221
442
Kinh tế - Thị trường
kinhte
/kinhte/
1156629
Giá dầu thô giảm, vì sao giá gas vẫn tăng mạnh?
1
Article
null
Giá dầu thô giảm, vì sao giá gas vẫn tăng mạnh?
,

 - Là khí đồng hành có được chủ yếu trong quá trình khai thác dầu thô, giá gas thường biến động theo giá dầu. Song trong khi giá dầu thô vẫn đứng ở mức thấp (khoảng 41 USD/thùng) thì giá trao đổi trên thị trường gas thế giới 2 tháng đầu năm đã tăng đến 167,5 USD/tấn so với giá tháng 12/2008.

 

Cho đến nay (3/2), các hãng gas trong nước đều áp dụng mức tăng từ 20.000 đến 30.000 đồng/bình 12 kg.

 

Bình 13 kg của Petrolimex giá tại các cửa hàng hiện là 265.000 đồng; bình 12,5 kg của Elf gas Sài Gòn tăng so với tháng trước 35.000 đồng, lên khoảng 230.000 đồng; bình 12kg của Shell gas giá 240.000 đồng.

 

Nhìn chung, giá bán lẻ bình 12 kg đến tay người tiêu dùng tại miền Bắc dao động ở mức 230.000 - 240.000 đồng. Loại tương tự ở phía Nam giá thấp hơn từ 10.000 - 20.000 đồng/bình.

 

So với mức 170.000 - 190.000 đồng/bình 12, 13kg thời điểm tháng 12/2008, giá gas bán lẻ trong nước hiện đã tăng 50.000 - 60.000 đồng/bình - Ảnh: N.N

 

Từ khan hiếm gas...

 

Theo các doanh nghiệp nhập khẩu và kinh doanh, sở dĩ giá gas trong nước tăng mạnh kể trên là do giá trao đổi trên thị trường gas (giá CP) thế giới từ mức 337,5 USD/tấn hồi tháng 12/2008 hiện đã lên 505 USD/tấn. Tăng tổng cộng tới 167,5 USD.

 

Ở góc độ thế giới, việc giá dầu thô đứng ở mức thấp mà giá gas lại tăng mạnh kể trên, theo giới kinh doanh đó là do sự mất cân đối, chênh lệch về cung cầu trên thị trường gas.

 

Cụ thể, trong khi khối các nước xuất khẩu dầu mỏ (OPEC) thực hiện cắt giảm sản lượng dầu thô ở mức kỷ lục 4,2 triệu thùng/ngày, khiến sản lượng khí đồng hành sụt giảm thì nhu cầu tiêu thụ, sưởi ấm tại các nước thuộc khu vực Bắc bán cầu lại tăng rất cao do thời tiết trở lạnh.

 

Trong nước, thời điểm cuối năm vừa qua, do giá gas liên tục hạ nhiệt, các doanh nghiệp và giới kinh doanh nhỏ lẻ lo ngại giá thế giới còn xuống nữa nên có tâm lý chờ đợi, không dám dự trữ nhiều.

 

Cùng lúc này, người dân bắt đầu tiêu dùng gas trở lại do nhận thấy giá gas đã giảm đến 30 - 40% so với hồi giữa năm 2008. Sang tháng 1/2009, do trùng vào Tết âm lịch, nhu cầu tiêu thụ gas trong nước càng tăng mạnh hơn.

 

Khi nguồn cung bị hạn chế đã gây ra hiện tượng khan hiếm, sốt hàng tại nhiều tỉnh, thành. Một cán bộ quản lý của Shell gas phản ánh, dịp Tết hầu hết đại lý tại Bắc Giang, Vĩnh Phúc, khu vực ngoại thành Hà Nội đều trong cảnh 2 tuần liền không có gas bán.

