221
442
Kinh tế - Thị trường
kinhte
/kinhte/
1180072
Doanh nghiệp "kêu trời" vì giá điện giờ cao điểm
1
Article
null
Doanh nghiệp 'kêu trời' vì giá điện giờ cao điểm
,

 - Sự bất hợp lý của quy định tính giá điện trong giờ cao điểm  và cách xác định giờ cao điểm đã được Bộ trưởng Bộ Công Thương Vũ Huy Hoàng thừa nhận và cam kết điều chỉnh trong thời gian sớm nhất.

 

Áp giá điện cao vào giờ cao điểm là để hạn chế tiêu dùng, khuyến khích tiết kiệm điện nhưng với qui định 2 tiếng buổi sáng là giờ cao điểm hiện nay thì đó là tác dụng ngược. Các doanh nghiệp sản xuất cho biết, thực chất, chi phí tiền điện của họ tăng hơn 30% chứ không phải xấp xỉ 7% như tính toán ban đầu của cơ quan chức năng.

                 

Các doanh nghiệp cho rằng quy định về giá điện giờ cao điểm khiến chi phí giá điện cuả họ tăng trên 30%. Ảnh: VNN.

 

Theo Thông tư 05/2009 của Bộ Công Thương hướng dẫn chi tiết giá bán điện, mức tăng bình quân giá điện cho sản xuất là 6,7%. Giờ cao điểm từ 9h30- 11h30 và từ 17h- 20h trong các ngày từ thứ 2 đến thứ 7. Giá bán lẻ điện cho sản xuất cấp điện áp dưới 6kV, giờ cao điểm có giá 1.900đ/kWh, giờ thấp điểm là 540đ/kWh và giờ bình thường là 955đ/kWh. Trước đây, giờ cao điểm được quy định vào 4 tiếng buổi tối từ 18h - 22h, giờ bình thường từ 4h- 18h.

 

Ngành sản xuất bị “hớ” giá điện

 

Bộ Công Thương đã khẳng định, chính sách tăng giá điện là theo hướng ưu tiên cho sản xuất với nguyên tắc tỷ lệ tăng giá điện cho sản xuất sẽ thấp hơn tỷ lệ tăng giá bán điện bình quân và tỷ lệ tăng giá bán điện cho sinh hoạt. Tuy nhiên, chính sách này sẽ khó thành hiện thực.

 

“Đó là kiểu giờ oái oăm”, ông Nguyễn Đắc Nghĩa, Trưởng phòng Cơ điện, Công ty CP May 10, Hà Nội than thở. “Chi phí giá điện của chúng tôi tính ra sẽ đội lên khoảng 32,5% so với trước đây chứ không phải là tăng gần 7% như công bố củ a cơ quan chức năng.”

 

Khoản tiền điện ước tính của May 10 là đội thêm khoảng 1,5 tỷ đồng/năm.  Trong khi tiền điện của công ty này sẽ chỉ đội giá khoảng 400 triệu đồng/năm nếu tính  theo mức tăng 7%. Đây là số tiền quá lớn và sẽ làm tăng giá thành sản phẩm.

 

Nguyên nhân là do hoạt động sản xuất của doanh nghiệp sẽ không thể tránh được giờ cao điểm. Nếu áp dụng thời gian làm việc như năm 2008, công nhân đi làm từ 7h-18h mỗi ngày, buổi trưa nghỉ 1 tiếng, từ 12h-13 thì kiểu gì, Công ty May 10 cũng phải “dính” 3 tiếng giờ cao điểm. Do đó, ông Nguyễn Đắc Nghĩa cho biết đang làm văn bản kiến nghị cơ quan quản lý về sự oái oăm của giá điện này.

 

Cùng trong tình trạng dở khóc dở cười với giá điện, ông Nguyễn Kim Hồng, Trưởng phòng Kỹ thuật, công ty Dệt kim Đông Xuân, Hà Nội nói, quy định giờ cao điểm như vậy là rất vô lý. “Với dây chuyền dệt nhuộm phải chạy liên tục 3 ca thì chúng tôi đành chịu. Nhưng với may, chúng tôi không thể may quần áo vào ban đêm được.

 

Thông thường, mỗi DN nếu làm việc 8 tiếng thì mất khoảng 2 tiếng cho giờ cao điểm, tương đường 25% thời gian làm việc chịu giá điện cao. Các doanh nghiệp ngành dệt may, da giày… thường làm thêm khoảng 2-3 tiếng sau giờ hành chính, khoảng 10-11 tiếng/ngày thì sẽ phải chịu 40-45% thời gian làm việc trả tiền điện giá cao.

 

 

Tránh giờ cao điểm thì đảo lộn sản xuất

 

Hoạt động sản xuất là phải liền mạch, không thể đang hoạt động rồi cho dừng dây chuyền sản xuất trong 2 tiếng buổi sáng rồi lại khởi động lại được. Nói cách khác, quy định rải rác giờ cao điểm, 2 tiếng buổi sáng, 3 tiếng buổi chiều, lại đúng vào nhịp độ sản xuất bình thường thì không khác nào, ép buộc mọi doanh nghiệp sẽ phải dùng điện giá cao.

