221
442
Kinh tế - Thị trường
kinhte
/kinhte/
1189324
Cục Điều tiết điện khuyên doanh nghiệp sản xuất vào... chủ nhật
1
Article
null
Cục Điều tiết điện khuyên doanh nghiệp sản xuất vào... chủ nhật
,

 - Để tránh tác động của cơ chế giá điện giờ cao điểm sáng, các doanh nghiệp có thể bố trí sản xuất vào ngày chủ nhật hoặc nghỉ luân phiên, ý kiến của Cục Điều tiết điện lực báo cáo Bộ Công Thương, sau khi kiểm tra tại 10 doanh nghiệp ở Tiền Giang, Long An và thành phố Hà Nội.

Việc kiểm tra này xuất phát từ việc báo chí phản ánh những bức xúc của doanh nghiệp về sự bất hợp lý của cơ chế giá điện giờ cao điểm theo Thông tư 05 của Bộ Công Thương áp dụng từ 1/3/2009.

Doanh nghiệp sản xuất 1 ca là đối tượng chịu tác động lớn nhất của cơ chế giá điện giờ cao điểm sáng. (Ảnh: VNN)

 

10 doanh nghiệp được kiểm tra là những doanh nghiệp đã lên tiếng phản đối cơ chế giá điện giờ cao điểm trên các báo VietNamNet, Lao Động và Tuổi Trẻ.

 

Tiền điện tăng thêm từ 2,26 - 22,6%

 

Theo nhận định của Cục Điều tiết điện lực, việc tính toán của tất cả các doanh nghiệp phản ánh trên báo chí về mức độ ảnh hưởng của cơ chế giá điện giờ cao điểm mới chỉ là ước tính, không có số liệu đo chính xác.

 

Các doanh nghiệp đã không phân biệt được chi phí tiền điện tăng thêm chung do tăng giá điện các giờ khác và giờ cao điểm sáng. Ngoài ra, các doanh nghiệp cũng chưa tính đến khả năng sắp xếp lại thời gian sản xuất để giảm công suất không cần thiết vào giờ cao điểm sáng.

 

Doanh nghiệp sản xuất 1 ca là đối tượng chịu tác động lớn nhất của cơ chế giá điện giờ cao điểm sáng. Cục Điều tiết điện lực cho rằng, đối với các  doanh nghiệp này, chi phí tiền điện tăng thêm khoảng từ 2,26% đến 22,6% khi áp dụng cơ chế giá điện mới.

 

Kết quả kiểm tra chi phí tiền tiện tăng thêm trong tháng 3, sau khi áp dụng cách tính mới, cụ thể như sau:

 

Tại Tiền Giang, công ty thuỷ sản Hùng Vương: 10,02%, công ty CP Gò Đàng: 2,25%, công ty TNHH Nam of London: 12,14%, công ty TNHH Thuận Phong 10,08%.

 

Tại Long An, công ty TNHH giầy Ching Luh: 7,04%, công ty TNHH thuỷ sản Simmy: 7,19%.

 

Tại Hà Nội, công ty khoá Việt Tiệp: 12,6%, công ty dệt kim Đông Xuân: 5,76%.

Tuy nhiên, mức tăng chi phí tiền điện trên tổng chi phí sản xuất hoặc tổng doanh thu của doanh nghiệp khi áp dụng cơ chế này là rất nhỏ, chỉ từ 0,04- 0,76%.

 

Do vậy, tác động của cơ chế giá điện giờ cao điểm sáng tới các doanh nghiệp sản xuất không lớn như báo chí đã nêu.

 

Bên cạnh đó, theo thống kê ở các khu công nghiệp, các tỉnh thành phố thì tỷ lệ doanh nghiệp làm việc 1 ca chiếm khoảng 8-25%.

 

Nếu xét mức độ ảnh hưởng đến toàn khu vực của một khu công nghiệp, một tỉnh hay thành phố thì mức ảnh hưởng của cơ chế này tại các địa bàn cũng không lớn.

 

Theo báo cáo này, Công ty CP May 10 chịu tác động lớn nhất từ cơ chế giá điện giờ cao điểm.