 

Chủ một đại lý gas Petrolimex tại quận Ngô Quyền, Hải Phòng than thở, vừa rồi chị gọi 20 bình nhưng nhà phân phối chỉ cho nhỏ giọt 3 bình/lần. Cửa hàng trống rỗng, ngay cả vỏ bình cũng không có. Tiền vỏ bình từ mức 190.000 đồng, Tết lên đến 270.000 đồng/chiếc mà chị cũng không mua được.

 

...đến năng lực của doanh nghiệp hạn chế

 

Cả nước có gần 80 doanh nghiệp kinh doanh khí hóa lỏng, lượng gas nhập khẩu chiếm tới 70% nhưng ngoại trừ kho sản xuất của nhà máy Dinh Cố (Vũng Tàu) có sức chứa 25.000 tấn khí gas thì kho kinh doanh lớn nhất trong nước hiện mới chứa được 3.000 tấn.

 

Hệ thống cầu cảng cũng mới chỉ tiếp nhận được những tàu rất nhỏ, từ 1.000 - 1.500 tấn đổ lại, trong khi con số này ở Thái Lan là tàu 50.000 tấn/chuyến.

 

“Hạ tầng kỹ thuật, phương tiện vận chuyển phát triển chậm, quy mô manh mún nhỏ lẻ và thiếu quy hoạch tổng thể” là mô tả của ông Nguyễn Ngọc Sơn - Tổng Giám đốc Tổng Công ty Kinh doanh Sản phẩm khí, Tổng Công ty Khí Petro VN gas.

Nhiều bất cập trên thị trường gas chưa thể giải quyết trong một sớm, một chiều. Ảnh: SGG

 

Chính do cầu cảng, kho chứa nhỏ lẻ, các doanh nghiệp kinh doanh gas nước ta không thể tiếp cận được nguồn hàng với giá gốc như công bố từ các nước Trung Đông mà toàn phải nhập từ các nước lân cận như Trung Quốc, Malaisia, Singapore qua nhiều khâu trung gian, phương tiện khiến giá thành đắt.

 

Có thể hình dung, mức 505 USD/tấn là giá CP công bố của công ty Aramco của Ả-rập Xê-út tháng 2/2009 thì giá mua của các doanh nghiệp nhập khẩu được tính dựa trên giá CP cộng thêm các chi phí vận chuyển, bảo hiểm, chi phí ngân hàng... (dao động từ 10 - 15% giá CP).

 

Về VN, giá bán trước thuế của doanh nghiệp được cộng thêm các chi phí như tồn trữ, vận chuyển, chiết nạp, phân phối, lãi... Theo tính toán của Giám đốc Công ty CP Dầu khí An Pha S.G, ông Trần Minh Loan, ngoài giá CP, các chi phí kể trên khi về VN thường đội thêm rất cao, từ 150 USD/tấn trở lên.

 

“Nếu có kho lớn, cảng lớn, doanh nghiệp kinh doanh sẽ nhập hàng với mức giá tốt nhất và số lượng lớn. Nhưng vì không ai có khả năng nên các doanh nghiệp hiện chỉ “ăn đong” từng lô một. Hệ quả là cả doanh nghiệp và người tiêu dùng trong nước luôn phải chịu mức giá cao, thua thiệt so với các nước trong khu vực” - ông Nguyễn Sĩ Thắng - Chủ tịch HĐQT Công ty CP Kinh doanh Khí hóa lỏng Miền Nam chia sẻ.

 

Được biết, chưa kể đến hệ thống cầu cảng quy mô lớn, để xây dựng được một kho chứa khí hóa lỏng cỡ từ 60.000-70.000 tấn phải đầu tư từ 300 triệu USD. Mà cứ với sự nhỏ lẻ, phân tán của các doanh nghiệp gas hiện nay, tình trạng “no dồn đói góp” của thị trường gas sẽ khó có thể giải quyết trong một sớm, một chiều.

  • Nguyễn Nga

,
Ý kiến của bạn
Ý kiến bạn đọc
,
,
,
,