- Tâm lý lo lắng sự bất ổn của các nền kinh tế lớn trên thế giới sẽ ảnh hưởng tới hoạt động kinh doanh của các doanh nghiệp trong nước đã khiến các nhà đầu tư đẩy mạnh bán ra cổ phiếu. Trong khi đó, những người có ý định mua vào để bắt đáy cũng trì hoãn quyết định đầu tư. Chỉ số VN-Index sáng 6/3 quay đầu giảm điểm nhẹ. Thị trường ảm đạm với giá trị giao dịch chỉ đạt 120 tỷ đồng.
Đa số các cổ phiếu blue-chips đứng giá sáng 6/3. (Ảnh: LAD)
Kết thúc phiên giao dịch sáng 6/3, chỉ số VN-Index của Sở GDCK TP.HCM (HOSE) giảm 0,98 điểm (0,4%) xuống 245,7 điểm.
Trong phiên giao dịch sáng nay, trong tổng số 174 mã cổ phiếu và 4 chứng chỉ quỹ niêm yết trên HOSE có 64 mã tăng giá (20 mã tăng trần), 68 mã giảm giá (11 giảm sàn), 44 mã đứng giá và 2 mã không có giao dịch (NSC của Giống cây trồng TW và SGH của Khách sạn Sài Gòn).
Tổng khối lượng giao dịch của cổ phiếu và chứng chỉ quỹ thông qua khớp lệnh thành công sáng 6/3 đạt 7,3 triệu đơn vị, trị giá 121,9 tỷ đồng (phiên liền trước là 8,6 triệu đơn vị và 155,1 tỷ đồng).
Ngay trước khi mở cửa phiên giao dịch sáng nay, hầu hết các nhà đầu tư đã đón nhận một loạt các tin xấu đến từ các nền kinh tế và thị trường chứng khoán lớn trên thế giới.
Sau một phiên phục hồi, đêm qua (giờ Việt Nam), thị trường chứng khoán Mỹ lại chứng kiến một phiên sụt giảm kinh hoàng, kéo các chỉ số chứng khoán chính của thị trường này xuống mức thấp nhất kể từ năm 1996. Chỉ số công nghiệp Dow Jones giảm gân 4,1% xuống dưới 6.600 điểm. Đây là kết quả của sự bất ổn trong hệ thống tài chính và một số ngành chủ chốt như ô tô của Mỹ.
Tại các thị trường khác như châu Âu (chiều qua) và châu Á (đầu giờ sáng nay), các chỉ số chứng khoán chính đều mất điểm nặng nề từ 3-5%. Hiện tại, các nhà đầu tư đang lo lắng các doanh nghiệp phụ trợ của Nhật sẽ phá sản hàng loạt nếu đại ngành công nghiệp ô tô nước này không được chính phủ trợ cứu.
Theo các chuyên gia, suy giảm và suy thoái kinh tế toàn cầu dường như chưa thực sự chạm đáy.
Trong nước, cho dù các cổ phiếu đã giảm giá quá nhiều nhưng sức mua vào chưa thực sự mạnh, đặc biệt sức mua của khối các nhà tạo lập thị trường như khối nhà đầu tư ngoại, các công ty chứng khoán, các quỹ đầu tư, các ngân hàng, các doanh nghiệp… rất yếu.
Thống kê cho thấy, khối các nhà đầu tư ngoại vẫn bán ròng trong cả nửa tháng qua. Trong khi đó, các công ty chứng khoán thì hầu hết đang ở trong tình trạng rất khó khăn.
Hiện tại, dường như lực mua vào chủ yếu đến từ các nhà đầu tư cá nhân.
Khá nhiều nhà đầu tư cá nhân có kinh nghiệm cho biết trong bối cảnh có ít kênh đầu tư hấp dẫn thì chứng khoán vẫn là một lựa chọn tốt. Tuy nhiên, những nhà đầu tư này đang chờ đợi thị trường có tín hiệu hồi phục rõ ràng hơn.
Trở lại diễn biến giao dịch sáng nay, trong các cổ phiếu có vốn hoá lớn nhất thị trường, hầu hết đứng giá.
Các mã giảm nhẹ bao gồm: PVF của Tài chính Dầu khí, STB của Sacombank, VIC của Vincom và VPL của Du lịch Thương mại Vinpearl.
Cổ phiếu FPT của Tập đoàn FPT tăng giá nhẹ 200 đồng lên 43.200 đồng/cp.
Về khối lượng giao dịch, dẫn đầu là STB của Sacombank với 0,94 triệu đơn vị. PVT của PV Trans theo sau với 0,5 triệu. SSI của Chứng khoán Sài Gòn đứng ở vị trí thứ 3 với 0,36 triệu. TAC của Dầu thực vật Tường An và ITA của Itaco đứng ở các vị trí tiếp theo với 0,27 và 0,25 triệu đơn vị.
Trên Sàn chứng khoán Hà Nội, chỉ số HASTC-Index cũng quay đầu giảm điểm trong phiên cuối cùng trước khi kỷ niệm 4 năm đi vào hoạt động (8/3/2005).
Cụ thể, chỉ số HASTC-Index giảm 0,18 điểm (0,21%) xuống 84,59 điểm.
Tổng khối lượng giao dịch thành công trên sàn Hà Nội sáng 6/3 đạt 4,4 triệu đơn vị, trị giá 79,7 tỷ đồng, phiên trước là 4,9 triệu đơn vị và 91,4 tỷ đồng.
-
Hà Linh