 

Năm 2008, công ty này tiêu thụ 4,96 triệu kWh, chi khoảng 4,566 tỷ đồng tiền điện. Tổng doanh thu đạt 136,25 tỷ đồng và chi phí tiền điện chiếm tới 3,35% trong tổng doanh thu này.

 

Khi áp dụng giá mới, chi phí tiền điện tăng thêm cho tháng 3/2009 là 22,6% nhưng mức tăng chi phí tiền điện trên tổng chi phí của công ty chỉ là 0,76%.

 

Theo nhận xét của Cục Điều tiết điện lực, các công ty như Công ty CP khoá Việt Tiệp có thể chuyển dịch giờ làm việc, bố trí sản xuất vào chủ nhật, nghỉ luân phiên các ngày khác trong tuần.

 

Công ty giầy Ching Luh có thể sắp xếp sản xuất lại các bộ phận làm việc 1 ca, bố trí lại giờ làm việc hoặc nghỉ luân phiên thay cho ngày chủ nhật. Công ty TNHH Nam of London có thể bố trí ca kíp bao gồm cả ngày chủ nhật.

 

Đặc biệt, Cục này khẳng định, các doanh nghiệp sản xuất 3 ca hoặc 2 ca đồng tình với cơ chế giá điện giờ cao điểm sáng.

 

Sản xuất vào... chủ nhật?

 

Tuy nhiên, Cục Điều tiết điện lực cũng cho rằng, để đánh giá chính xác ảnh hưởng của cơ chế giá điện giờ cao điểm sáng đến toàn bộ nền kinh tế, cần khảo sát toàn diện trên cả nước để có được tỉ trọng số đơn vị sản xuất làm việc 1 ca, so với tổng số toàn bộ các đơn vị sản xuất của cả nước. Việc này không thể thực hiện trong một thời gian ngắn sau khi thay đổi chính sách.

 

Doanh nghiệp sẽ phải trả thêm lương khi chuyển dịch sản xuất vào ngày nghỉ để tránh giờ cao điểm. (Ảnh: VNN)

 

Ngay trong thời điểm này, các doanh nghiệp cũng mới bắt đầu sắp xếp, tổ chức lại sản xuất nên việc đánh giá trên cũng chưa xét đến khả năng giảm mức tăng chi phí tiền điện của doanh nghiệp sau khi tổ chức lại sản xuất.

 

Ngoài ra, việc đánh giá tác động của cơ chế này cần có biểu đồ phụ tải thực tế của tháng áp dụng hoàn toàn theo cơ chế giá điện mới, trong khi đó ở một số đơn vị điện lực, vẫn chưa hoàn tất việc cài đặt lại toàn bộ công tơ điện tử.

 

Một điều đáng lưu ý là, 10 doanh nghiệp mà đoàn kiểm tra đến tìm hiểu là các đơn vị đã có ý kiến phản đối trên báo chí. Do vậy, việc lựa chọn đối tượng kiểm tra để đi đến kết luận đánh giá tác động cơ chế giá điện giờ cao điểm như trên mang tính kiểm chứng thông tin hơn là chọn đối tượng đại diện để đánh giá tác động của chính sách.

 

Được biết, tại hội nghị tháo gỡ khó khăn cho các doanh nghiệp Hà Nội do Sở Công Thương Hà Nội tổ chức, các doanh nghiệp vẫn một mực kêu khó về cơ chế giá điện giờ cao điểm. Việc chuyển dịch giờ làm việc theo ý kiến của Cục Điều tiết điện lực còn phụ thuộc vào đặc thù sản xuất của từng ngành.

 

Chưa kể, nếu như doanh nghiệp sản xuất chuyển hoạt động vào ngày nghỉ hoặc vào giờ đêm để tránh giá điện giờ cao điểm thì sẽ phải đối mặt với chi phí tăng thêm tới 30% lương cho người lao động do làm ngoài giờ.

 

Theo nguồn tin mà VietNamNet có được, trong vài ngày tới, đơn vị này dự kiến có văn bản chính thức tới UBND thành phố Hà Nội kiến nghị Uỷ ban trình Thủ tướng xem xét tạm dừng cơ chế giá điện giờ cao điểm. 

  •  Phạm Huyền

,
Ý kiến của bạn
Ý kiến bạn đọc
,
,
,
,
/script>