- Đến thời điểm này, Nhà máy lọc hoá dầu Dung Quất đã vận hành an toàn. Những dòng xăng dầu đầu tiên cho đất nước mang thương hiệu Made in VietNam đã tuôn chảy từ nhà máy đưa về các kho chứa và xuất bán tiêu thụ trên thị trường nội địa, thoả lòng mong đợi của hàng triệu con tim Việt với bao năm khao khát đợi chờ…
Tối 22/2, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng ấn nút khai thông dòng sản phẩm thương mại đầu tiên của Nhà máy lọc dầu Dung Quất.
Tại buổi lễ, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đánh giá cao và nhiệt liệt biểu dương tập thể cán bộ, chuyên gia, kỹ sư, công nhân lao động trực tiếp trên công trường và Ban quản lý Dự án, các nhà thầu đã vượt qua rất nhiều khó khăn, thách thức, lao động vất vả, cật lực trong cả ngày đêm trong suốt hàng ngàn ngày qua để có dòng sản phẩm đầu tiên từ Nhà máy lọc dầu Dung Quất , niềm mong đợi của cả nước.
Ảnh trái: Nhà máy lọc dầu Dung Quất về đêm. Ảnh phải: Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng cắt băng tại lễ đón dòng đầu thương phẩm đầu tiên.
Thủ tướng nhấn mạnh, Nhà máy lọc dầu Dung Quất là một dấu ấn, một công trình trọng điểm quốc gia có ý nghĩa rất quan trọng về nhiều mặt cả về chính trị, kinh tế - xã hội, quốc phòng an ninh trong tiến trình phát triển, trong tiến trình CNH-HĐH của nước ta, của tỉnh Quảng Ngãi cũng như của cả khu vực miền Trung.
Chuyện người mở đường
Cả hơn tháng nay, thông tin nhà máy lọc hoá dầu Dung Quất vận hành đã được truyền đi trên các mạng truyền thông trong và ngoài nước. Hàng triệu con tim Việt Nam đang khao khát đợi chờ tin vui ngập tràn với những thông tin nóng được cập nhật và phát đi hàng giờ.
“Đến thời điểm này, việc vận hành nhà máy lọc hoá dầu đều đạt các thông số kỹ thuật an toàn. Dòng sản phẩm xăng dầu mang thương hiệu Việt Nam chính thức có mặt trên thị trường, phục vụ cho phát triển đất nước…” Phó tổng giám đốc kỹ thuật-phó trưởng ban chạy thử Nhà máy lọc dầu Dung Quất, Quảng Ngãi Nguyễn Hoài Giang chính thức thông báo với giới truyền thông vào chiều ngày 22/2.
Trong niềm vui vỡ oà, hàng vạn người dân Quảng Ngãi lòng rưng rưng nhớ đến nguyên Thủ tướng Võ Văn Kiệt, người được xem là đi tiên phong mở đường cho dòng dầu thương phẩm đầu tiên cho đất nước hôm nay.
Nhà máy lọc hoá dầu Dung Quất. (Ảnh: Phạm Ngọc Lâm) |
Chiều 22/2, trước khi đón dòng sản phẩm đầu tiên từ nhà máy lọc dầu Dung Quất UBND tỉnh Quảng Ngãi Ngãi tổ chức gắn biển đặt tên con đường dài 23 km từ ngã ba Bình Long (Bình Sơn) đến cảng Dung Quất là đường Võ Văn Kiệt, để ghi nhớ công lao to lớn của người đã trực tiếp đề xuất với Trung ương Đảng, Quốc hội, Chính phủ cho xây dựng NMLD Dung Quất và thành lập Khu Kinh tế Dung Quất.
Đồng thời chính thức công bố quy hoạch chi tiết và thiết kế khu đô thị mới Vạn Tường có diện tích 3.828 ha thuộc 5 xã ở phía Đông huyện Bình Sơn nằm trong Khu Kinh tế Dung Quất.
Ông Nguyễn Hoàng Sơn, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ngãi nhấn mạnh, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân Quảng Ngãi nói riêng và nhân dân khu vực miền Trung nói chung ghi nhớ công ơn của cố Thủ tướng Võ Văn Kiệt, người đầu tiên mở đường cho dòng dầu thương phẩm tuôn chảy hôm nay ở mãnh đất khó nghèo miền Trung.
Với sự kiện trọng đại này, sẽ là bước khởi đầu cho kinh tế khu vực phát triển hoà nhập cùng cả nước.
Người được nhắc thứ 2 là Tiến sĩ Trương Đình Hiển, người được giao chủ nhiệm đề tài khoa học nghiên cứu Dung Quất. Là tác giả của công trình nghiên cứu nước sâu và Khu công nghiệp Dung Quất. Trong niềm vui khi thấy vóc dáng cường tráng của đứa con tinh thần ngày càn phát triển, ông Hiển lòng rưng rưng và xin cho ông cái quyền được tri ân và biết ơn những người đi trước mở đường cùng nhân dân, đảng bộ và chính quyền Quảng Ngãi.
