- Số liệu mới nhất về xuất nhập khẩu tháng 1/2009 cho thấy, tháng đầu tiên của năm 2009, kim ngạch xuất khẩu chỉ đạt 3,8 tỷ USD, giảm tới hơn 1 tỷ USD so với mức 4,9 tỷ USD tháng 12/2008 và gần 25% so với cùng kỳ năm ngoái.
Đây được xem là tín hiệu đáng lo ngại của kinh tế trong năm 2009.
Hầu hết các mặt hàng xuất khẩu của Việt Nam đều giảm rất mạnh so với cùng kỳ như dầu thô giảm tới 52% kim ngạch; dệt may giảm 33%; giày dép giảm 25%; điện tử và máy tính giảm 34%; dây cáp điện giảm 54%; cà phê giảm 30%; cao su giảm 54%...
Xuất nhập khẩu giảm, dấu hiệu kinh tế khó khăn đã lộ rõ. (Ảnh: VNN)
Mặt hàng xuất khẩu chủ lực duy nhất của Việt Nam tăng trưởng so với cùng kỳ là gạo. Loại hàng này có mức tăng đến 2,5 lần so với tháng 1/2008; mặt hàng khác có mức tăng ấn tượng là sản phẩm đá quý và kim loại quý tăng đến gần 7 lần, nhưng kim ngạch loại hàng này nhỏ, chỉ khoảng 130 triệu USD.
Nguyên nhân của việc kim ngạch xuất khẩu giảm mạnh là do giá các loại hàng cùng loại trên thế giới giảm mạnh. Dầu thô dù đã tăng khối lượng xuất khẩu lên 12% nhưng giá trị vẫn giảm quá nửa.
Một số mặt hàng giảm kim ngạch xuất khẩu do nhu cầu giảm như than đá, khối lượng xuất khẩu không đạt 2/3 so với cùng kỳ năm ngoái. Nhiều mặt khác khác như dệt may, cao su, cà phê... vừa giảm giá vừa giảm khối lượng xuất khẩu.
Trong chiều ngược lại, kim ngạch nhập khẩu cũng giảm mạnh với mức 4,1 tỷ USD, giảm tới 45% so với cùng kỳ năm ngoái. Một số mặt hàng nhập khẩu giảm đáng kể như ô tô giảm tới hơn 70%; phôi thép giảm hơn 80%; chất dẻo và hóa chất giảm hơn 50%, xăng dầu gần 75% so với cùng kỳ... Nhập khẩu giảm ngoài yếu tố giá cũng cho thấy nhu cầu trong nước, nhất là nhu cầu cho sản xuất đang giảm mạnh.
-
Phước Hà