- Sáng 30 Tết, khi mọi nhà đều đã sắm sửa hòm hòm, chỉ còn thiếu duy nhất khoản không thể chuẩn bị sẵn nhiều ngày trước đó, là một "chú gà trống" tươi sống với đầy đủ cỗ lòng để cúng giao thừa... thì gà ta trong siêu thị dẫu rẻ hơn, lại giết mổ bằng công nghệ sạch, cân đủ, đóng gói đàng hoàng cũng không hấp dẫn được các bà nội trợ!
Gà lên thớt tại một chợ cóc Hà Nội sáng 30 Tết Kỷ Sửu (Ảnh: H.H). |
Siêu thị Tết cái gì cũng không kém chợ, từ quả ớt đỏ chót đến củ gừng mập mạp để bày ban thờ, từ thịt lợn, thịt bò, thịt thỏ... chế biến các kiểu đến trứng gà, trứng vịt, trứng chim; bánh chưng, bánh dày, bánh giò - thế nhưng, một nhu cầu tối quan trọng của người dân vào đêm tất niên, là một con gà trống hoa đẹp đẽ, mào to tươi thắm, đôi cánh ngay ngắn và sau khi luộc, cái mỏ vẫn mím chặt để còn cắm vào đó một bông hoa rồi bày lễ ngoài trời... thì siêu thị đã "bó tay"!
Giá gà ta lên xuống như... đô-la!!!
Chợ Thành Công (Ba Đình, Hà Nội) sáng cuối cùng của năm âm lịch Mậu Tý, dãy bán gà làm sẵn ở phía cuối chợ tắc người và xe. Sở dĩ các bà, các chị "tắc" ở các hàng này lâu vì mua gà cúng giao thừa thì không mua nhanh, mua ẩu được! Nâng lên, đặt xuống... con này mào đẹp hơn nhưng lại bị tuột da; con kia vừa tiền quá nhưng mào lại bé tí, bợt bạt, vẹo vọ...
Có người cẩn thận hơn còn mang bài thơ "bói gà" ra luận, như để nhắc nhở mình và cũng tỏ sự sành với xung quanh: "Đôi giò cần để thẳng ngay/Nhuận hồng vàng ánh năm nay chắc giàu", rồi "Đỏ mà gân máu nổi loang/Là điềm hao của tan hoang cửa nhà", hay "Da gà tươi mát vàng son/Đi thi chắc đậu, đi buôn chắc lời/Khe chân gà hở tơi bời/Tiền vô nhiều cũng phủi rồi tay không"...
Rõ là, một con gà cúng giao thừa không còn phải là nhu cầu để ăn, mà nó đã trở thành vấn đề tinh thần, tâm linh, chất chứa trong nó cả niềm tự hào thầm kín hay hy vọng sục sôi của gia chủ! Chính vì vậy, người mua nó cũng không còn vì trọng lượng hay đơn giá, thậm chí dễ dãi cho qua các cảnh báo về dịch bệnh hay văn minh thương mại... chỉ để "đón" lấy cái yên tâm trong lòng dạ, cái yên ả trong tâm hồn, cái cảm giác đã làm tròn một việc thiêng liêng với gia đình, với Trời Đất.
30 Tết - thời điểm kiếm nhất trong năm của giới buôn gà ngoài chợ (với điều kiện không có tín hiệu về "dịch")! - (Chụp sáng 30 Tết Kỷ Sửu tại chợ Thành Công, Ba Đình, Hà Nội - Ảnh: H.H) |
Nắm rõ tâm lý này, giới buôn gà thả sức "tâng" giá: ngày thường gà ta 100 nghìn đồng/kg đã là ngon lắm thì hôm nay 130 - 140 nghìn đồng/kg cả lòng mề! Giá tăng gấp rưỡi mà người bán vẫn kiêu. Có chị lấy "tư cách khách quen" ra xem có bớt được giá nào không, quầy Mai Lâm trong chợ Thành Công khảng khái: "Ở đâu cũng thế, có mua thì mua! Đừng tham rẻ coi chừng gà ta rởm, gà bây giờ nhiều loại lắm!"...
