221
442
Kinh tế - Thị trường
kinhte
/kinhte/
1162742
Thiếu điện còn gay gắt do nhiều dự án chậm tiến độ
1
Article
null
Thiếu điện còn gay gắt do nhiều dự án chậm tiến độ
,

 - Hàng loạt công trình điện trong Quy hoạch điện 6 dự kiến bị chậm tiến độ từ 6 tháng tới 1 năm. Ước tính từ nay đến năm 2011, trung bình mỗi năm, Việt Nam sẽ bị hụt mất 22-31% công suất điện so với tổng công suất điện cần bổ sung.

Bộ Công Thương vừa có báo cáo về việc tình hình thực hiện các dự án điện trong Quy hoạch phát triển điện lực quốc gia giai đoạn 2006-2015, gọi tắt là Quy hoạch điện 6. Tình hình tiến độ các nguồn điện vẫn không "sáng sủa" hơn so với các lần rà soát trước.

Nhiều dự án, trong đó có cả dự án điện của LILAMA cũng bị chậm tiến độ. Ảnh: VNN

Mỗi năm hụt mất 22-31% công suất điện dự kiến

Năm nay, hệ thống điện quốc gia dự kiến sẽ có 15 công trình nguồn điện vào vận hành, bổ sung 3.393MW. Tuy nhiên, mới đầu năm, đã có 8 công trình bị chậm tiến độ, khiến cho nguồn điện quốc gia sẽ thiếu 966MW, chiếm tới 28% tổng công suất cần bổ sung.

Trong đó, nhà máy nhiệt điện Mạo Khê 1 (220MW) do  VINACOMIN làm chủ đầu tư dự kiến bị chậm tới 2 năm, phải chờ tới năm 2011 mới vận hành. Còn lại là các công trình thuỷ điện Bản Vẽ 2 (150MW), Thuỷ điện Buôn Tua Sah (86MW), Thuỷ điện Đồng Nai 3, 1&2 ( 180MW) đều do EVN làm chủ đầu tư, nhiệt điện Hải Phòng 2.1 (300MW) của nhà đầu tư Cty CP Nhiệt điện Hải Phòng, nhiệt điện Nông Sơn (30MWƯ) của VINACOMIN.

Tình trạng chậm tiến độ này sẽ kéo dài với cả các công trình điện được quy hoạch 6 "ấn định" vận hành vào năm 2010 và năm 2011.

Ngay bây giờ, Bộ Công Thương đã "trông thấy" chậm tới 2 năm là 2 công trình lớn gồm nhà máy nhiệt điện Vũng Áng 1.1 (600 MW) của chủ đầu tư LILAMA và nhiệt điện Mạo Khê 2 (220 MW) của VINACOMIN, đáng lẽ phải vận hành vào năm 2010 thì năm 1012 mới hoàn thành.

Ngoài ra, chủ đầu tư Tập đoàn dầu khí Việt Nam (PVN) cũng có công trình Tua bin khí hỗn hợp Nhơn Trạch 2 (750MW) cũng phải lùi tới năm 2011 mới đi hoạt động. Tuy chỉ có 3/17 công trình chậm tiến độ song đây đều là những nguồn điện có công suất lớn. Vì thế, năm 2010 cả nước sẽ bị thiếu mất 1.570MW, chiếm tới 31% tổng lượng điện cần bổ sung.

Vào năm 2011, theo Quy hoạch điện 6, cả nước sẽ được bổ sung thêm 5.401 MW điện từ 14 công trình điện. Tuy nhiên, kiểm tra của Bộ Công Thương đã cho thấy, nhà máy nhiệt điện Mông Dương 2.1 (600MW) và nhiệt điện Vũng áng 1 và 2 (600MW) sẽ phải lùi thêm khoảng 1 năm. Chỉ riêng việc không đảm bảo tiến độ của 2 công trình này đã làm hệ thống điện quôc gia năm 2011 thiếu mất 22% tổng công suất điện cần bổ sung.