 

Ông Nguyễn Văn Tuấn, Phó Tổng giám đốc phụ trách về sản xuất của Công ty CP Khoá Việt Tiếp rất bức xúc: Nếu áp dụng giờ cao điểm như vậy mà bảo, khuyến khích tiết kiệm thì thật “đánh đố” doanh nghiệp.

Không thể dồn mọi sản xuất vào giờ thấp điểm là ban đêm (ảnh: P.H)

 

Tại công ty khoá Việt Tiệp, có những thiết bị bắt buộc phải chạy liên tục máy đúc áp lực để sản xuất các chi tiết khoá hay dây chuyền mạ sản phẩm. Giả sử, để tránh giờ cao điểm mà tạm dừng sản xuất thì… còn tốn tiện điện hơn. Mỗi lần phải khởi động lại máy hay dây chuyền thì mất từ 1- 2 tiếng, rất hao điện năng. Chưa kể, đặc thù kỹ thuật sản xuất không cho phép làm vậy.

 

Ông Tuấn cho biết, để mạ các chi tiết sản phẩm, dây chuyền mạ chạy liên tục từ 6h sáng đến 6h tối. Đây là dây chuyền khép kín tự động. Nếu ví bất cứ lý do gì mà phải ngừng dây chuyền, các sản phẩm mạ dở coi như là hỏng.

 

Với lập luận, các doanh nghiệp cần đổi ca để tránh giờ cao điểm, ông Nguyễn Đắc Nghĩa lắc đầu ngao ngán: “Ngành may mặc rất khó đổi giờ. Không thể bắt người lao động đi làm sớm quá, từ 6h sáng được. Đồng thời, quần áo thì không thể may vào ban đêm được, sẽ không đảm bảo chất lượng sản phẩm và năng suất làm việc cũng kém đi. Hơn nữa, nếu có tránh được giờ cao điểm và chuyển sang giờ thấp điểm là làm đêm, các doanh nghiệp sẽ đối mặt với việc tăng 30% lương và tiền bồi dưỡng cho công nhân theo chính sách cho người lao động. Cách gì doanh nghiệp cũng bị làm khó".

Ông Trần Viết Ngãi, Chủ tịch Hiệp hội năng lượng Việt Nam lý giải, bản chất quy định này là để bù lỗ cho ngành điện. Khoảng thời gian đó thường thiếu điện nên ngành điện huy động thêm các nhà máy chạy dầu. Trung bình, lượng công suất huy động thêm khoảng vài ba nghìn MW với mức giá từ 1.400-1.500đ/kWh. Do vậy, ngành điện tính toán nếu huy động giá dầu thì sẽ lỗ hàng trăm tỷ mỗi ngày. Vì thế, giờ cao điểm bị đẩy giá lên gấp đôi là để bù lỗ giá điện cho việc chạy dầu.

 

Ông Nguyễn Kim Hồng cũng cho rằng, đây là khoảng thời gian có cường độ làm việc tốt nhất. Công nhân không thể đến làm việc vào 6h sáng rồi đến 9h30 lại nghỉ được để tránh giá điện cao được.

 

“Ý nghĩa ban đầu về quy định giờ cao điểm đã trở thành tác động ngược" -ông Đàm Tiến Thắng, Trưởng phòng quản lý điện năng, Sở Công Thương Hà Nội đánh giá.

 

Sau khi ban hành thông tư 05, Phòng quản lý điện năng nhận được không ít những phàn nàn của các doanh nghiệp trên địa bàn. Ông Thắng phân tích, quy định giờ cao điểm là để hạn chế tiêu dùng, khuyến khích tiết kiệm điện. Nhưng nếu làm đúng như vậy nghĩa là các doanh nghiệp sẽ phải giảm bớt sản xuất vào giờ đó thì đồng nghĩa là giảm tiến độ sản xuất.

 

Các doanh nghiệp đều kiến nghị, nhà nước phải tính toán lại cho hợp lý, hoặc đổi lại giờ cao điểm như trước đây hoặc giảm tiền điện giờ cao điểm, tạo thuân lợi cho sản xuất. Được biết, khi làm việc với tỉnh Tiền Giang, lãnh đạo Bộ Công Thương đã thừa nhận những bất cập quy định này và sẽ có hướng điều chỉnh.  

 

  • Phạm Huyền 

  

Nếu bạn chưa hài lòng về sản phẩm, dịch vụ được thụ hưởng
 hãy gửi bức xúc của bạn cho chúng tôi !

Đường dây nóng:               (091)356-4657        hoặc (04)3772-2729
Email: bvkh@vietnamnet.vn

,
Ý kiến của bạn
Ý kiến bạn đọc
,
,
,
,