- Hầu hết các DN làng nghề đang phải ngừng sản xuất hoặc sản xuất cầm chừng, kéo theo 5 triệu lao động có nguy cơ mất việc. Tuy nhiên, đợi để tiếp cận được nguồn vốn hỗ trợ lãi suất, các DN có lẽ hết cơ hội sử dụng.
Ông Nguyễn Nguyễn Minh Tiến - Phó Giám đốc Sở NN- PTNT Bắc Ninh - một trong những tỉnh có số làng nghề đông nhất cả nước, cho biết, tình hình hết sức bi đát, nhất là với các làng nghề sản xuất đồ gỗ mỹ nghệ, sắt thép và giấy.
Hàng nghìn người ở làng nghề Đồng Kỵ bị mất việc (ảnh vietbao)
Làng đồ gỗ mỹ nghệ nổi tiếng Đồng Kỵ thua lỗ 20 triệu USD do ứ đọng sản phẩm, "ôm" nguyên liệu lúc giá cao. Có DN trên 100 lao động, giờ tan tác, chỉ còn 7-8 người làm.
Làng giấy Phong Khê một nửa đã ngừng sản xuất hoặc sản xuất cầm chừng, với số vốn tồn đọng tại mỗi DN vài ba tỷ đồng.
Tại làng sắt thép Đa Hội, số sắt thép tồn đọng cũng lên tới vài trăm nghìn tấn.
Ngoài Bắc Ninh, số liệu thống kê mới nhất từ 38 tỉnh, thành cho thấy, đã có 9 làng nghề chính thức phá sản, 124 làng nghề đang sản xuất cầm chừng do gặp khó khăn (chiếm khoảng 10% tổng số các làng nghề).
Việc phá sản của các làng nghề, trước mắt đã làm ít nhất 2.166 hộ sản xuất có đăng ký kinh doanh bị phá sản theo. Chỉ riêng 3 làng nghề trên ở Bắc Ninh, công nhân mất việc đã lên tới vài nghìn hoặc cả vạn người.
Ông Lưu Duy Dần, Tổng Thư ký Hiệp hội Làng nghề Việt Nam, khẳng định, chuyện 5 triệu lao động làng nghề mất việc làm là có thật. Khó khăn hơn, công nhân các KCN, các dự án lớn cũng mất việc và quay về nông thôn khiến cho chuyện công ăn việc làm, thu nhập cho người lao động trở nên "nóng rẫy".
Phát biểu tại Hội nghị bàn cách tháo gỡ khó khăn cho DN làng nghề, diễn ra sáng 11/2, ông Nguyễn Minh Tiến nói rằng, các DN làng nghề đang rất trông chờ vào hai chính sách: hỗ trợ lãi suất 4% và giảm thuế, giãn thuế. Các ngân hàng nên tháo gỡ khó khăn, giải ngân nhanh, thủ tục cơ bản gọn nhẹ để DN với tới cái "phao" cứu sinh này càng sớm càng tốt.
Song, ông Tiến chua xót, trên thực tế chưa DN nào tiếp cận được nguồn vốn này.
TIN LIÊN QUAN
Bà Trần Thị Hồng Hạnh, Vụ phó Vụ Tín dụng (Ngân hàng Nhà nước), đưa ra lý lẽ, để được vay vốn, các DN phải lập được phương án khả thi, phải các định được thị trường tiêu thụ, có phương án sản xuất kinh doanh. Nếu không có phương án cụ thể, có vốn lại tiếp tục sản xuất, nhưng vẫn bí đầu ra thì giải pháp này có thể sẽ tác dụng ngược lại.
Hơn nữa, tiền đã sẵn sàng tại các ngân hàng, nhưng khi hỏi các DN nhu cầu vốn như thế nào thì không nắm được.
Ngoài ra, “nút thắt” lớn khác đối với các DN làng nghề hiện nay là tổng số dư nợ của họ quá lớn, chiếm tới 50% tổng vốn vốn đăng ký kinh doanh (ước tính lên tới hàng chục nghìn tỷ đồng). Nếu không thanh toán được số vốn dư nợ này, DN không thể vay được vốn.
Bộ trưởng Bộ NN-PTNT Cao Đức Phát nhấn mạnh, trong tình huống khó khăn đặc biệc này, cần có giải pháp tốt nhất cho các DN. Ví dụ, đối với giải pháp miễn thuế, các DN nói có sản xuất, có lãi đâu mà miễn? Hay trong lúc bế tắc này, cũng chưa biết tiêu thụ thế nào thì phương án sản xuất, kinh doanh hay các định thị trường tiêu thụ là rất mông lung.
Do vậy, nếu không có một cơ chế đặc biệt, những giải pháp này cũng không mang lại hiệu quả thiết thực cho DN nhỏ và vừa.
-
Hà Yên