221
442
Kinh tế - Thị trường
kinhte
/kinhte/
1161206
Thị trường chứng khoán: Tâm lý lo ngại vẫn bao trùm
1
Article
null
Thị trường chứng khoán: Tâm lý lo ngại vẫn bao trùm
,

 - Nhiều chuyên gia nhắc đến những từ như “phá đáy mới” hay “tiếp tục suy giảm” khi mô tả thị trường chứng khoán trong thời gian trước mắt. Tâm lý lo ngại vẫn đang bao trùm lên thị trường, và khi tâm lý này chưa được cởi bỏ, khó có thể có một thị trường tăng trưởng trở lại.

 Trong năm phiên tuần qua, chỉ có phiên đầu tuần tăng, còn 4 phiên còn lại VN Index giảm liên tục. việc VN-Index giảm điểm 4 phiên liên tục đã ảnh hưởng khá tiêu cực đến tâm lý nhà đầu tư. Đóng cửa ở 274,51 điểm vào cuối tuần, VN Index xác lập đáy mới, mất 2.5% tương đương 7,12 điểm so với tuần trước, tăng 4.04% về khối lượng và giảm 1,3% về giá trị giao dịch.

Khi các nhà đầu tư lo ngại, thị trường chứng khoán khó có thể tăng trưởng. Ảnh: VNN.

Theo thuật ngữ kỹ thuật, phiên đầu tuần là phiên bull trap khi thị trường tăng liền hai phiên, đặc biệt phiên tăng mạnh đầu tuần, báo hiệu dường như đảo chiều, bắt đầu tăng giá (bull) sau một đợt sụt giảm (decline). Nhưng thực tế, chứng khoán lại quay trở lại xu thế giảm sau tín hiệu phục hồi đó. Nhiều nhà đầu tư đã mua mạnh bắt đáy, cuối tuần trước, hiện tại đang phân vân giữ cổ phiếu hay bán cắt lỗ.

Tại sàn HASTC, chỉ số HaSTC-Index đã giảm xuống 90,94 điểm, giảm 1,72 điểm so với phiên cuối tuần trước (tương ứng với tỷ lệ giảm 1,86%).

Việc quá nhiều doanh nghiệp lỗ nặng trong quý 4 đã giáng một đòn mạnh vào thị trường. Nhiều doanh nghiệp đã chủ động điều chỉnh các khoản lỗ dồn hết về cuối năm, gây thua thiệt cho nhà đầu tư dài hạn. Chính điều này càng làm mất lòng tin của nhà đầu tư đối với công tác kê khai kết quả kinh doanh của doanh nghiệp.

Tình hình càng xấu khi một loạt các công ty bị đưa vào tình trạng kiểm soát đặc biệt (như REE, VHG, BHS, VTA), càng làm nhiều nhà đầu tư sốt ruột bán tháo cổ phiếu, dẫn tới thị trường đi xuống.

Thông tin các nhà đầu tư đang bàn luận về số phận của các công ty chứng khoán cũng ảnh hưởng không nhỏ tới thị trường. Hiện tại có trên 100 công ty chứng khoán đang hoạt động, một con số quá lớn nên sớm muộn sẽ có nhiều công ty giải thể hoặc sát nhập.

Rất nhiều công ty chứng khoán có khối lượng cổ phiếu tự doanh lớn. Nếu một số công ty chứng khoán phải phá sản, họ sẽ phải bán các cổ phiếu tự doanh này. Đây cũng sẽ là áp lực cho thị trường.

 Thông tin vĩ mô không khả quan

Trong tuần qua, một số tin tức đáng chú ý có ảnh hưởng tới thị trường chứng khoán. Về vĩ mô, xuất khẩu tiếp tục suy giảm đáng lo ngại. vốn FDI đăng ký tháng 1/2009 chỉ có 185 triệu USD. Các báo cáo lỗ của các công ty tiếp tục được đưa ra, trong khi tình hình kinh doanh chưa có gì sáng sủa.

 Kim ngạch xuất khẩu hàng hóa tháng 1/2009 không khả quan, chỉ đạt 3.8 tỷ USD, giảm 18.6% so với tháng 12/2008 và giảm 24.2% so với cùng kỳ năm trước. Nhập khẩu đang giảm mạnh là chỉ báo cho thấy sản xuất - kinh doanh trong nước sẽ giảm sút. Trong khi đó, tốc độ tăng của tổng mức bán lẻ hàng hoá và doanh thu dịch vụ tiêu dùng tháng 1 chỉ đạt 8.2%, thấp hơn nhiều so với cùng kỳ năm ngoái (11,7%) cho thấy sự chững lại trong nhu cầu tiêu dùng, từ đó sẽ dẫn tới giảm sút doanh thu của các doanh nghiệp.