Dường như giữa giờ phút này, niềm vui chợt vỡ oà của hàng triêu con tim thao thức chờ đón mẻ dầu đầu tiên của đất nước đã khẳng định vị thế của Việt Nam trong thời hội nhập.
“Nếu không có quyết sách đúng đắng của Đảng, Quốc hội, Chính phủ. Đặc biết là gnười đứng đầu Chính phủ, nguyên cố Thủ tướng Võ Văn Kiệt, thì có lẽ phải chờ nhiều năm nữa mới có được ngày hôm nay…” Một người dân Quảng Ngãi nói.
Cho dòng dầu tuôn chảy
Dòng sản phẩm dầu hoả, xăng máy bay tại phân xưởng thứ 3 với công suất giai đoạn đầu hơn 60% so với công suất thiết kê 1.250 tấn/ngày cũng đã được chính thức cho ra sản phẩm đầu tiên.
Các loại sản phẩm gồm: xăng nguyên liệu (naptha), dầu hỏa, nhiên liệu diesel nhẹ (LGO), nhiên liệu diesel nặng (HLO), cặn nguyên liệu cho phân xưởng Cracking xúc tác (Residue) từ các phân xưởng công nghệ được bơm sang khu bể chứa trung gian với công suất từ 60-300m3/giờ để tiếp tục pha trộn, chế biến cho ra sản phẩm xăng dầu thương phẩm đang được vận hành liên tục trong những ngày qua.
Mẻ sản phẩm dầu đầu tiên ra lò mang thương hiệu “made in Viet Nam” tại Nhà máy lọc dầu Dung Quất đã được xuất qua 20 xe bồn để đưa ra thị trường tiêu thụ vào chiều 20-2.
Ông Nguyễn Việt Thắng, Phó Tổng Giám đốc Công ty TNHH Lọc hóa dầu Bình Sơn (đơn vị quản lý và vận hành NMLD Dung Quất), cho biết: Với công suất 6,5 triệu tấn/năm, tương đương 148.000 thùng/ngày, khi vận hành công suất ở mức 100% dự kiến vào đầu tháng 8-2009, bình quân mỗi tháng NMLD Dung Quất sẽ sản xuất gần 150.000 tấn xăng, 240.000 tấn dầu diesel, khoảng 23.000 tấn LPG và các sản phẩm khác như propylene (trên 8.000 tấn), xăng máy bay Jet-A1 (khoảng 30.000 tấn) và dầu F.O (khoảng 25.000 tấn).
Một góc khu chứa sản phẩm của nhà máy. |
Sản lượng xăng dầu sản xuất tại NMLD Dung Quất sẽ đáp ứng khoảng 30% nhu cầu sử dụng xăng dầu trong nước. Giai đoạn 1, nhà máy sử dụng 100% dầu thô từ mỏ Bạch Hổ để chế biến. Giai đoạn 2, chế biến dầu thô hỗn hợp (85% dầu thô Bạch Hổ, 15% dầu chua nhập từ Dubai).
Sản phẩm sản xuất từ nhà máy lọc dầu Dung Quất đầu tiên như các sản phẩm như khí đốt, dầu diesel, dầu hỏa, xăng A90, A92, A95...
Ông Trương Văn Tuyến, Phó Tổng Giám đốc Tập đoàn Dầu khí quốc gia Việt Nam, Trưởng Ban Quản lý dự án NMLD Dung Quất, cho biết: hơn 1.300 ngày đêm vát vả đã trôi qua, với hơn 12.000 cán bộ, kỹ sư, công nhan làm việc miệt mài trên công trường. Trong đó có gần 500 chuyên gia nước ngoài tham gia thi công, giám sát.
Tổng Công ty Lắp máy Việt Nam (Lilama) là đơn vị có một đội ngũ kỹ sư, công nhân lành nghề tham gia thi công trên công trường nhiều nhất, có lúc đơn vị này đã huy động 15 công ty thành viên với hơn 7.000 kỹ sư, công nhân tham gia.
Khối lượng xây dựng NMLD Dung Quất được tổng nhà thầu Technip cho biết con số thống kê kinh ngạc chưa từng có ở Việt Nam: "Tổng số tài liệu thiết kế và sổ tay vận hành chất đầy khoảng 100 xe tải nặng. Diện tích các gói thầu chính xấp xỉ 600 hecta, tương đương với 1.200 sân bóng đá. Hơn 150.000 tấn vật tư, thiết bị. Trên 5 triệu mét dây cáp điện, đủ để căng 2 lần từ Hà Nội đến TP.HCM. Gần 17.000 tấn thép các loại đủ để xây dựng 2 tháp Eiffel - Paris...".
