- Lâu nay, doanh nghiệp Việt Nam thường chú trọng phát triển thị trường xuất khẩu mà bỏ quên thị trường nội địa, một thị trường đầy tiềm năng nhưng chưa được mở rộng và khai thác. Đó là nhận định chung của các DN, cơ quan quản lý tại hội thảo “Chiếm lĩnh thị trường nội địa” do báo Vietnam Economy tổ chức tại TP.HCM sáng 11/3.
Hãng tư vấn A. T Kearney đánh giá, năm 2008, Việt Nam đã vượt qua Trung Quốc và Ấn Độ để trở thành thị trường bán lẻ hấp dẫn nhất thế giới do GDP tăng liên tục trong nhiều năm, dân số trên 86 triệu người và phần lớn là sinh sau 1975, và thị trường nội địa đã mở cửa cho nhà đầu tư nước ngoài.
Lâu nay mải miết chạy theo xuất khẩu, các DN đã bỏ quên một thị trường rất lớn trong nước. Ảnh: Đặng Vỹ |
Mảnh đất màu mỡ bị bỏ quên
Theo số liệu của Hội đồng tư vấn tiền tệ Quốc gia, trong 10 năm qua, tốc độ tăng trung bình của tổng mức lưu chuyển bán lẻ hàng hóa và dịch vụ trên thị trường nội địa khoảng 23%. Những năm gần đây, xu hướng này tăng cao hơn. Năm 2008, dù lạm phát cao nhưng tốc độ tăng doanh số bán lẻ và tiêu dùng dịch vụ tăng đến 35% và có giá trị là 58 tỷ USD. Riêng hai tháng đầu năm 2009, doanh thu bán lẻ và dịch vụ tăng 20,6%, cao hơn rất nhiều so với tăng trưởng kinh tế.
Thị trường nội địa là nơi các doanh nghiệp Việt Nam có nhiều ưu thế hơn so với doanh nghiệp nước ngoài. Tại hội thảo “Chiếm lĩnh thị trường nội địa” sáng 11/3, ông Trương Đình Tuyển, nguyên Bộ trưởng Bộ Thương mại (nay là Bộ Công Thương) liệt kê 3 ưu thế lớn của DN Việt Nam, đó là: am hiểu văn hóa tiêu dùng của người Việt; có thể lựa chọn nhiều phương thức tổ chức thị trường phù hợp với khả năng và lợi thế của doanh nghiệp (trung tâm thương mại, siêu thị, chợ…); dễ dàng thiết lập mối liên kết giữa doanh nghiệp sản xuất và doanh nghiệp phân phối với nhau. Nhờ đó, các DN có thể hình thành kênh lưu thông ổn định, tạo ra sức mạnh thị trường.
Cũng theo ông Tuyển, với thị trường nội địa, doanh nghiệp Việt Nam ít bị phụ thuộc vào biến động của thị trường thế giới. Thị trường nội địa sẽ là nơi để doanh nghiệp “tập dượt” trong cạnh tranh, là điểm tựa để vươn ra thị trường thế giới. Vì muốn cạnh tranh được trên thị trường quốc tế, trước hết phải cạnh tranh được trên thị trường nội địa.
Để khơi trở lại thị trường nội địa, rất cần sự tiếp sức của Nhà nước và ủng hộ từ người tiêu dùng. Ảnh: Đặng Vỹ |
Cần Nhà nước tiếp sức
Theo kết quả của cuộc khảo sát trực tuyến trên báo điện tử VnEconomy tháng 2/2009, có tới 25% doanh nghiệp lo ngại nguy cơ phá sản trong năm nay, 30% cho rằng sẽ gặp những khó khăn lớn song vẫn hy vọng là có thể vượt qua. Chỉ 15% doanh nghiệp khẳng định vẫn có khả năng phát triển tốt.
Tuy vậy, các doanh nghiệp vẫn không mấy mặn mà với việc phát triển thị trường nội địa, đặc biệt là khu vực nông thôn. Thay vì sản xuất, kinh doanh các mặt hàng phục vụ nội địa, doanh nghiệp thường chọn xuất khẩu vì vừa có lãi nhanh, lại ít phải bỏ ra các khoản chi phí theo quy định của Nhà nước.
Từ góc độ doanh nghiệp xuất khẩu gạo, Thứ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Thành Biên, nhận định rằng các nhà xuất khẩu không bán trong thị trường nội địa vì họ không đủ sức cạnh tranh. Họ phải chịu 5% thuế GTGT, trong khi các tư thương ở chợ hoàn toàn không mất các chi phí này. Do đó, hoạt động sản xuất kinh doanh giảm, lợi nhuận thu về không bao nhiêu.
Khó khăn mà doanh nghiệp gặp phải khi chọn phân khúc thị trường nội địa là do tâm lý sính ngoại của người tiêu dùng Việt. Quan trọng hơn là Chính phủ chưa chú trọng phát triển thị trường nội địa do sức ép của xuất khẩu để thu ngoại tệ. Chính bản thân doanh nghiệp cũng chưa nhận thức được vai trò cơ sở của thị trường nội địa. Doanh nghiệp đang kinh doanh theo kiểu cơ hội, ăn sẵn, thiếu một chiến lược và tư duy tổ chức kinh doanh. Vì vậy, hiện nay thị trường nông thôn - một phân khúc đầy tiềm năng gần như bị “bỏ hoang”, việc phân phối hàng hóa ở đây còn hết sức sơ khai.
Theo ý kiến của các tham luận tại hội thảo, để chiếm lĩnh thị trường nội địa, cần có sự kết hợp giữa Nhà nước, doanh nghiệp và người tiêu dùng. Đặc biệt là vai trò của Nhà nước trong việc xây dựng cơ sở hạ tầng thương mại, chính sách kích cầu, hỗ trợ tài chính cho doanh nghiệp đầu tư hệ thống cơ sở hạ tầng này. Đồng thời có chính sách ủng hộ nông dân và người có thu nhập thấp mua tư liệu sản xuất, hàng tiêu dùng của nội địa.
Người Việt dùng hàng Việt là chiến lược truyền thông mà theo ông Tuyển, cần phải có sự tham gia của Nhà nước, doanh nghiệp, người tiêu dùng, các cơ quan thông tấn báo chí, nhằm thúc đẩy hoạt động sản xuất kinh doanh trong nước, tạo công ăn việc làm cho người lao động. Ông Võ Văn Quyền - Vụ phó vụ Thị trường trong nước, ông Đặng Lê Nguyên Vũ - TGĐ Công ty Cà phê Trung Nguyên cũng cho rằng, muốn phát triển được thị trường trong nước, phải hiểu được người tiêu dùng. Nhờ người tiêu dùng Việt ủng hộ hàng hóa, dịch vụ Việt thì các hoạt động sản xuất kinh doanh mới duy trì và hiệu quả được.
-
Việt Hoa