- Tổng công ty mua bán điện quốc gia và Tổng công ty điều độ hệ thống điện quốc gia cần được thành lập và không trực thuộc bất cứ tập đoàn kinh tế nào, do Chính phủ quản lý. Hiệp hội năng lượng Việt Nam vừa trình ý kiến này lên Thủ tướng hôm qua, 16/4.
Sau khi tham vấn ý kiến các chuyên gia và nhà khoa học trong ngành năng lượng, kịch bản tái cơ cấu ngành điện được Hiệp hội năng lượng Việt Nam xây dựng xuất phát từ quan điểm khác với phương án mà Bộ Công Thương đã trình Thủ tướng trước đó.
Ngành điện mang tính độc quyền nhà nước là do tất cả các khâu gồm phát điện, truyền tải, phân phối, mua bán điện đều trực thuộc Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN).
Hợp đồng dịch vụ truyền tải và phân phối điện cần các thể chế thưởng phạt bên bán, bên mua (ảnh: VNN)
Để hình thành thị trường điện cạnh tranh, Bộ Công Thương đã đưa ra phương án tách ngay khâu phát điện, truyền tải, điều độ ra khỏi EVN và EVN chỉ còn nắm giữ khâu phân phối điện.
Phía Hiệp hội cho rằng, không nhất thiết phải xé nhỏ EVN bằng việc chia tách các nhà máy điện thuộc EVN để giảm quyền lực của tập đoàn này. Chính phủ chỉ cần tách khâu mua bán điện và điều độ hệ thống điện quốc gia ra khỏi EVN là đủ điều kiện để hình thành một thị trường điện cạnh tranh lành mạnh. Việc giữ lại các nhà máy phát điện tiếp tục thuộc EVN sẽ có ưu điểm là phát huy được nguồn vốn, kinh nghiệm, nguồn lực sẵn có mà EVN đã xây dựng hàng chục năm qua, đồng thời, đảm bảo EVN vẫn giữ được vai trò nòng cốt cho việc cung cấp điện. Theo ý tưởng của Hiệp hội, EVN sẽ nắm giữ khâu truyền tải, phân phối và vẫn tiếp tục sở hữu các nguồn điện đang thuộc EVN hiện nay. Trên thị trường điện sẽ hình thành 5 Tổng công ty phân phối trên cơ sở nâng cấp Công ty điện lực Hà Nội và điện lực TP.HCM thành 2 tổng công ty phân phối, sáp nhập các công ty điện lực địa phương còn lại thành 3 tổng công ty phân phối đại diện 3 miền.
Về khâu mua bán điện, Hiệp hội đề nghị Tổng công ty mua bán điện quốc gia được thành lập có thể do Bộ Tài chính quản lý. Tổng công ty này ký hợp đồng mua điện trực tiếp với các nhà máy điện hoặc các tổng công ty phát điện trên cơ sở các nguồn này chào giá cạnh tranh. Đây là khâu mua điện bán buôn.
Các điều khoản hợp đồng phải có quy định về giờ mua điện hàng năm, giá công suất, giá điện lượng hàng tháng, quý, năm, giá giờ cao điểm, thấp điểm. Nhà bán điện phải cam kết phát điện vào hệ thống đúng như hợp đồng đã ký do điều độ điện quốc gia điều phối. Hợp đồng này cũng phải có thể chế thưởng phạt giữa bên bán, bên mua. Sau đó, Tổng công ty này sẽ ký hợp đồng dịch vụ với Tổng công ty Truyền tải điện quốc gia thuộc EVN để truyền tải nguồn điện qua hệ thống đường dây, trạm biến áp, ký hợp đồng bán điện với các Tổng công ty phân phối để bán lẻ điện tới hộ tiêu dùng. Các công ty này và Tổng công ty truyền tải sẽ được hưởng phí dịch vụ. Hiện nay, Công ty mua bán điện quốc gia đã được thành lập nhưng vẫn thuộc EVN. Tổng công ty Điều độ hệ thống điện quốc gia được thành lập nên trực thuộc Bộ Công Thương. Đơn vị này sẽ cập nhật đầy đủ các hợp đồng mua bán điện để xây dựng biểu đồ phụ tải, kế hoạch vận hành, huy động nguồn điện vào hệ thống. Trong đó, việc trùng tu, sửa chữa các nhà máy điện phải phù hợp với việc vận hành nguồn điện. Ngoài ra, Hiệp hội năng lượng Việt Nam cũng kiến nghị Chính phủ phải sắp xếp lại Viện Năng lượng hiện nay đang thuộc EVN với các viện Dầu khí, than mỏ thành Viện Năng lượng quốc gia, hoạt động độc lập, không thuộc bất cứ Tập đoàn nào. Viện này sẽ làm quy hoạch phát triển năng lượng nói chung, cân đối với các nguồn năng lượng với nhau chứ không chỉ riêng về điện như hiện nay. Một tổ chức tạm gọi là Uỷ ban điều tiết năng lượng quốc gia cũng cần thành lập để giúp Chính phủ quản lý lĩnh vực này. Hiệp hội năng lượng Việt Nam khẳng định, kịch bản tái cơ cấu ngành điện như vậy sẽ không làm xáo trộn nhiều về mặt tổ chức cho ngành điện, đảm bảo các khâu mất chốt của thị trường như mua bán điện, điều độ hệ thống điện không bị ai chi phối.
Nếu bạn chưa hài lòng về sản phẩm, dịch vụ được thụ hưởng
hãy gửi bức xúc của bạn cho chúng tôi !
Đường dây nóng:
Email: bvkh@vietnamnet.vn