Việc một doanh nghiệp như REE bị đưa vào diện kiểm soát đặc biệt cũng khiến thị trường ảm đạm. Ảnh: VNN.

Nền kinh tế thế giới tiếp tục bước vào suy thoái. Những dự báo lạc quan nhất cho thấy phải tới quý 3, nền kinh tế thế giới mới chạm đáy và đi vào hồi phục. Từ đây đến lúc đó, chắc chắn chúng ta sẽ chứng kiến những sự đổ vỡ, phá sản, suy giảm, thất nghiệp và những gói cứu trợ của các chính phủ.

Tăng trưởng của kinh tế Việt Nam phụ thuộc nhiều vào đầu tư nước ngoài và xuất khẩu. Trong khi năng lực sản xuất còn hạn chế, còn nhiều hàng hoá nguyên vật liệu phải nhập khẩu, việc nguồn thu đầu vào từ xuất khẩu giảm sút, chắc chắn sẽ ảnh hưởng tới thu nhập của các doanh nghiệp, từ đó giảm tổng mức tiêu thụ trong nước, giảm khả năng phát triển của các doanh nghiệp.

Khi mà doanh nghiệp không có khả năng phát triển các lĩnh vực xuất khẩu với giá trị cao hoặc cạnh tranh nổi với các doanh nghiệp các nước khác, xuất khẩu của các doanh nghiệp lại càng hạn chế. Vòng quay luẩn quẩn suy thoái khi đó sẽ tiếp tục kéo dài.

 Bên cạnh các tin tức bi quan thì cuối tuần qua, một số tin tức tương đối khả quan cũng đã xuất hiện.

Ngày 11/02 Thượng Viện Mỹ đã chính thức thông qua gói kích thích kinh tế mà con số cuối cùng được thống nhất là 789 tỷ USD, khoảng 3,5 triệu việc làm sẽ được tạo ra nhờ gói kích thích kinh tế này. Doanh số bán lẻ của Mỹ tháng 1 tăng 1% so với tháng trước, số lượng người đăng ký trợ cấp thất nghiệp giảm, số vụ siết nợ do cầm cố nhà đất cũng giảm.

Tại Việt Nam, các doanh nghiệp bắt đầu được tiếp cận với gói trợ cấp vay tín dụng của Chính phủ. Câu lạc bộ các Quỹ đầu tư chứng khoán ra mắt ngày 12/2 vừa qua có sự xuất hiện của nhiều quỹ mới, cho thấy thị trường vẫn còn tiền, nhưng chỉ chờ thời điểm thích hợp là các quỹ này đổ tiền vào. Chúng ta hy vọng rằng một số tin tức tốt lành hiếm hoi như vậy sẽ cổ vũ phần nào cho thị trường chứng khoán.

 Tâm lý lo ngại vẫn bao trùm

Thị trường chứng khoán tuần này dự báo không nhiều biến động do chưa có nhiều nhân tố mới xuất hiện. Với các thông tin cơ bản không mấy khả quan về nền kinh tế và tình hình kinh doanh của các doanh nghiệp, không thể kỳ vọng một sự tăng trưởng vững chắc của thị trường chứng khoán.

Nhiều chuyên gia nhắc đến những từ như “phá đáy mới” hay “tiếp tục suy giảm” khi mô tả thị trường chứng khoán trong thời gian trước mắt. Tâm lý lo ngại vẫn đang bao trùm lên thị trường, và khi tâm lý này chưa được cởi bỏ, khó có thể có một thị trường tăng trưởng trở lại.

Theo các chuyên gia, chính trong thời điểm thị trường ảm đạm như hiện tại, các cải cách của UBCK đối với thị trường là cần thiết và sẽ ít gây ảnh hưởng tới thị trường. Nhà đầu tư kỳ vọng trước hết những cải tiến về kỹ thuật trong giao dịch, như giảm thời gian T+4 hay tăng thời gian giao dịch trong ngày, giao dịch cùng loại cổ phiếu tron ngày… Sau giai đoạn khó khăn chắc chắn thị trường sẽ bùng nổ trở lại, khi đó chúng ta đã sẵn sàng có một thị trường giao dịch mới,  hiện đại và hiệu quả hơn.

  •  Trần Long

 

,
Ý kiến của bạn
Ý kiến bạn đọc
,
,
,
,