Nằm bờ trong mùa cá
Khoảng thời gian từ tháng 3 đến tháng 7 hằng năm là chính vụ cá của ngư dân. Nhưng hiện nay, hàng trăm tàu cá miền Trung đang phải nằm im, vì ngoài khơi bị phong toả.
Theo ghi nhận, hàng trăm tàu cá ở các tỉnh từ Quảng Ngãi, Bình Định đến Đà Nẵng đã neo đậu, ken cứng ven đôi bờ sông Hàn, âu thuyền Thọ Quang, Đà Nẵng không dám ra khơi vì lo lắng trước thông tin Trung Quốc cấm đánh bắt cá có thời hạn ở khu vực biển Đông.
Sợ tàu lạ hơn sợ bão
Chủ tàu kiêm thuyền trưởng tàu ĐNa-66456 - ông Nguyễn Văn Hoà, phường Xuân Hà, quận Thanh Khê, Đà Nẵng - than rằng: "Ngay chính vụ cá mà nhiều tàu chúng tôi buộc phải nằm bờ thế này thì chết mất… Thiệt hại từ việc nằm bờ không chỉ thiếu hụt sản lượng, mà còn tiền vay sắm đồ, trả tiền ăn để giữ bạn tàu, chờ đến ngày ra khơi".
Ngay trong mùa cá mà hàng loạt tàu đánh bắt xa bờ vẫn neo cứng bên sông Hàn. Ảnh: SGTT
Theo ông Hoà, thực ra tàu cá Việt Nam đã bị tàu nước ngoài đuổi ngay trên vùng biển Việt Nam từ nhiều năm nay. Nhiều tàu cá bị đâm chìm, bị bắt phạt hành chính. "Nhưng chúng tôi có tiền đâu mà nộp phạt. Chúng tôi ngậm đắng nuốt cay chấp nhận, bởi nếu không thì bị dẫn độ về nước họ thì tốn kém nhiều hơn. Thường khi bị bắt, họ chỉ cho 1 tàu còn dầu để chúng tôi kèm dắt nhau vào bờ"- ông Hoà cho biết.
Ông Lê Văn Chiến - chủ tàu cá ĐNa 66192 hết sức sốt ruột và lo lắng khi nhận được bản thông báo của Chi cục Thủy sản Đà Nẵng về thông tin Trung Quốc cấm đánh bắt cá có thời hạn trên vùng biển Đông.
Ông Chiến kể: “Đang đánh cá, qua ICOM, tôi nhận được thông báo của Đồn biên phòng 248 cho biết phía Trung Quốc vừa có thông báo từ 12g ngày 16-5 đến 12g ngày 1-8-2009 tất cả các tàu cá VN đều không được vào vùng biển từ 12 độ vĩ Bắc trở lên để đánh bắt cá. Khi nghe thông báo, anh em ai cũng bức xúc vì nếu như vậy thì còn gì ngư trường nữa”. Bởi theo ông Chiến, ngư dân miền Trung chủ yếu làm nghề lưới cào, lưới vây (thuộc dạng đánh bắt xa bờ), mà ngư trường chủ yếu của hai nghề này hiện nằm trọn trong vùng biển mà phía Trung Quốc vừa ra thông báo.
Ông Chiến còn kể: Khoảng chục ngày trước, tàu cá QNg 94734 của ông Lệ (Đức Phổ, Quảng Ngãi) bị một tàu nước ngoài tấn công ngay trên ngư trường lấy đi hơn một nửa số cá vừa đánh bắt được. Đã vậy các thuyền viên trên tàu này trước khi rút lui còn dùng lưỡi lê đâm thủng một chiếc thuyền thúng dùng làm thuyền cứu nạn trên tàu cá.
Cùng tâm trạng như ông Chiến, tại bến cá Thọ Quang (Sơn Trà), tàu cá QNg 94113 của ông Ngô Việt (Đức Phổ, Quảng Ngãi) đang trong giai đoạn tập kết vật tư, chuẩn bị chuyến ra khơi trong một vài ngày tới nhưng lòng ông đầy lo lắng: “Toàn bộ lương thực, nước ngọt, dầu và đá dùng ướp cá đã sẵn sàng. Vậy mà trong lòng cứ phân vân hoài”.
