- Thị trường co lại. Những đơn hàng chật vật kiếm được cũng chỉ đủ để doanh nghiệp (DN) hoà vốn. Cơn bĩ cực của nền kinh tế đã ngấm sâu trong các nhà xưởng, trong những hợp đồng xuất khẩu và trong doanh thu đang ngày một "khiêm tốn" của các DN.
Đìu hiu nhà xưởng
Khu Công nghiệp (KCN) Đài Tư tại quận Long Biên, Hà Nội từ sau Tết Âm lịch đã bớt sôi động hơn so với trong năm 2008. Anh Nam, cán bộ của Tập đoàn đầu tư phát triển nhà, đơn vị quản lý hạ tầng KCN này kể: Trung bình mỗi tháng, ít nhất cũng có 15-20 xe container xuất- nhập hàng vào ra KCN nhưng đến giờ, số lượng xe hàng ít hẳn, chỉ được 5-10 xe/tháng. Nhịp độ sản xuất kinh doanh của nhiều DN đã chậm lại.
Tuy là ngày giữa tuần song nhà máy thép Chương Dương nằm trong KCN này im lìm, vắng vẻ. Trong nhà xưởng, trơ trọi cỗ máy gia công thép và hơn chục cuộn thép lớn đang nằm chờ. Phía ngoài sân, đường ray chạy cần cầu cũng trở nên han rỉ vì lâu không có hàng hoá thép cần xuất nhập vào ra nhà máy. Đại diện Công ty thép này cho biết, công ty đang ít việc vì khó khăn đầu ra. Cả nhà máy chỉ có 4-5 công nhân đang làm việc. Theo tìm hiểu của phóng viên, nhà máy này đang hoạt động cầm chừng.
Ngay gần nhà máy thép Chương Dương là nhà máy chế xuất đồ gỗ Figra, 100% vốn đầu tư của Nhật Bản. Cổng bảo vệ không có người trực. Cửa nhà xưởng thì khoá kín. Biển đề tên công ty đã được tháo ra. Anh Nam cho biết, DN này đã quyết định đóng cửa, rút về nước. Những thủ tục cuối cùng thanh lý hợp đồng thuê nhà xưởng đang được hoàn tất.
Figra đến KCN này đã được 4 năm, hoạt động theo hình thức tạm nhập tái xuất. Sản phẩm là những bộ bàn ghế xuất khẩu 100% sang Nhật Bản. Cơn suy thoái kinh tế toàn cầu đã khiến cho DN này không ký được hợp đồng nào cho năm 2009, trong khi tiền nợ thuê mặt bằng, nhà xưởng cứ gối đầu nhau tháng sau cộng dồn tháng trước. Đây cũng là DN đầu tiên trong KCN Đài Tư buộc phải giải thể do khủng hoảng.
Sản xuất ngưng trệ
Bức tranh ảm đạm trên diễn ra còn sâu sắc hơn ở nhiều KCN khác trên địa bàn Hà Nội. Ông Nguyễn Văn Chính, Giám đốc Ban Quản lý KCN và chế xuất Hà Nội khẳng định, một loạt những dây chuyền sản xuất linh kiện điện tử, máy tính… trong những nhà máy lớn như Canon, Panasonic… đều phải dừng hoạt động vì thiếu đơn hàng. Trong lúc này, chỉ những dây chuyền sản xuất đồ gia dụng mới hoạt động bình thường. Kế hoạch sản xuất của những DN thương hiệu lớn này được phân bổ từ Công ty mẹ đều ít đi và mang tính ngắn hạn.
Hơn 200 doanh nghiệp dự kiến mở rộng sản xuất hoặc đưa nhà máy mới vào hoạt động trong năm nay tại các KCN đã phải đình hoãn lại. Trong số đó, khoảng 100 nhà máy đã xây dựng xong nhà xưởng, lắp đặt dây chuyền nhưng vì không có đơn hàng nên đành nằm không hoặc chỉ chạy sản xuất thử.
