- Sáng 3/4, Hiệp hội Nhựa TP.HCM đã có buổi họp với những doanh nghiệp (DN) có tên trong danh sách bị Hoa Kỳ kiện bán phá giá túi nilon, nhằm tìm phương án đối phó. Hiệp hội Nhựa TP.HCM sẽ đại diện cho 59 DN nhựa trong vụ kiện này.
Ông Trần Công Hoàng Quốc Trang, Phó Chủ tịch Hiệp hội Nhựa TP.HCM cho biết, hiện hiệp hội đề ra 2 phương án để đối phó. Trong đó, phương án xin gia hạn 2 tháng để chuẩn bị hồ sơ (thay vì 20 ngày như ấn định của DOC) đang được hiệp hội xúc tiến. “Phía bị đơn có quyền xin gia hạn, tuy nhiên thời gian được gia hạn bao lâu thì phải chờ DOC quyết định” – ông Trang nói.
Kế tiếp là ngay trong tuần sau, hiệp hội sẽ thuê một công ty luật tại Mỹ đến đàm phán với nguyên đơn để rút đơn kiện. Theo đánh giá của ông Trang, giải pháp này không phải không khả thi, bởi để theo vụ kiện này, phía nguyên đơn phải bỏ ra cả triệu USD. Trong khi đó, hai DN này cũng không phải kẻ lắm tiền nhiều của.
Túi nilon Việt Nam đứng trước nguy cơ bị kiện phá giá.
Tuy nhiên, để chính thức nộp đơn kiện các DN của Việt Nam, Đài Loan và Indonesia vào ngày 31/3, phía nguyên đơn phải thu thập tư liệu từ năm 2007. Ngoài ra, nếu càng kéo dài thời gian, phía nguyên đơn sẽ có lợi, vì trong thời gian này các bị đơn sẽ chịu một mức thuế khá cao khi xuất hàng sang thị trường Mỹ.
Trước thực tế đó, phương án chuẩn bị hồ sơ để đối đầu với vụ kiện đang được hiệp hội triển khai gấp rút. Ngoài việc hướng dẫn DN làm hồ sơ, Hiệp hội Nhựa TP.HCM cũng đã tìm luật sư để bảo vệ quyền lợi cho DN. Ba nhóm luật sư được hiệp hội nhắm đến đều ở Mỹ, tuy nhiên chọn nhóm nào thì còn phải chờ ý kiến của các DN.
Ngoài ra, Hiệp hội Nhựa TP.HCM cũng đã liên hệ với Hiệp hội Nhựa Hoa Kỳ nhờ can thiệp, bởi hai DN phát đơn kiện lần này không thể đại diện cho cả cộng đồng DN ngành nhựa của nước này.
Trong buổi họp sáng nay, nhiều DN cho rằng, thật sự bất ngờ khi có tên DN trong danh sách bị kiện, bởi hàng của họ đã ngưng xuất sang Mỹ khá lâu. Thậm chí, có DN chưa từng xuất hàng sang thị trường này.
Theo ông Trang, mặc dù DN không xuất hàng sang Mỹ, nhưng phía nguyên đơn chỉ căn cứ vào nguồn gốc hàng hóa để kiện. Nhiều DN Việt Nam xuất sang Nhật hoặc Đài Loan, từ đó hàng được tái xuất sang Mỹ, có nghĩa là hàng Việt Nam đã có mặt ở thị trường Mỹ.
Ông Trang cho biết thêm, trong số 59 DN bị kiện thì 35 DN bị kiện chống trợ cấp. Đây là vấn đề rất phức tạp nên Hiệp hội Nhựa TP.HCM đã đề nghị Cục Quản lý cạnh tranh và Vụ Pháp chế của Bộ Công Thương tham gia với tư cách tư vấn.
-
Ca Hảo