221
442
Kinh tế - Thị trường
kinhte
/kinhte/
1181944
Quảng bá du lịch Việt Nam trên BBC: Liệu đã trúng?
1
Article
null
Quảng bá du lịch Việt Nam trên BBC: Liệu đã trúng?
,

 - Phản ứng trước thông tin về việc Bộ VH-TT và Du lịch mới đây quyết định quảng bá hình ảnh Việt Nam trên BBC World và xe taxi tại Anh, nhiều doanh nghiệp (DN), khách sạn tỏ ra nghi ngờ về tính hiệu quả của công việc này. Chưa kể, công tác xúc tiến hiện nay còn được DN nhận xét là vẫn "què quặt".

Khách du lịch đến Việt Nam 3 tháng đầu năm nay vẫn giảm 
(ảnh VNN)


Đã hợp lý chưa?

Trên thực tế, chủ trương quảng cáo trên BBC đã được Bộ trưởng Bộ VH-TT và Du lịch chấp thuận từ cuối năm ngoái, nhưng ngay sau đó, lãnh đạo nhiều doanh nghiệp (DN) du lịch đã lên tiếng phản đối. Điều khiến nhiều DN băn khoăn là trước khi lựa chọn BBC, Bộ VH-TT và Du lịch và cơ quan thực hiện đã xem xét đến khía cạnh: đối tượng khán giả xem kênh này, khán giả có tiếp cận kênh đó để đi du lịch không?

Theo ông Nguyễn Quốc Kỳ, Giám đốc Công ty Du lịch Vietravel, chọn kênh truyền hình nào quảng cáo đều tốt, miễn là cơ quan thực hiện phải có cơ sở khoa học, được phân tích, tránh duy ý chí. Ngoài ra, cần nhận biết được thị trường trọng điểm, khách tại mỗi thị trường đó đang có nhu cầu du lịch ra sao?

Trả lời báo giới, ông Baron Ah Moo, Giám đốc điều hành Khối khách sạn và khu nghỉ dưỡng, Công ty Indochina Land (TP.HCM), thừa nhận, BBC đúng là kênh truyền hình chính trị - kinh tế nổi tiếng, song đối tượng của hãng này chủ yếu là giới doanh nhân.

Họ xem BBC chủ yếu để tìm hiểu thông tin về tình hình chính trị, thị trường lao động, chính sách thu hút đầu tư... tại một quốc gia. Do đó, quảng cáo du lịch sẽ ít được khán giả để ý, kể cả khi phát trên BBC toàn cầu.

Ông Lưu Đức Kế, Giám đốc Công ty lữ hành Hanoitourist, thẳng thắn, một chuyên gia marketing kỳ cựu người Tây Ban Nha - khi ông hỏi về tính hiệu quả nếu Việt Nam quảng bá trên CNN và BBC, đã trả lời, khán giả không hề mong chờ thông tin du lịch trên CNN và BBC. Muốn quảng cáo hiệu quả nhất, nên chọn kênh chuyên về du lịch như Discovery, Geographic...

Mọi người rất hay nói đến giờ vàng và cho rằng, giờ vàng của bạn chứ có phải của ta đâu. Nhưng theo tôi, giờ vàng là vàng đối với vùng phủ sóng. Thứ hai, kênh truyền hình của họ là khác nhau ở các vùng, không có một giờ vàng nào chung cho cả thế giới cả.

Trước đây, việc quảng bá trên CNN có nhiều ý kiến trái chiều, cho rằng chưa hiệu quả. Nhưng quảng bá không phải  là có hiệu quả ngay mà cần có thời gian, như Malaysia, Thái Lan, Indonesia... quảng bá cả chục năm nay rồi nên khách đến rất mạnh.

(Đại diện Trung tâm Xúc tiến VH-TT và Du lịch).

"Việt Nam cần nghiên cứu kỹ lưỡng tâm lý khách hàng, tham khảo ý kiến của giới tư vấn và DN du lịch để xây dựng từng chương trình quảng bá riêng biệt tại mỗi thị trường. Hơn nữa, phải nắm được thời điểm nào khách tại mỗi thị trường đi du lịch để "tung" ra quảng cáo" ông Baron Ah Moo nói.

Nhắm tới doanh nhân cũng tốt

Trao đổi với PV.VietNamNet, đại diện Trung tâm Xúc tiến VH-TT và Du lịch (yêu cầu không được đưa tên), cho biết, cơ sở để Cục Hợp tác Quốc tế (Bộ VH-TT và Du lịch) chọn BBC World dựa trên 3 yếu tố:

BBC là kênh phủ sóng toàn cầu, gồm cả châu Á - Thái Bình Dương, châu Âu và Bắc Mỹ. BBC phát sóng ở 200 quốc gia và vùng lãnh thổ khác nhau. Thống kê cho thấy, 276 triệu gia đình xem BBC và kênh này xuất hiện tại 1,5 triệu phòng khách sạn trên thế giới. Chẳng hạn ở Nhật, trong nhiều khách sạn chỉ có kênh BBC mà không có CNN.

Hơn nữa, kinh nghiệm quảng bá của BBC tốt vì đã từng quảng bá cho hơn 40 quốc gia khác nhau, trong đó có những "đại gia" về phát triển du lịch như Australia, Thái Lan, Singapore, Malaysia... Kinh nghiệm và uy tín về quảng bá du lịch của BBC là rất mạnh.

Đáng lưu ý, phương thức mà BBC đặt hàng với Việt Nam rất phù hợp, tức là hãng cử một đoàn sang nghiên cứu và làm video clip ấn tượng dựa trên ý của mình. Tổng mức chi phí hợp lý, với 204.600 USD.