Các DN đang phải chịu ứ đọng vốn đầu tư rất nhiều mà chưa thể hoạt động sinh lời. Không chỉ thiệt hại cho DN mà cơ hội việc làm cho người lao động cũng bị giảm bớt. Theo ông Nguyễn Văn Chính, Công ty Meiko của Nhật Bản đã dự kiến sẽ lấy 2.000 công nhân cho nhà máy mới nhưng rốt cục, công ty này buộc phải giảm kế hoạch xuống 1 nửa so với dự kiến ban đầu.
Sụt giảm doanh thu
Với Công ty Hoya Glass Disk Việt Nam tại KCN Thăng Long, tình hình xuất khẩu tháng sau chỉ bằng 1 nửa của tháng trước. Tháng 2 vừa qua, DN chỉ xuất khẩu được 6,11 triệu USD, giảm gần 39% so với con số 9,92 triệu USD tháng 1. Kim ngạch xuất khẩu tháng 1 này cũng giảm mạnh tới 48% so với kết quả đạt 18,81 triệu USD của tháng 12/2008.
Công ty Canon tại 3 KCN Thăng Long, Quế Võ, Tiên Sơn xuất khẩu đạt 49,9 triệu USD tháng 1, giảm tới 23% so với 64,7 triệu USD đạt được trong tháng 12/2008. Trong đó, Canon tại KCN Quế Võ xuất khẩu giảm mạnh nhất, tháng 1 chỉ đạt 10,7 triệu USD, bằng 42% so với tháng 12/2008 là 25,3 triệu USD.
Theo đánh giá của ông Chính, những DN FDI xuất khẩu 100% và là một mắt xích trong chuỗi sản xuất của các công ty đa quốc gia chịu tác động khủng hoảng nặng nề nhất. Bài toán đơn hàng của các công ty này phụ thuộc phần lớn từ phía công ty mẹ ở nước ngoài. Chỉ khi các công ty mẹ tại Nhật khỏe mạnh thì mới mong các công ty con tại Việt Nam hồi phục. Tuy nhiên, với 400 DN nằm trong KCN nhưng chiếm tới 40% kim ngạch xuất khẩu của Hà Nội thì chắc chắn, sự suy giảm của những DN lớn này sẽ ảnh hưởng ngay tới kết qủa kinh tế của địa bàn.
Những DN xuất khẩu của Việt Nam phải tự vật lộn với bài toán hóc búa này. Công ty giày Thượng Đình, thương hiệu cũng khá nổi bật trong cả thị trường nội địa và xuất khẩu không nằm ngoài lệ. Mấy tháng nay, lãnh đạo của công ty này đang đau đầu trước tính trạng đơn hàng giảm mạnh, giá trị ít và lại ngắn hạn. Các dây chuyền sản xuất hiện nay chỉ phục vụ cho các đơn hàng đến khoảng tháng 5-6. Còn quí 3 trở ra, các đối tác nước ngoài mới chỉ hứa hẹn chứ chưa ký.
Chị Lê Tuyết Mai, trợ lý giám đốc Công ty Giày Thượng Đình cho biết, nếu trước đây, mỗi đơn hàng xuất khẩu phải cỡ hàng trăm ngàn đôi giày thì nay, mỗi đơn hàng chỉ ký vài chục ngàn đôi giày. Tháng 2, sản lượng sản xuất của công ty đã giảm tới 40% so với cùng kỳ. Xuất khẩu cũng chỉ đạt 73% so với cùng kỳ. Doanh thu chỉ đạt có 60% so với cùng kỳ năm trước.
Tháng 3 này, công ty chỉ dự kiến xuất khẩu được 75.000 đôi giày. Đặc trưng của ngành da giày trước đây là công nhân thường phải làm thêm ca, 10 tiếng/ngày và làm cả thứ 7, Chủ nhật thì nay các công nhân chỉ làm theo giờ hành chính. Còn bộ phận gián tiếp lại các nhà xưởng như khối văn phòng… đều phải giãn việc, tạm nghỉ.
Cho đến nay, vẫn chưa có con số thống kê chính thức nào về các DN phá sản hay hoạt động cầm chừng từ phía cơ quan quản lý Nhà nước. Nhưng mỗi ngày trôi qua, sẽ có những quyết định đau đớn như tạm đóng cửa hay giải thể DN. Chìa khoá mở cửa hồi phục không phải là cơ chế chính sách nữa mà duy nhất là đầu ra cho hàng hoá.
-
Phạm Huyền