Một khối lượng công việc đồ sộ đã được hoàn thành để cho dòng xăng dầu thương phẩm đầu tiên của đất nước tuôn chảy là cả một hành trình gian nan như để thử lòng người đất Việt, và họ đã chiến thắng…
Dự án Nhà máy lọc dầu số 1 Dung Quất. do Tổng công ty Dầu khí Việt Nam làm chủ đầu tư. Quản lý dự án: Thuê tư vấn nước ngoài quản lý dự án theo hình thức PMC (Project Management Consultant); Các Nhà thầu theo hình thức EPC (Engineering-Procurement-Construction). Hình thức đầu tư: Dự án được thực hiện theo hình thức Việt Nam tự đầu tư. Địa điểm xây dựng: Tại Khu kinh tế Dung Quất, tỉnh Quảng Ngãi.
Diện tích chiếm đất: Nhà máy chính : 110 ha. Khu bể chứa dầu thô : 42 ha. Khu bể chứa sản phẩm : 40 ha. Tuyến ống lấy nước biển và xả nước thải : 4 ha. Hành lang an toàn cho tuyến ống dẫn sản phẩm : 40 ha. Cảng xuất sản phẩm : 135 ha (đất và mặt biển).
Hệ thống phao rót dầu không bến (SPM), đường ống ngầm dưới biển và khu vực vòng quay tàu: 336 ha (mặt biển). Công suất thiết kế: 6,5 triệu tấn dầu thô/năm (tương đương 130.000 thùng/ngày). Nguồn cung cấp dầu thô: Chủ yếu là dầu thô Bạch Hổ (dầu ngọt) của Việt Nam. Sản phẩm: Chủng loại sản phẩm: Propylen, khí hóa lỏng (LPG), xăng ôtô không pha chì, nhiên liệu phản lực, dầu hỏa dân dụng, diesel động cơ, diesel công nghiệp, nhiên liệu F.O. Sản phẩm của nhà máy được ưu tiên sử dụng tối đa cho nhu cầu của thị trường trong nước theo giá bán buôn cạnh tranh. Phần sản phẩm dư thừa so với nhu cầu của thị trường trong nước sẽ được xuất khẩu.
Chất lượng sản phẩm: Đối với các sản phẩm tiêu thụ trong nước tuân theo các tiêu chuẩn chất lượng sản phẩm của Việt Nam. Đối với các sản phẩm xuất khẩu phải đáp ứng các yêu cầu chất lượng xuất khẩu. Các hạng mục phụ trợ của nhà máy: Nhà máy được thiết kế có đủ các hạng mục phụ trợ: khu bể chứa dầu thô, khu bể chứa sản phẩm, hệ thống đường ống dẫn dầu thô và sản phẩm, nhà máy điện 60 MW, hệ thống cấp hơi, hệ thống xử lý nước thải, hệ thống cấp khí trơ, hệ thống nhiên liệu, hệ thống đốt đuốc, hệ thống thông tin, tín hiệu, nhà xưởng... Các hạng mục phụ trợ được thiết kế với độ tin cậy cao, đảm bảo hoạt động an toàn và hiệu quả.
Các công trình biển: Hệ thống phao rót dầu không bến nhập dầu thô bố trí tại Vịnh Việt Thanh được thiết kế để tiếp nhận tầu dầu có trọng tải từ 80.000 đến 110.000 DWT. Cảng kín xuất sản phẩm bố trí tại Vịnh Dung Quất, gồm 6 bến: 2 bến cho tầu có trọng tải 20.000 đến 25.000 DWT dùng để xuất xăng và diesel (khi thiết kế, xây dựng có tính đến điều kiện dự phòng để có thể mở rộng tiếp nhận tàu 50.000 DWT khi cần thiết). 4 bến cho tầu có trọng tải từ 3.000 đến 5.000 DWT dùng để xuất xăng, diesel, nhiên liệu phản lực, khí hóa lỏng và dầu F.O (khi thiết kế, xây dựng có tính đến điều kiện dự phòng để có thể mở rộng tiếp nhận tàu 30.000 DWT). Cảng kín xuất sản phẩm được thiết kế có đê chắn sóng (kết cấu đê: dài 1.600m, cao 27m, rộng 15m) để đảm bảo hoạt động 365/365 ngày. Bến số 1 cho tàu 10.000 DWT phục vụ cho giai đoạn xây dựng và phục vụ cho công tác bảo dưỡng tàu dầu sau này. Tổng mức đầu tư: 40.000 tỉ đồng, gồm vốn trong nước, các khoản vay nước ngoài, lãi vay trong thời gian xây dựng, phí thu xếp tài chính (không bao gồm vốn đầu tư cho các công trình cơ sở hạ tầng ngoài hàng rào). |
- Hoàng Anh