- Những ngày gần đây, trên nhiều tuyến đường tại TP.HCM, mít Thái Lan được bày bán la liệt trên vỉa hè với giá rẻ bèo. Số hàng này được nông dân tuồn về đây vì bí đầu ra.
Anh Nguyễn Tấn, một thương lái chở mít từ Bình Phước về bán trên đường Lê Văn Quới (phường Bình Hưng Hòa, quận Bình Tân) cho biết, đây là loại mít ruột vàng của Thái Lan được các thương lái Trung Quốc đặt hàng.
Tuy nhiên, từ đầu tháng 5 đến nay, những thương lái Trung Quốc bỗng dưng lặn mất tăm, trong khi đó mít thì đến mùa thu hoạch. Đây là lý do anh Tấn “tập kết” hàng trăm tấn mít của mình lên TP.HCM để gỡ vốn. Kế hoạch của anh có vẻ không mấy thuận lợi, bởi việc buôn bán rất chậm.
Mít đổ thành đống bên lề đường. Ảnh: CTV |
Nông dân bán đổ, bán tháo
Ghi nhận của PV VietNamNet ngày 3/6, quận Bình Tân, Gò Vấp, Hóc Môn là các địa bàn được các thương lái, cũng như nông dân trồng mít đến từ Tây Ninh, Bình Phước “tập kết” nhiều nhất.
Mít được đổ thành từng đống trên lề đường và giá bán chỉ từ 3.000–6.000 đồng/kg.
So với mít nghệ của Việt Nam, giá mít Thái hiện rẻ hơn khoảng 50%, trong khi chất lượng lại hơn hẳn và rất phù hợp cho việc ăn tươi hoặc đóng hộp. Tuy nhiên, loại mít này lại là cây giống biến đổi gien nên múi mít không phù hợp cho việc sản xuất mít sấy khô.
Trong khi đó, Việt Nam lại không phát triển ngành đóng hộp trái cây như Thái Lan cũng như nhiều nước trên thế giới. Bên cạnh đó, nhu cầu ăn tươi đối với trái mít hiện chỉ chiếm khoảng 10% sản lượng thu hoạch, trong khi 90% mít thu hoạch dùng cho nhu cầu sấy tại các công ty thực phẩm.
Thực tế này là nguyên nhân chính khiến trái mít Thái bị “dội chợ” trong thời gian qua và được bày bán tràn lan ngoài đường phố tại TP.HCM.
Ông Năm Triển, một nông dân trồng mít ở Dương Minh Châu, Tây Ninh giải thích, trước đây thương lái Trung Quốc mua loại mít này rất nhiều, khiến ông cũng như nhiều hộ khác đầu tư hàng loạt.
Theo thống kê của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, hiện khu vực Đông Nam Bộ có khoảng 15.000ha mít ngoại, trong đó chủ yếu là giống của Thái Lan.
“Chỉ sau 18 tháng, giống mít Thái đã cho thu hoạch trái. Mít Thái cho năng suất rất cao với những trái to, múi mọng và giòn ngọt, khiến nhiều nông dân nhanh chóng bị mê mẩn.”, ông Năm Triển nói.
Tuy nhiên, nhu cầu sử dụng mít tươi của người tiêu dùng không thể “kham” hết số lượng khổng lồ được thu hoạch hằng năm.
Nguyên liệu cho việc chế biến mít sấy mới chỉ đạt 50% công suất, nhưng nông dân thì thừa mứa mít. Ảnh: CTV |
Theo cách tính của TS Nguyễn Đăng Nghĩa, Giám đốc Trung tâm Chuyển giao kỹ thuật nông nghiệp, nếu tính giá trên thị trường hiện nay, các công ty chế biến đang thu mua mức giá 1.800 đồng/kg mít quả, người trồng mít thu trên 250 triệu đồng/ha/năm, rất khả quan so với trồng lúa.
Tuy nhiên, đó là cách tính dành cho loại mít nghệ của Việt Nam, loại mít đang được các công ty chế biến thu mua. Còn đối với giống mít Thái, nếu không được thương lái Trung Quốc thu mua trở lại, khả năng thua lỗ của người nông dân là rất cao, bởi không có thị trường để tiêu thụ.
Doanh nghiệp thiếu nguyên liệu
Ông Nguyễn Quốc Bình, Trưởng phòng Quan hệ công chúng, Công ty Vinamit cho biết, đơn vị này đang bị thiếu nguyên liệu chế biến một cách trầm trọng. Vinamit đang lùng sục khắp nơi để mua nguyên liệu mít với số lượng không hạn chế. Tuy nhiên, công ty không thể mua mít Thái của nông dân vì loại này khi sấy sẽ bị mất mùi, mất màu và giảm độ ngọt.
Ông Nguyễn Trọng Nhân, Giám đốc điều hành sản xuất Nhà máy Vinamit cho biết, do không có lớp lụa
"Cứ nghĩ giống Thái Lan là tốt, bà con nông dân đã nhanh chóng tiếp nhận và đầu tư trồng cây mít Thái trong vườn, trang trại của mình. Hậu quả là năng suất thì cao mà đầu ra không có." (Ông Nguyễn Lâm Viên, Tổng giám đốc Vinamit) |
bọc múi nên khi đưa vào sấy, mít giống Thái nhanh chóng mất vị ngọt và hút dầu cao. Sau 3 tháng bảo quản, mít sấy giống Thái nhanh chóng mất màu, không còn màu vàng ngon mắt. Nếu thu hoạch mùa mưa, mít Thái ngậm nước nên vị càng nhạt.
Hiện nay một số giống mít ngoại đặc biệt là giống mít Thái đang được các công ty giống cây trồng tiếp thị, bán và khuyến khích cho bà con nông dân ở một số khu vực trồng. Việc này đang làm phá vỡ các vùng trồng mít nghệ hiện có của nông dân.
“Nếu việc này không được nhìn nhận đúng mức, tác động ảnh hưởng của nó lên đời sống kinh tế của nông dân và ngành công nghệ mít sấy Việt Nam rất nghiêm trọng.”, TS Nguyễn Đăng Nghĩa nhận định.
“Mặc dù Vinamit đã có các vùng nguyên liệu để tự chủ trên 50% nguồn nguyên liệu đầu vào, nhưng thị trường của chúng tôi còn rất nhiều cơ hội, đảm bảo cho mức tăng trưởng trên 50% mỗi năm nếu thu mua đầu vào phát triển tốt. Vậy thì tại sao nông dân lại lao vào mít Thái để rồi phải bán đổ bán tháo?", ông Nguyễn Lâm Viên, Tổng giám đốc Vinamit cho biết.
-
Ca Hảo