221
442
Kinh tế - Thị trường
kinhte
/kinhte/
1178744
Kỳ 3: Nỗ lực lội ngược dòng
1
Article
null
Doanh nghiệp lao đao trong khủng hoảng
Kỳ 3: Nỗ lực lội ngược dòng
,

 - “Tự cứu mình trước khi trời cứu. Nếu tích cực tìm kiếm, vẫn có thể ký được đơn hàng”, câu nói tưởng như rất lý thuyết này của ông Lê Quốc Ân, Chủ tịch Tập đoàn Dệt may Việt Nam đã trở thành hiện thực ở nhiều doanh nghiệp Việt Nam trong lúc kinh tế khó khăn này.

 

Chủ động tìm kiếm

 

Dệt may, ngành hàng đứng số 1 trong “CLB xuất khẩu tỷ đô” của Việt Nam chịu tác động của cuộc khủng hoảng nặng nề nhất. Các báo cáo của Bộ Công Thương gần đây đều nêu rõ, chỉ những thương hiệu lớn như May 10, Việt Tiến, Nhà Bè, Phương Đông là vẫn ký được nhiều đơn hàng xuất khẩu.

 

“Cách đây vài ngày, công ty đã nhận được hồi âm chính thức của một đối tác tại Đan Mạch sẽ đặt hàng lâu dài với số lượng từ 700.000- 800.000 sản phẩm/năm. Có lẽ, đây là tin vui mới nhất của May 10"- ông Thân Đức Việt, Trưởng Ban makerting, Công ty CP May 10 tiết lộ.

 

Trước đây, nhà nhập khẩu này đặt hàng quần áo tại Ba Lan, song do khủng hoảng kinh tế, giá nhân công tại Ba Lan quá cao nên họ dự kiến chuyển sản xuất sang một nước châu Á. Họ có thể đặt sản xuất ở Campuchia, Indonesia hay Trung Quốc, đối thủ lớn nhất của dệt may Việt Nam, nhưng cuối cùng, họ đã đặt mối quan hệ hợp tác sản xuất lâu dài với May 10 của Việt Nam.

Để đàm phán ký hợp đồng thành công, các sản phẩm càng cần đảm bảo chất lượng (Ảnh: D.A)

 

Nếu như tháng 1 và 2 vừa qua, số lượng đơn hàng không được như mọi năm thì tính tới thời điểm này, May 10 đang dư đơn hàng, vượt công suất cho tháng 5-7. 14 nhà xưởng với công suất 1,2 triệu sản phẩm/tháng vẫn đủ việc để hoạt động .

 

Lý giải về kết quả tốt đẹp này, anh Thân Đức Việt nói, ngay từ đầu năm, May 10 đã ráo riết việc tìm kiếm đơn hàng bằng những chuyến đi gặp bạn hàng trực tiếp tại châu Âu. Để đàm phán đi đến ký kết hợp đồng, May 10 đã đưa ra những cam kết hấp dẫn về chất lượng sản phẩm, chào bán với mức giá cạnh tranh hơn, đảm bảo tiến độ giao hàng. Một sự thuận lợi sẵn có là May 10 có dây chuyền sản xuất chuyên sâu về một chủng loại sản phẩm với qui mô lớn. Điều này đã tạo sự tin cậy đối với nhiều bạn hàng nước ngoài.

 

Bán hàng chuyên nghiệp

 

Với May Nhà Bè, kế hoạch tăng trưởng thị trường nội địa cho năm nay dự kiến là 200%. Đây là một tỷ lệ “ấn tượng” trong bối cảnh sức mua của nhiều mặt hàng đều suy giảm. Ông Phạm Đình Đoàn, Tổng Giám đốc Công ty CP Tập đoàn Phú Thái, đơn vị phân phối may Nhà Bè cho biết, 2 năm trước, May Nhà Bè chỉ xuất khẩu. Tuy nhiên, khi đặt thêm thị trường nội địa thì sức tiêu thụ sản phẩm liên tục được tăng cao.

