221
442
Kinh tế - Thị trường
kinhte
/kinhte/
1176702
Vay vốn hỗ trợ lãi suất: Đảo nợ, nên hay không?
1
Article
null
Vay vốn hỗ trợ lãi suất: Đảo nợ, nên hay không?
,

 - Ngân hàng Nhà nước (NHNN) quy định, đối với khoản vốn cho vay hỗ trợ lãi suất, DN không được vay để trả nợ cũ. Điều này đã gây ra khó khăn cho DN khi tiếp cận vốn vì rất nhiều DN hiện có khoản vay cũ lãi suất cao chưa thể trả được thì khó vay vốn mới. Ngược lại, ngân hàng cũng có cái khó vì tình trạng đảo nợ vẫn có thể xảy ra mà việc kiểm soát hết là không dễ.

Đảo nợ, thực tế có hay không?

Chưa có bất cứ một thừa nhận chính thức nào về việc đảo nợ. Các ngân hàng hiện cũng rất ngại khi nói về điều này, bởi đây là chuyện cấm không chỉ đối với chính sách vay vốn hỗ trợ lãi mà ngay cả trong cho vay thông thường cũng rất hạn chế. 

Vì thế, chuyện đảo nợ đã được nói nhiều nhưng chỉ đến khi ông Trương Đình Tuyển, thành viên Hội đồng Tư vấn chính sách tiền tệ quốc gia, phát biểu tại buổi gặp DN xuất khẩu gần đây, thì mới phần nào được nói đến công khai.

Đảo nợ - có nhiều cách mà ngân hàng có thể không nắm được? (Ảnh: VNN)

Theo ông Tuyển, yêu cầu đảo nợ là một thực tế vì ông cũng đã nghe một số DN tại Hà Nội phản ánh về vấn đề này. Trên thực tế, hoạt động này cũng đang âm thầm diễn ra bằng nhiều kiểu, nhiều cách. 

Do vậy, ông Tuyển đặt vấn đề có nên cho DN vay món tiền mới trả nợ tiền cũ để tiếp tục hay không? Và nếu được thì nên công khai việc này để tránh phát sinh tiêu cực. "Sẽ kiến nghị Thủ tướng về tình hình nhiều doanh nghiệp muốn hưởng bù lãi suất cho vay để giải quyết nợ cũ", ông Tuyển nói.

Thực tế, dù không được vay để đảo nợ nhưng chuyện các DN tìm mọi cách để trả nợ sớm rồi vay các khoản nợ mới theo hỗ trợ lãi suất cũng đã diễn ra. Ngân hàng ACB cho biết, các DN đã được vay vốn hỗ trợ lãi suất để kinh doanh và tái mở rộng sau khi tìm cách trả nợ cũ cho NH. Ngân hàng này cũng không thu phí phạt đối với các DN tất toán trước hạn.

Giám đốc một DN thừa nhận, trong những tháng giữa năm 2008, dù lãi suất ngân hàng tăng cao, nhưng để đáp ứng được vốn lưu động phục vụ cho sản xuất, kinh doanh, DN vẫn phải tìm đến với lãi suất cao, có khi đến 21%. Đây đa số là các hợp đồng ngắn hạn nên thời gian còn lại không nhiều.

Trong khi đó, lãi suất vay hiện cao nhất 10,5%/năm nhưng với chính sách ưu đãi, lãi suất sau hỗ trợ áp dụng cho DN xuất khẩu mức thấp nhất còn 0,5-1%/năm thì đúng là nợ vẫn là một gánh nặng cho DN trong tình hình hiện nay.

TIN LIÊN QUAN
Chính vì thế, tâm lý chung của DN là không thể không tìm cơ hội để tất toán nợ cũ cho ngân hàng (NH) để vay lại vốn mới hưởng lãi suất rẻ hơn. Về nguyên tắc, nếu có nợ cũ vẫn có thể vay nếu có tài sản thế chấp và bảo lãnh.

Tuy nhiên, đa số các DN khó khăn nên tài sản thường dồn hết cho các hợp đồng vay cũ nên không có tài sản thế chấp, còn bảo lãnh thì điều kiện quá khó nên vay vốn mới là chuyện khó cho nhiều DN. Cách duy nhất là tìm mọi biện pháp để trả nợ cũ trước hạn để vay nợ mới.

Giám đốc một ngân hàng thương mại cũng cho biết, chắc chắn không có một ngân hàng nào chấp nhận cho DN vay để đảo nợ. Tuy nhiên, DN sẽ bằng nhiều cách để trả nợ cũ, thậm chí có thể dùng chính khoản vay của các ngân hàng thông qua nhiều cách để trả nợ cũ, rút tài sản đang thế chấp sang vay khoản mới.

