- GS. Paul Krugman cho rằng, gói kích cầu của các nước hiện vẫn chưa đủ lớn để vực dậy nền kinh tế, do đó chúng ta cần tăng quy mô lên gấp đôi.
"Việt Nam hiện có được mức tăng trưởng, sự bình ổn tốt hơn các nước ở châu Âu...", ông Krugman nói. (Ảnh: C.H) |
Trong buổi họp báo chiều 20/5 tại TP.HCM, “cha đẻ” của thuyết thương mại mới phân tích, gói kích cầu của Mỹ mới chỉ chiếm khoảng 2,5% GDP, trong khi nền kinh tế cần từ 4 – 5%. Gói kích cầu của Mỹ hiện chưa thể làm nền kinh tế nước này sáng sủa hơn.
Theo đánh giá của ông, nhiều quốc gia muốn cải thiện tình hình kinh tế hiện nay, nhưng nỗi lo nước khác “trục lợi”, khiến gói kích cầu chưa thực sự được đưa ra.
Thực tế này đang diễn ra không chỉ ở Mỹ mà còn tại hầu hết các nước trên thế giới, trong đó có Việt Nam.
Ngoài việc tăng gói kích cầu lên gấp đôi, GS. Paul Krugman cho rằng, các nước cần có những giải pháp khác như xem xét lại chính sách vĩ mô, không can thiệp quá sâu vào thị trường… nhằm giảm bớt ảnh hưởng của khủng hoảng.
Theo ông, hiện các nước châu Á đưa ra gói kích cầu rất mạnh, khiến nhiều chuyên gia ngộ nhận “chủ nghĩa bảo hộ” đang hình thành. Tuy nhiên, điều này không đáng lo ngại, bởi hầu hết các quốc gia, bao gồm cả Mỹ, đang quay lại gây dựng thị trường nội địa.
Việc tung ra gói kích cầu quá mạnh trong thời điểm hiện nay liệu có khiến nguy cơ lạm phát có thể trở lại? Câu hỏi này đang được chính phủ các nước rất quan tâm. Tuy nhiên, chủ nhân giải Nobel kinh tế 2008 khẳng định, lạm phát khó có thể tái diễn mà thay vào đó là nguy cơ giảm phát nhiều hơn.
GS. Paul Krugman phân tích, vào những năm 1980, Nhật Bản thậm chí bị thâm hụt ngân sách vì kích cầu. Vào thời điểm đó, Chính phủ Nhật Bản lo ngại xảy ra lạm phát, tuy nhiên thực tế hoàn toàn ngược lại. Thực tế này rất có thể sẽ trở thành “vết xe đổ” đối với nhiều nước, trong tình hình các quốc gia chưa có sự liên kết để phục hồi nền kinh tế.
“Hiện không cần phải dự báo về ảnh hưởng của khủng hoảng, bởi nó đã xảy ra rồi. Vấn đề của chúng ta hiện nay là tìm cách phục hồi nền kinh tế và hướng đi sau khủng hoảng. Nhưng bao giờ cuộc khủng hoảng này kết thúc? Theo tôi đó vẫn là một ẩn số”, GS Krugman nói.
Ông nhấn mạnh, khó có thể đưa ra giải pháp cụ thể hay đầy đủ cho tình hình kinh tế hiện tại. Mỗi nền kinh tế sẽ tự biết cách tìm ra giải pháp cho mình, trong đó Việt Nam được xem là điển hình.
“Việt Nam hiện có được mức tăng trưởng, sự bình ổn tốt hơn các nước ở châu Âu. Việt Nam đang là một quốc gia thành công trong thời đại mới mà các nước đang tìm cách lý giải, tuy nhiên đó vẫn là một ẩn số”, ông nói.
-
Ca Hảo