221
442
Kinh tế - Thị trường
kinhte
/kinhte/
1178074
Kỳ 2: Doanh nghiệp bức bí đầu ra
1
Article
null
Doanh nghiệp lao đao trong khủng hoảng
Kỳ 2: Doanh nghiệp bức bí đầu ra
,

 - Chưa bao giờ, gói hỗ trợ của Chính phủ dành cho doanh nghiệp lại hấp dẫn đến thế: Hoãn, giảm thuế, chậm nộp thuế, khoanh nợ xấu, bù lãi suất… Tuy nhiên, DN sẽ chẳng thể chạm tới những đồng vốn cho vay ưu đãi nếu như không có hợp đồng tiêu thụ sản phẩm.

 

Xoay sở tìm lối ra

 

Chị Lê Tuyết Mai, trợ lý giám đốc Công ty Giày Thượng Đình tâm sự: Ban giám đốc đã quán triệt tinh thần bằng mọi giá, phải kiếm được đơn hàng, nếu không có thì chẳng mong ngân hàng cho vay tiền.

 

Với công ty chị, năm nào cũng tham gia vài cuộc triễn lãm, hội chợ chuyên về giày da ở nước ngoài như ở Đức, Ý để ký kết hợp đồng xuất khẩu. Thị trường chính là EU, Cu Ba, Nhật Bản, châu Phi. Năm qua, công ty này cũng xúc tiến xuất khẩu vào Mỹ nhưng rốt cục, đây lại là nơi châm ngòi cho khủng hoảng.
 

Sản phẩm phải đáp ứng được tiêu chuẩn riêng của các thị trường xuất khẩu mới cạnh tranh được (ảnh: Phạm Huyền)

 

Khi đơn hàng xuất khẩu đã giảm tới 30-50%, công ty đã quyết định tập trung cho thị trường nội địa. Tuy nhiên, chị Mai cho biết, khả năng bù đắp lại sự suy giảm ở xuất khẩu cũng không nhiều. Thị trường nội địa tháng 1 và 2 vừa qua chỉ tiêu thụ khoảng hơn 200.000 đôi giày/tháng.

 

Trong cơn khốn khó, sức ép cạnh tranh sẽ càng lớn, DN càng phải chú trọng giảm chi phí giá thành, cải tiến mẫu mã sản phẩm. Dự kiến, giày Thượng Đình sẽ có thêm 4-5 mẫu mới, mở thêm nhiều đại lý để  kích cầu.

 

Với xuất khẩu, các sản phẩm phải làm sao đáp ứng được tiêu chuẩn riêng của các nước. Chị Mai ví dụ, các nước châu Âu và Nhật Bản đòi hỏi khắt khe chất lượng cao nhưng giá lại phải giảm. Chỉ cần lô hàng có vấn đề thì 99% là bị huỷ hợp đồng. Những nỗ lực này nhằm duy trì hoạt động sản xuất, duy trì việc làm cho công nhân là chính chứ không có lợi nhuận nhiều.

 

Một ngành chịu tác động khủng hoảng nặng nề là ngành chế biến thức ăn chăn nuôi, xuất khẩu nông sản. Ông Đoàn Trọng Lý, Chủ tịch HĐQT Công ty CP Chăn nuôi Chế biến và xuất nhập khẩu Aprocimex than thở, đầu vào thì vẫn ký đều đặn dù giá cả lên xuống không ổn định, còn đầu ra thì… thật dè dặt.

 

Mấy tháng nay, ông Lý đôn đáo đi khắp các ngành, các vùng cả trong và ngoài nước để kiếm đơn hàng. Một hướng mới của công ty này là xuất khẩu nông sản sang châu Phi. Cơ hội ký kết hợp đồng đã có nhưng theo vị doanh nhân này, thị trường châu Phi quá nhỏ, các nước còn nghèo nên nếu ký hợp đồng vào nước này cũng là rất mạo hiểm. Bản thân ông cũng không chắc chắn được, liệu giao hàng xong thì có lấy được tiền?

 

Với các doanh nghiệp dệt may, Hiệp hội Dệt may Việt Nam đã khẳng định có đến 90% các doanh nghiệp phải sản xuất cầm chừng, tạm thời đóng cửa nhà máy. Đến nay, mới chỉ có một số thương hiệu lớn ký kết hợp đồng như May 10, Việt Tiến, Nhà Bè do có khách hàng lớn truyền thống.

