các thị trường khác trong khu vực.
Tuy nhiên, TCDL không có ý định phá giá bởi du lịch phải có giá trị nhất định. Việt Nam không làm theo mô hình của một vài nước giảm giá tới 80-90% - điều đó là không thật vì họ buộc phải thu lại du khách bằng những dịch vụ khác. Chúng ta giảm giá một cách nghiệm túc, trong chừng mực, và các khách sạn có thể chịu được.
Đến nay, Tổng cục Du lịch đã nhận được đăng ký của 72 khách sạn từ 3 sao đến 5 sao, trong đó có 60 khách sạn giảm giá triệt để 30-50%, 12 khách sạn xin giảm giá thấp hơn, chúng tôi đều chấp nhận vì đăng ký này chỉ là cam kết tham gia, còn chi tiết cho 99 tour mới tính được số tiền cụ thể.
Hiện tại, mỗi một khách sạn, trên mỗi đường hàng không giỏi lắm lượng khách cũng chỉ chiếm 50%, vẫn còn nhiều chỗ trống. Bởi vậy, tham gia chương trình khuyến mại - lần đầu tiên có tại Việt Nam này - là khách chọn lọc, đi theo những tour đã được duyệt, trên những thị trường trọng điểm đã được tính toán.
Đây chỉ là một phần trong số lượng khách đến Việt Nam, không khuyến mãi với khách thương gia, khách đi lẻ hay vì mục tiêu khác. Vì thế, đối với các khách sạn không ảnh hưởng đến doanh thu mà có thể tăng thêm, hàng không cũng vậy.
Vấn đề cuối cùng phải làm là thiết lập các tour (99 tour như đã công bố), nhưng cần cụ thể hơn, chi tiết hơn về giá cả. Sau đó, TCDL sẽ công bố chính thức giá mỗi tour là bao nhiêu. Giá đó không được giải thích chi tiết bởi đó là bí mật kinh doanh, và cũng là bí mật của đợt giảm giá này. Giá tour có thể giảm 10%, có cái giảm 50%, thậm chí có tour giảm 70%, đó là tuỳ những đối tượng cụ thể, tuỳ những tour cụ thể. Do vậy, TCDL công bố giảm 30-50% là ước lệ.
- Các DN cho rằng, việc Tổng cục Du lịch đưa ra con số 30-50% là không rõ ràng: giảm 30-50% đối với hợp đồng đã ký hay giảm so với giá công bố?
- Đối với một số khách sạn đã giảm giá với các DN lữ hành thì hai bên sẽ bàn bạc lại với nhau để chọn ra những bảng giá phù hợp nhất, đảm bảo không cao hơn mức giá sàn đã được ngầm định trong cơ quan chủ quản. Hơn nữa, mức giảm giá phụ thuộc vào các tour của từng thị trường trọng điểm, chứ không phải giảm cho tất cả mọi người hay treo biển "đại hạ giá’.
Song, nếu so sánh với giá đầu năm 2008 thì chắc chắn chúng ta sẽ giảm giá tới 50% chứ không ít. Các DN, khách sạn không dự họp đầy đủ thì cho rằng mình bị thiệt, nhưng ngồi tính toán lại thì sẽ không thấy thiệt. Vì vậy mà tại cuộc họp ngày 16/1 ở TP.HCM, các DN hưởng ứng rất mạnh mẽ.
Ông Vũ Thế Bình (ảnh H.L.Y)
- Được biết, trong tuần này sẽ có một cuộc họp tương tự ở Hà Nội, thưa ông?
- Nếu không có những ý kiến cần thiết thì sẽ không phải họp nữa, bởi vấn đề ở đây là cam kết thì đã cam kết rồi. Ngành du lịch đang tập trung toàn bộ sức lực để tính toán chi tiết giá từng tour để có thể bán được cho khách - việc làm này là quan trọng nhất. Hoàn thiện đến đâu là bán đến đấy, không có chuyện phải chờ đợi gì.
Ngoài ra, còn phải hoàn thiện các sản phẩm du lịch nội địa khuyến mại để triển khai ngay sau Tết Nguyên đán.
Sau khi đạt được sự thống nhất, ngày 20/1/2009, sẽ có buổi làm việc giữa hàng không Việt Nam với đại diện các CLB nhóm thị trường Pháp và Tây Âu, tiếp đó triển khai ở thị trường Australia, ASEAN, Nhật Bản... Mất chừng độ 1 tháng, đến nay, sự đồng thuận về chi tiết kỹ thuật (giá) cơ bản đã đạt được, mọi người đã hiểu nhau. Trước đây, các DN đều giữ kẽ, đều lo bị thiệt, giờ họ đã cởi mở nên chúng tôi nghĩ sẽ làm được.
"Không phải quảng bá là khách mua tour ngay"
- Ông nhận xét như thế nào trước những ý kiến khác nhau về thời gian ra đời, sự triển khai chậm chạp của chương trình Ấn tượng Việt Nam?
- Tôi khẳng định là Việt Nam làm không chậm. Thái Lan sau khủng hoảng họ tung ra chương trình Thailand Sorry, trong đó có chương trình khuyến mại thì tới nay cũng chỉ có 24 khách sạn giảm giá, chưa hình thành xong các tour. Họ cũng đã mất một tháng.
Chúng ta đã kịp tung chương trình khuyến mãi ra trước khai mạc Diễn đàn du lịch ASEAN (ATF 2009), được hội nghị này chào đón hào hứng. Nhân sự kiện này, TCDL cũng quảng bá sâu rộng đến tất cả các đại biểu.
Đặc biệt, Việt Nam đã tổ chức được cho 1.100 lượt người tham gia các tour miễn phí để quảng bá du lịch Việt Nam - kỷ lục trong các diễn đàn du lịch ASEAN từ trước đến nay. Nếu chúng ta chậm, không kịp đưa ra vào dịp ATF thì làm sao chúng ta có thể giới thiệu được cho hàng nghìn khách này?
TIN LIÊN QUAN
Cũng có ý kiến cho rằng, TCDL quá vội vàng, trong khi chưa làm được chi tiết đã lăng xê? Tôi nghĩ rằng, trong du lịch không phải giới thiệu là khách mua tour ngay. Vì vậy, giới thiệu càng nhanh ngày nào càng tạo ấn tượng tại các thị trường, song song đó sẽ hoàn thiện chi tiết các sản phẩm. Vì vậy, nói là chậm cũng không đúng mà nói quá vội để lăng xê ra hay đưa ra sớm quá cũng không ai tiếp thu vì còn lo cho sự kiện ATF 2009.
- Tên chiến dịch Tổng cục Du lịch có lấy ý kiến đóng góp của các DN? Nó có phù hợp nội dung chiến dịch không, thưa ông?
- Impressive Việt Nam là tên được đề xuất trong hội nghị ngày 24/12/2008 tại Đà Nẵng, có cả các DN lữ hành, khách sạn tham dự. Trong thời điểm này, Việt Nam buộc phải đưa ra những gì tốt nhất ra để tạo ấn tượng với khách, ví dụ vẻ đẹp Việt Nam, ấn tượng thiên nhiên, di sản văn hoá, ẩm thực... Chương trình sẽ thiết lập các sản phẩm phù hợp với mỗi loại ấn tượng về đất nước, con người Việt Nam.
Khi giới thiệu tên chiến dịch tại hội nghị, mọi người cùng tranh luận và tất cả cùng thống nhất, khi trình lên thì Bộ VH-TT và Du lịch phê duyệt luôn.
- Xin cảm ơn ông.
-
Hà Yên (thực hiện)