Tương tự, năm 2012, chúng ta cần 6554MW bổ sung thì năm nay, đã nhìn thấy nhiệt điện than Trà Vinh (600MW)1.1, nhiệt điện Nghi Sơn 2.1 (600MW) cũng lùi 1 năm. Năm 2013, cả nước cần thêm 7.309 MW thì ở thời điểm này, đã thấy trước 1 nhiệt điện Nghi Sơn 2.2 (600MW) sẽ phải lùi 1 năm.

Còn "ăn đong"  trong nhiều năm nữa

Được biết, năm vừa qua, hàng loạt các công trình chậm tiến độ nhà máy Plei Krông, A Vương, Ba Hạ, Buôn Kuốp, Bản Vẽ, Đuôi hơi Nhơn Trạch 1 và Hải Phòng 1.1, hệ thống điện quốc gia đã bị chậm mất 1.415 MW trong tổng số 3.271MW cần bổ sung, thiếu tới 43% so với yêu cầu tiến độ quy định trong Quy hoạch điện 6.

Như vậy, việc chậm tiến độ dẫn tới thiếu điện đã được lường trước từ 3-4 năm. Điều đáng nói là qua nhiều kỳ họp về Quy hoạch điện 6, dường như vẫn chưa có được giải pháp nào mang tính đột phá để khắc phục "căn bệnh kinh niên" này của ngành điện. Tổng vốn đầu tư cho điện thường lớn nhất trong các ngành kinh tế. Chậm tiến độ công trình là sự lãng phí, làm giảm hiệu quả đầu tư.

Thứ trưởng Bộ Công Thương, ông Đỗ Hữu Hào bày tỏ, với tổng công suất đặt của hệ thống điện quốc gia hiện nay là 14.000-15.000MW, cả nước luôn trong tình trạng ăn đong, phát điện được bao nhiêu thì dùng bấy nhiêu. Trong khi đó, để đảm bảo an ninh năng lượng, hệ thống điện quốc gia phải có 20-30% công suất dự phòng, nghĩa là Việt Nam phải có ít nhất 4.000-5.000MW dự trữ. Nguồn dự trữ này sẽ đảm bảo khi có sự cố nguồn điện hay khi đến lịch sữa chữa, bảo dưỡng của một công trình điện thì tình hình điện sẽ không bị căng thẳng.

Những cảnh mất điện thế này chắc chắn còn tái diễn. Ảnh: VNN.

Ông Tạ Văn Hường, Vụ trưởng Vụ Năng lượng, Bộ Công Thương cho biết, về phía cơ quan Nhà nước, Bộ Công Thương đã thành lập Tổ công tác về các dự án điện dưới sự chỉ đạo trực tiếp của Bộ trưởng để kiểm tra đôn đốc các địa phương liên quan thực hiện các dự án điện.

Tại cuộc họp báo về giá điện hôm 17/2, Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải nhấn mạnh, tăng giá điện không làm tăng tốc độ đầu tư các ngành điện. Việc hình thành thị trường điện cạnh tranh chỉ là phương tiện để nhằm đảm bảo mục tiêu cung cấp đủ điện cho nền kinh tế xã hội. Do đó, tháng 5 tới, Chính phủ đã giao Bộ Kế hoạch và đầu tư phải trình dự thảo về Luật sửa đổi 8 Luật có liên quan đến đầu tư xây dựng cơ bản, cũng sẽ một phần tháo gỡ khó khăn về thủ tục hành chính cho các nhà đầu tư ngành điện.

Trong nhiều lý do thiếu điện, chậm tiến độ, Tập đoàn Điện lực Việt Nam thường lấy lý do là thiếu vốn. Nhưng ngoài lý do này, vấn đề cốt lõi còn lại phải là thủ tục hành chính và năng lực của chủ đầu tư cần được xem xét kỹ và có giải pháp hiệu quả hơn. Trước tình trạng ỳ ạch làm điện của các chủ đầu tư, không ai đảm bảo rằng, năm 2009 cả nước sẽ không chịu cảnh thiếu điện, cắt điện luân phiên và việc mất cân đối cung cầu của ngành điện hoàn toàn có thể xảy ra.

  •  Diệp Anh

 

,
Ý kiến của bạn
Ý kiến bạn đọc
,
,
,
,