 

Khi đó, hướng đi của may Nhà Bè lại phù hợp với định hướng của Phú Thái là muốn đẩy mạnh việc phân phối chuyên nghiệp cho hàng hoá Việt Nam tại thị trường nội địa. Ông Đoàn bày tỏ, nhiều công ty nước ngoài đều đánh giá cao tiềm năng thị trường Việt Nam thì không có lý do gì, công ty Việt Nam lại không chiếm lĩnh được thị trường nước nhà.

 

Ông Võ Văn Quyền, Phó Vụ trưởng Vụ chính sách thị trường trong nước, Bộ Công Thương đã đánh giá. “Sự hợp tác 2 doanh nghiệp này có thể coi là điển hình thành công cho câu chuyện quay trở về thị trường nội địa và liên kết với nhà phân phối”.

 

 

Mỗi sáng phẩm là một sáng chế

 

Một câu chuyện lội ngược dòng ấn tượng khác là đồ chơi công nghệ cao của Công ty CP Robotics Tosy.

 

Trong khi, 90% thị trường Việt Nam tràn ngập đồ chơi Trung Quốc, các sản phẩm đồ chơi Việt thường khá đơn giản thì Tosy lại âm thầm theo đuổi một chiến dịch ngược lại, đẩy mạnh đồ chơi Việt trên thị trường nội địa và chiếm lĩnh thị trường nước ngoài như Nhật Bản, Úc, Hồng Kông… 

 

Tháng 2 vừa qua, công ty này đã sang Đức tham dự Triển lãm đồ chơi quốc tế với sản phẩm đĩa bay UFO Tosy và các mẫu đồ chơi mới như robot bóng, robot lốp xe…

Mỗi sản phẩm là một sáng chế (ảnh: D.A)

 

Ông Hồ Vĩnh Hoàng, Tổng Giám đốc Tosy khá hài hước khi nói, khó khăn lớn nhất của công ty là… quá tải các đơn hàng nhập khẩu và lời đề nghị làm nhà phân phối độc quyền. Chỉ 3 tuần sau khi về nước, công ty đã nhận được lời đề nghị tới thăm khảo sát năng lực của công ty Takara TOMY, là công ty đồ chơi lớn nhất Nhật Bản hiện nay.

 

Người Nhật Bản vốn rất cẩn thận và đòi hỏi cao về chất lượng, độ an toàn của sản phẩm nhập khẩu. Tuy nhiên, ngay khi gặp gỡ Tosy tại Đức, đối tác này đã chủ động quảng bá sản phẩm của Tosy tại Nhật. Hiện nay, TOMY đang lên kế hoạch phân phối UFO của Việt Nam vào thị trường Nhật mùa hè này. Không chỉ vậy, các đối tác nổi tiếng trong ngành đồ chơi như Hunter Oversea của Úc hay Hasbro của Mỹ cũng đều đang đặt hàng trăm ngàn sản phẩm củaTosy.

 

Sự thành công này khác biệt ở chỗ, Tosy đã hấp dẫn khách hàng bằng những mẫu đồ chơi rất “độc”. Mỗi loại đồ chơi này đều là một sáng chế đã được đăng ký bảo hộ tại thị trường quốc tế. Bên cạnh đó, công ty này đã mạnh dạn “bỏ” hàng tỷ đồng để làm thương hiệu bằng việc cho ra đời đại sứ marketing là robot dáng người đánh bóng bàn Topio. Các đối tác nước ngoài đều rất ngạc nhiên khi biết, tác giả của con robot này là công ty Việt Nam và nhờ đó, họ đủ lòng tin để hợp tác lâu dài với Tosy.

 

Các chuyên gia kinh tế thường vẫn lạc quan nói, trong khủng hoảng vẫn có luôn có cơ hội. Chỉ có điều, doanh nghiệp có biết nắm bắt được hay không. Và những dẫn chứng trên đã chứng tỏ rằng, doanh nghiệp Việt Nam hoàn toàn có thể trụ vững trong khủng hoảng với nhiều cách thích ứng cuả mình. 

  • Phạm Huyền 

 

,
Ý kiến của bạn
Ý kiến bạn đọc
,
,
,
,