Đấy là điều các ngân hàng không thể kiểm soát được, còn DN để đáp ứng đủ các yêu cầu vay vốn hỗ trợ lãi suất cũng tốn kém thêm nhiều khoản vì phải chi phí lòng vòng để trả nợ sớm. Không loại trừ việc vay tín dụng "đen" hay qua nhiều công đoạn khác để giải ngân vốn được vay mới nhằm lấy tiền trả nợ trước thời hạn.

Vị giám đốc ngân hàng này nói thêm, cho vay lãi suất cao hiện không còn nhiều, hợp đồng còn lại thời gian cũng ngắn nên tâm lý chung của các ngân hàng cũng không ngại các DN thanh toán sớm. Vì DN nào thanh toán được sớm chứng tỏ vẫn còn khả năng xoay xở làm ăn, NH dù có mất tý lãi nhưng lại bớt một nỗi lo nợ xấu và được tiếng với bạn hàng. Nguyên tắc là không đảo nợ và ngân hàng cũng không quan tâm đến chuyện DN lấy vốn đâu để trả mà chỉ cần trả được nợ và vay vốn mới đúng quy trình.

Còn phải chờ...

Trả lời về thắc mắc của những DN, quan điểm của Ngân hàng Nhà nước vẫn cho rằng, cho vay bù lãi suất không đồng nghĩa với nới rộng điều kiện cho vay. Vì nếu nới lỏng lãi suất khoản vay sẽ không hiệu quả, sản phẩm không ra được thị trường, đồng thời đẩy áp lực lạm phát tăng lên. Khi xét duyệt, ngân hàng vẫn xét duyệt và thực hiện như cơ chế thông thường, chỉ khác doanh nghiệp được bù 4%/năm lãi suất. Đại diện Ngân hàng Nhà nước khẳng định không có chuyện ngân hàng và doanh nghiệp dựa trên quan hệ quen biết tiêu cực và chuyện đảo nợ là không thể có.

Tuy nhiên, trong một lần tiếp xúc với giới doanh nhân mới đây, một đại diện từ phía Bộ Kế hoạch - Đầu tư, nơi đầu mối nắm giữ số liệu về DNNVV lại bày tỏ quan điểm, chương trình cho vay hỗ trợ lãi suất có thể nên chấp thuận cho vay đảo nợ vì thực tế là nhiều doanh nghiệp có dự án thực thi nhưng không vay được vì không trả được nợ cũ. 

Vì vậy cho phép vay đảo nợ thì doanh nghiệp mới tiếp cận được vốn mới. Tuy nói dưới góc độ cá nhân nhưng chuyên gia này vẫn cho biết, đây sẽ là một đề xuất để Chính phủ xem xét.

Cần thêm nhiều phương án để đưa vốn giá rẻ đến với DN khó khăn. (Ảnh: VNN)

Trong khi đó, rất nhiều lãnh đạo các ngân hàng thương mại cho biết, để được cho phép đảo nợ sẽ phải giải quyết nhiều vấn đề về quy định tín dụng chung và chương trình hỗ trợ lãi suất nói riêng.

Đảo nợ vốn là một vấn đề được đề cập dưới góc độ không mấy thiện cảm và lành mạnh trong kinh doanh tín dụng, điều này càng nhạy cảm hơn khi nó lại rơi vào một chương trình hỗ trợ mà nguyên tắc đã được Ngân hàng Nhà nước nhắc đi nhắc lại: Cho vay thông thường, không phải là ưu đãi điều kiện cho vay mà chỉ ưu đãi lãi suất. Vì thế, sẽ còn phải tranh cãi và có thể phải chờ ý kiến từ Chính phủ mới có thể gỡ được chuyện này.

Tuy nhiên, xét từ góc độ lợi ích của chương trình là: hỗ trợ vốn giá rẻ cho DN, tạo điều kiện ngân hàng giải ngân thì việc cho phép đảo nợ cũng chấp nhận được vì cuối cùng DN vẫn được hưởng hỗ trợ.

Trong khi chờ đợi một quyết định mới, một số chuyên gia cho rằng, thời gian hưởng hỗ trợ lãi suất là rất ngắn, nên phải có những phương án khác thực tế hơn. Theo đó, căn cứ trên nhu cầu thực tế và tham khảo đề xuất của các tổ chức tín dụng, bên cạnh việc cho vay các khoản mới theo quy định thì có thể cho phép các khoản nợ cũ của các DN thuộc diện được hỗ trợ cũng được hỗ trợ lãi suất. Như vậy, sẽ tránh được tình trạng cho vay đảo nợ và đỡ nảy sinh tiêu cực.

Trong khi đó, có ý kiến cho rằng, xử lý những khoản nợ cũ mà khách hàng gặp khó khăn trong trả nợ các ngân hàng đã xử lý nhiều như việc xử lý nợ cho nông dân gặp thiên tai... là kinh nghiệm có thể tham khảo.

  • Phước Hà
,
Ý kiến của bạn
Ý kiến bạn đọc
,
,
,
,