- Không chỉ bị tác động bởi sức cầu đang rất yếu, đa số cổ phiếu còn chịu ảnh hưởng khá mạnh bởi sự tụt giảm kinh hoàng trên thị trường chứng khoán Mỹ trong phiên giao dịch hôm qua. Chỉ số VN-Index ngay lập tức rơi xuống sát ngưỡng 300 điểm. Chỉ số HaSTC-Index xuống dưới 100 điểm. Kết thúc phiên giao dịch sáng 21/1, chỉ số VN-Index của Sở GDCK TP.HCM (HOSE) giảm 2,82 điểm (0,93%) xuống 300,04 điểm. (Ảnh: LAD)
Kết thúc phiên giao dịch sáng 21/1, chỉ số VN-Index của Sở GDCK TP.HCM (HOSE) giảm 2,82 điểm (0,93%) xuống 300,04 điểm.
Trong tổng số 172 mã cổ phiếu và 4 chứng chỉ quỹ niêm yết trên HOSE có 47 mã tăng giá (10 mã tăng trần), 80 mã giảm giá (10 giảm sàn), 45 mã đứng giá và 4 mã không có giao dịch (COM của Vật tư Xăng dầu, TNA của XNK Thiên Nam, PMS của Cơ khí Xăng dầu và VHC của Vĩnh Hoàn).
Tổng khối lượng giao dịch của cổ phiếu và chứng chỉ quỹ thông qua khớp lệnh thành công sáng 21/1 đạt 4,9 triệu đơn vị, trị giá 113,2 tỷ đồng (phiên trước là 5,2 triệu đơn vị và 109,4 tỷ đồng).
Theo giới quan sát, không chỉ chịu tác động bởi sức cầu đang rất yếu, các cổ phiếu niêm yết trên cả hai sàn chứng khoán TP.HCM và Hà Nội bị ảnh hưởng rất nhiều từ sự tụt giảm kinh hoàng của thị trường chứng khoán Mỹ trong phiên giao dịch đêm qua (giờ Việt Nam).
“Tính thanh khoản rất thấp đang kéo thị trường đi xuống. Nhưng đó chỉ là biểu hiện bên ngoài. Cốt lõi của vấn đề nằm ở chỗ các nhà đầu tư giờ không kỳ vọng nhiều vào sự hồi phục của cổ phiếu trong ngắn hạn”, anh Tân, một nhà đầu tư nói.
“Khủng hoảng tài chính, tín dụng và suy thoái kinh tế đang ngày càng mạnh lên tại khắp nơi trên thế giới. Chỉ sau châu Âu một ngày, các cổ phiếu ngành tài chính ngân hàng Mỹ hôm qua giảm tới 17%, xuống mức thấp nhất trong 14 năm qua. Các nhà đầu tư ào ào bán ra cho thấy họ đang rất thất vọng với thị trường chứng khoán”.
“Tất cả những kỳ vọng về một đợt hồi phục sau khi Tổng thống Mỹ Obama chính thức nhậm chức đã tan biến. Điều này cho thấy nền kinh tế sẽ còn một chặng đường rất dài để có thể hồi phục. Các nước dựa chủ yếu vào xuất khẩu như Việt Nam sẽ còn chịu tác động nhiều”, anh Tân nhận định.
Rất nhiều nhà đầu tư sáng nay đã có những quan điểm giống với anh Tân.
Mặc dù vậy, ở chiều ngược lại, cũng có một số người cho rằng, việc lực bán cổ phiếu đang giảm mạnh và thị trường chưa phá vỡ ngưỡng 300 điểm là các yếu tố phần nào giúp các nhà đầu tư an tâm hơn.
Một số chuyên gia cũng chia sẻ nhận định này.
Theo ông Ken Tai, chuyên gia phân tích kỹ thuật đến từ Singapore của công ty CP CK Kim Eng Việt Nam, thông thường khi khối lượng giao dịch cổ phiếu giảm mạnh trong lúc thị trường đi ngang đồng nghĩa với việc hầu như tất cả các lực bán ra nhằm thoát khỏi thị trường đã gần như được hấp thu hết, thị trường khi đó gồm nhiều nhà đầu tư đang giữ cổ phiếu với hy vọng đầu tư dài hạn, vì thế, trong những giai đoạn như vậy thị trường thường rất dễ đi lên.
Trở lại diễn biến giao dịch khớp lệnh, đa số các cổ phiếu blue-chips sáng nay tiếp tục giảm giá.
Cụ thể, trong 10 mã cổ phiếu có mức vốn hoá lớn nhất thị trường, chỉ có PVF của Tài chính Dầu khí tăng nhẹ 100 đồng lên 18.300 đồng/cổ phiếu và HAG của Hoàng Anh Gia Lai đứng giá, còn lại đều đi xuống trong đó VPL của Vinpearl giảm sàn 2.500 đồng xuống 51.000 đồng/cổ phiếu.
Trong khi đó, cổ phiếu tăng giá mạnh nhất là 2 mã TCT của Cáp treo Núi Bà Tây Ninh và TMC của XNK Thủ Đức với cùng mức tăng 1.000 đồng. Hầu hết giá cổ phiếu đều dao động tăng giảm từ 100 - 200 đồng/cổ phiếu.
Về khối lượng giao dịch, dẫn đầu là STB của Sacombank với 0,75 triệu đơn vị. SSI của Chứng khoán Sài Gòn theo sau với 0,32 triệu. SSI của VIP của Vận tải Xăng dầu VIPCO đứng ở vị trí thứ 3 với 0,21 triệu. DPM của Đạm Phú Mỹ đứng ở vị trí tiếp theo với 0,18 triệu đơn vị.
Trên Sàn chứng khoán Hà Nội, chỉ số HASTC-Index giảm phiên thứ 8 liên tiếp. Giao dịch rất ảm đạm.
Cụ thể, HASTC-Index sáng nay giảm 0,94 điểm (0,93%) xuống 99,75 điểm.
Tổng khối lượng giao dịch thành công trên sàn Hà Nội sáng 21/1 đạt 2,17 triệu đơn vị, trị giá 46,6 tỷ đồng, phiên trước là 2,79 triệu đơn vị và 53,9 tỷ đồng.
-
Hà Linh