Đúng là nhiều loại thật, siêu thị Big C ghi rõ: gà Tam Hoàng, gà trại (chỉ khoảng 50 - 60 nghìn đồng/kg); gà ta nguyên con nhưng thiếu cỗ lòng (93 nghìn đồng/kg)... trong khi ngoài chợ khó mà đoán được loại nào - vặt lông rồi giống "mất điện, nhà ngói cũng như nhà tranh"! Nhất là các chị công chức trẻ mới lập gia đình, kinh nghiệm nội trợ chưa rành thì kiến thức chọn gà đa phần cũng chỉ dừng lại ở "nho nhỏ là gà ta, to to là gà công nghiệp" - thế mới có chuyện gà công nghiệp nhỏ "hóa kiếp" thành gà ta, già ta mà to một tí thì bị chê là gà công nghiệp. Người mua gà cũng rất dễ thành "gà"!
Quầy gà các loại tại siêu thị Big C (Trần Duy Hưng, Hà Nội) vắng lạnh sáng 30 Tết! (Chụp lúc 10h sáng 25/1/2009 - Ảnh: H.H) |
Nhiều loại thế nên tại nhiều chợ cóc, gà làm sẵn để cúng giao thừa, cũng buộc cánh đẹp đẽ, da thịt lành lặn nhưng giá chỉ 100 - 110 nghìn đồng/kg lại khiến các bà, các chị "chột dạ", không mua! Biết đâu đấy, của rẻ là của ôi, không phải "ta rởm" thì cũng là gà hôm qua để tủ lạnh?! Trong khi các hàng "quát cao" thì khách lại nườm nượp... "sớm nay giá khác, gần trưa giá khác, 30 Tết nó thế, có gì mà thắc mắc!" - hàng Sử Ánh giải thích khi khách hỏi tại sao giá gà lúc "trăm ba", lúc lại "trăm tư"!!!
Tết ta vẫn "dân gian" hơn "công nghiệp"!
Khuyến mãi cũng không làm cho người nội trợ chọn gà siêu thị cho lễ cúng giao thừa nhà mình... (Chụp sáng 30 Tết Kỷ Sửu tại BigC Trần Duy Hưng - Ảnh: H.H) |
Thiếu hẳn mặt hàng gà trống hoa buộc cánh kèm cỗ lòng ngay ngắn, các siêu thị đành "bỏ qua" một nhu cầu tiêu thụ lớn - hàng triệu gia đình sẽ cần đến hàng triệu con gà cúng giao thừa!
Vậy là, có những cái ngày Tết người dân vẫn thích sự dân dã hơn công nghiệp, máy móc - dù theo qui luật những thứ làm được bằng máy càng ngày càng rẻ hơn làm bằng tay, nhưng rồi cũng theo qui luật có những cái "máy cũng phải chịu"!
Đơn cử như siêu thị Big C - nơi cung cấp thực phẩm tươi sống sạch khối lượng lớn quanh năm và cả dịp Tết cho dân Thủ đô, giá niêm yết chỉ 93.600 đồng/kg gà ta nguyên con cũng không làm cho những con gà không lòng mề lăn lóc trong tủ mát thay thế được những chú gà trống hồng hào cắt tiết bằng tay, vặt lông bằng nước sôi ngoài chợ!
Ghi nhận của phóng viên VietNamNet tại Big C khi chỉ còn 2 tiếng nữa là đến 12h trưa 30 Tết (giờ siêu thị này đóng cửa) - loạt gà nguyên con bọc ni-lon vẫn còn nhiều, quầy gà khách vắng teo trong khi vẫn ăm ắp gà nguyên con, gà rút xương, gà chặt...
Mổ gà tại chỗ, bán tại chợ, sáng 30 Tết ...(Ảnh: H.H) |
Những cái lồng chật cứng gà không biết đã kiểm dịch hay chưa. Một cái cân móc dập dình chắc cũng chưa qua kiểm định...
Một con dao sắc. Một bát đựng tiết. Một nồi nước sôi trên bếp than tổ ong. Một chậu nước nhầy nhụa không biết đã hứng nước dội bao nhiêu con gà... Lông gà bết xuống đường, cống!
Một que tre để xuyên qua lòng gà. Một cái diều gà đầy nhung nhúc thức ăn chưa tiêu bị quăng sang một bên...
Không thấy bóng dáng "quân" quản lý thị trường. May mà Tết năm nay không có cảnh báo về dịch tại Hà Nội!
-
Tràng An Nguyễn