Về đối tượng khán giả xem kênh BBC, vị này giải thích, việc quảng bá, xúc tiến du lịch trước tiên phải quảng bá hình ảnh quốc gia để khách có ấn tượng về quốc gia đó, rồi giới thiệu các khu du lịch. Thông tin đó được truyền tải đến thế giới càng nhiều càng tốt, bất kể họ là ai. Họ có thể là doanh nhân, công chức...

"Mà nhắm tới doanh nhân cũng tốt chứ sao, kể cả với khán giả bình dân. Đi du lịch không phải là những người chỉ đi tìm kênh về du lịch để xem, họ còn xem cả các kênh khác, trong đó có  kênh thời sự như BBC và CNN", ông khẳng định.

"Trong khủng hoảng tài chính, tất cả khách du lịch đều có xu hướng đến những nước gần cho rẻ, thì châu Á - Thái Bình Dương không thể không lựa chọn. Châu Âu cũng là một trong những thị trường trọng điểm của du lịch Việt Nam. Bắc Mỹ, với Canada và Mỹ là đầu tầu, thì phải cho họ biết mình là ai chứ?".

Đồng thời, ông Kỳ cũng đề xuất, có 4 thị trường cần nhắm tới, đó là thị trường Đông Á và Đông Bắc Á (gồm Nhật Bản, Trung Quốc và Hàn Quốc); thị trường ASEAN và nội vùng; thị trường Australia (mức độ ảnh hưởng bởi khủng hoảng nhẹ hơn ở Âu, Mỹ) và du lịch tàu biển.

Quảng bá du lịch hiện vẫn "què quặt"

TIN LIÊN QUAN

Anh Phạm Hoàng Tuấn, Phó trưởng Phòng Xúc tiến Du lịch (Công ty Du lịch Việt Nam tại Hà Nội), cho rằng, cùng với quảng bá, có hai yếu tố nhạy cảm khác mà Việt Nam làm chưa tốt, đó là giá cả và sản phẩm du lịch. Vừa qua, chúng ta đã giảm giá, song, so với 3-4 điểm đến khác trong khu vực như Thái Lan, Singapore... lâu nay, giá của Việt Nam vẫn cao nên có giảm cũng chưa chắc đã thấp hơn. Chưa kể, sản phẩm du lịch vẫn thiếu sự hấp dẫn.

Bên cạnh đó, Bộ VH-TT và Du lịch - với vai trò là đầu tàu, hỗ trợ các DN tự xúc tiến, quảng bá - vẫn chưa làm "tròn vai", khiến DN thở ngắn than dài.

Vừa bỏ tiền túi đi hai hội chợ ITB (Đức), MITT (Nga) nổi tiếng trở về (mất 1.500-2.000 USD/gian hàng khoảng 1m2), ông Đặng Bảo Hiếu, Giám đốc Công ty Focus Travel, rất thất vọng khi thấy ấn phẩm quảng bá chiến dịch Ấn tượng Việt Nam mà Tổng cục Du lịch giới thiệu hết sức nghèo nàn.

Hoặc tại hội chợ AIME (trung tuần tháng 2 tại Melbourn - Australia), buổi trình diễn do Sở VH-TT và Du lịch thuê một công ty quảng cáo Việt Nam thực hiện thiếu chuyên nghiệp, không có kịch bản rõ ràng... nên hiệu quả kém.

"Việt Nam đừng nhìn đâu xa, bởi ngay nước láng giềng như Campuchia nghèo tài nguyên hơn, nhỏ bé hơn mà họ cũng đã có những bước tiến bộ đáng kể trong quảng bá, xúc tiến du lịch, như biết cách tổ chức nổi đình nổi đám, chau chuốt và quan trọng là nghiêm túc hơn", ông Hiếu nhận xét.

Ông Nguyễn Quốc Kỳ nhấn mạnh, cơ quan quản lý Nhà nước về du lịch cần có kế hoạch tổng thể, triển khai đồng bộ các giải pháp khi xúc tiến, quảng bá. Ông cho rằng, các biện pháp hiện nay vẫn mang tính "què quặt", lâu nay không có chiến lược dài hạn. 

Theo ông Hiếu, nếu cách đây 3-4 năm Việt Nam làm khá tốt công tác quảng bá xúc tiến, song, từ năm 2005-2006 lại đây, công việc này gần như dậm chân tại chỗ.

Hơn nữa, Bộ vẫn trống một bộ máy quy củ, chuyên nghiệp làm xúc tiến.

"Công việc quảng bá xúc tiến, cả cơ quan quản lý du lịch Trung ương và địa phương, từ lãnh đạo đến chuyên viên, đều mong muốn tốt hơn nhưng lực bất tòng tâm. Cán bộ thì đông nhưng người thì quá già để tiếp cận cái mới, lại không được đào tạo bài bản về xúc tiến; người thì quá trẻ chưa đủ độ sắc sảo, chưa được định hướng. Tôi chưa thấy ai là “nhạc trưởng” chịu trách nhiệm tiếp thị du lịch tầm quốc gia cả!", lãnh đạo một DN lữ hành than thở.

Trong tháng 4, Cục Hợp tác Quốc tế mới bàn phương án và bắt tay vào sản xuất. Thời gian phát sóng trên BBC World chưa ấn định được, nhưng theo thông lệ, có hai mùa trọng điểm khách quốc tế quyết định đi du lịch, đó là tháng 6-7 và 9-10 hàng năm. Như vậy, nếu có phát sóng thì sớm nhất cũng phải vào tháng 6/2009.

  • Hà Yên

,
Ý kiến của bạn
Ý kiến bạn đọc
,
,
,
,