Dù không nói ra nhưng trong ánh mắt của ông Việt đã thể hiện phần nào nỗi lo sợ về những chiếc tàu sắt xù xì với những dòng chữ nước ngoài lúc ẩn lúc hiện: “Mỗi lần ra khơi mà gặp họ (tàu nước ngoài) thì y như rằng mình lỗ tiền dầu, vì lo mà chạy đi cho an toàn. Có khi chạy suốt đêm mới thoát khỏi tầm truy đuổi của các tàu này. Khổ lắm”.
Theo lời ông Việt, cách nay chừng một tháng, tàu cá của ông khi đang vây bắt một đàn cá ở tọa độ 109 độ Đông và 17 độ vĩ Bắc, cách bờ chừng 65 hải lý thì bất ngờ bị một tàu nước ngoài đến yêu cầu dỡ lưới đi nơi khác, nếu không sẽ gặp rắc rối. “Nhìn luồng cá dưới nước mà tiếc đứt ruột nhưng đành phải chấp nhận” - ông Việt nói.
Cần bảo vệ tính mạng, tài sản cho ngư dân
Trước những thông tin trên, Cục Khai thác và bảo vệ nguồn lợi thủy sản cũng đã có công văn gửi lãnh đạo các sở NN&PTNT đề nghị nhắc nhở, hướng dẫn ngư dân của mình thực hiện đúng những quy định của luật pháp VN về đánh bắt thủy sản trên biển. Tinh thần là phải bảo vệ quyền lợi, tính mạng, tài sản của ngư dân VN khi khai thác thủy sản trên vùng biển VN.
Cục Khai thác và bảo vệ nguồn lợi thủy sản yêu cầu các sở NN&PTNT theo dõi chặt chẽ tình hình đánh bắt cá của ngư dân địa phương hoạt động trên các vùng biển VN và có biện pháp ứng cứu, giúp đỡ kịp thời khi ngư dân gặp sự cố tai nạn hoặc bị nước ngoài bắt giữ.
Đại úy Nguyễn Tống Khương - trợ lý quản lý biên giới thuộc Bộ chỉ huy bộ đội biên phòng TP Đà Nẵng - cho biết: “Bằng nhiều hình thức, chúng tôi đã thông báo cho tất cả ngư dân trên địa bàn biết tình hình nói trên. Theo đó, phía biên phòng TP Đà Nẵng yêu cầu ngư dân cứ hoạt động bình thường trên vùng biển mà VN quản lý, thường xuyên liên lạc với bộ đội biên phòng để báo cáo tình hình. Trước đó, lực lượng biên phòng các địa phương cũng đã cấp phát sổ tay hoạt động nghề cá cho ngư dân, trong đó có ghi rõ những khu vực biển đang tranh chấp cũng như những khu vực biển do VN quản lý để ngư dân nắm rõ khu vực đánh bắt.
Trung tá Nguyễn Nhơn, chính trị viên đồn Biên phòng 248, là đơn vị quản lý hầu hết các phương tiện trên biển của ngư dân tại quận Thanh Khê, cho biết: “Ngư dân có vai trò rất lớn trong việc khẳng định chủ quyền biên giới quốc gia trên biển. Hiện nay, biên phòng cùng với chính quyền địa phương và ngư dân càng kết hợp chặt chẽ hơn về vấn đề thông tin trên biển. Đồn thường xuyên phổ biến cho ngư dân biết tình hình việc cấm biển của Trung Quốc cho ngư dân trước khi xuất bến. Ngoài ra, còn phối hợp với hội nông dân và chính quyền địa phương tập trung bà con ngư dân để nói về những diễn biến phức tạp trên biển Đông. Thông qua phương tiện truyền tin trên biển luôn luôn nắm bắt tình hình tàu lạ, tàu nước ngoài thâm nhập trái phép lãnh thổ Việt Nam trên biển”.
Trung tá Nhơn khẳng định: “Ngư dân mình đương nhiên đánh bắt cá trên vùng biển chủ quyền của Việt Nam. Tuy nhiên, cách tốt nhất là ứng xử thật mềm dẻo và khôn khéo để tránh các trường hợp va chạm và đụng độ không đáng có với tàu nước ngoài, để tránh thiệt hại về người và của.
(Theo Tuổi trẻ, Lao Động, SGTT)