 

Ông Lê Tiến Trường, Phó Tổng giám Tập đoàn Dệt may Việt Nam cho biết, Tập đoàn này đã phát động chủ trương chia sẻ đơn hàng cho các doanh nghiệp đang gặp khó khăn. Vừa qua, Công ty may Đức Giang, Công ty may Thành Công cũng nhờ được chia sẻ mà duy trì được hoạt động sản xuất kinh doanh.

 

Cơ chế mở nhưng điều kiện lại khắt khe

 

Trở về sau những cuộc khảo sát thực tế tại DN, ông Lưu Tiến Long, Giám đốc Sở Công Thương Hà Nội mang nỗi trăn trở, các DN đang nằm trong vòng luẩn quẩn đầu vào đầu ra. Nếu trước đây, khi DN ký được hợp đồng xuất khẩu thì lại không có đủ vốn để sản xuất bởi khi đó Chính phủ đang chống lạm phát, thắt chặt tiền tệ. Đến nay, khi cánh cửa cho vay mở tung với lãi suất thấp thì các DN lại không kiếm được hợp đồng.

 

Ông Tiến, Trưởng phòng Quản lý doanh nghiệp, Ban Quản lý KCN và chế xuất Hà Nội cho biết, hầu hết, các DN đều phải tự xoay sở là chính. Những gói hỗ trợ ưu đãi thuế dành chủ yếu cho DN nhỏ và vừa, kèm theo một số điều kiện khác.  Số DN đáp ứng đủ các điều kiện này trong Khu CN lớn chỉ có 5-7 DN.

Các đơn hàng ký được chủ yếu để duy trì sản xuất và việc làm cho công nhân chứ không lãi (ảnh: Phạm Huyền).

 

“Theo kế hoạch năm nay, nhu cầu vốn cho Công ty giày Thượng Đình cần khoảng 40-50 tỷ đồng. Nhưng ngay cả hợp đồng cho quí 3 còn chưa có, vay vốn về không có ích gì!” chị Lê Tuyết Mai bày  tỏ. Chị nói, xúc tiến thương mại trực tiếp để kiếm hợp đồng là cần thiết nhưng từ đầu năm đến nay, cũng chưa thấy công ty nhận được đề nghị đăng ký tham gia chương trình nào có hỗ trợ của nhà nước.

 

Với ông Đào Trọng Lý, doanh nghiệp nào cũng đang trong cơn khát vốn và mức lãi suất cho vay 7% hiện nay vẫn là cao. Lãi suất trước đây quá cao và nay, lãi suất giảm xuống chứ không phải là thấp. Công ty này đang cần khoảng 300-400 tỷ đồng nhưng quyết định xin vay cũng còn đang cân nhắc bởi đầu ra chưa ổn định. Ngoài ra, theo ông Lý, thuế VAT cho nguyên vật liệu đầu vào của nhiều ngành vẫn chưa được giảm, như nguyên liệu cho thức ăn chăn nuôi vẫn ở mức 5%. Trong lúc này, cần giảm thuế VAT này xuống 0%.

 

“Cơ hội đầu ra cho sản phẩm không phải là không có nhưng quả thật, sự thành công trong các chương trình xúc tiến thương mại còn phụ thuộc vào cả năng lực của DN”, ông Đỗ Thắng Hải, Cục Xúc tiến Thương mại, Bộ Công Thương đánh giá.

 

Một chuyến đi tham gia triển lãm không thể mang ngay những đơn hàng giá trị lớn nếu như DN không chuẩn bị sẵn tiềm lực trong nước. 

 

Ông Hải cho biết, thời điểm này là lúc các nhà nhập khẩu nước ngoài đều phải cắt giảm bớt khâu trung gian để hạ giá thành sản phẩm. Nếu như hàng Việt Nam hiện phải qua Singapore, Đài Loan, Hồng Kông để đi các nước (như mặt hàng giày, gần như 100% đi qua Đài Loan) thì nay, sẽ là lúc để các DN nước ngoài có thể ký hợp đồng trực tiếp. Các DN Việt Nam càng phải chịu khó đẩy mạnh việc gặp gỡ trực tiếp đối tác nước ngoài.

 

Hiện, các sở Công Thương mới đang trong quá trình rà soát, tháo gỡ khó khăn cho DN. Đã gần hết quí 1/2009 nhưng giờ, Sở Công Thương Hà Nội mới bắt đầu tìm hiểu nhu cầu xúc tiến thương mại cho DN. Đáng tiếc là các giải pháp để hỗ trợ tìm kiếm đầu ra cho DN đa số vẫn đang nằm trên giấy. 

  • Phạm Huyền

 

Kỳ 3:  Lội ngược dòng  

 

 

,
Ý kiến của bạn
Ý kiến bạn đọc
,
,
,
,
;