- Sức ép cung ứng điện cho phát triển kinh tế sẽ giảm tới 2,656 tỷ kWh so với kế hoạch ban đầu. Con số này tương đương sản lượng điện đã bị thiếu hụt trong năm 2008.
Đó là kết quả khách quan do giảm chỉ tiêu tăng trưởng GDP. Nếu chỉ tiêu tăng GDP là 6,5%, để đáp ứng nhu cầu điện cho phát triển kinh tế, ngành điện sẽ phải đạt mức tăng trưởng gấp đôi là 13% trong năm nay, tương ứng kế hoạch nhu cầu sản lượng điện phải đạt 86,65 tỷ kWh.
Tuy nhiên, do suy giảm kinh tế, nếu GDP chỉ tăng 5% theo phương án của Chính phủ trình Quốc hội, nhu cầu phụ tải điện cả nước năm nay sẽ chỉ còn 83,994 tỷ kWh, tăng 9,66% so với năm 2008. Tốc độ tăng này là rất thấp so với 2-3 năm trước.
Do suy giảm kinh tế, áp lực cung ứng điện cũng giảm theo. (Ảnh: baocongthuong.com.vn)
Như vậy, sản lượng cung ứng điện cho phát triển kinh tế đã giảm đi tới 2,656 tỷ kWh so với kế hoạch ban đầu. Con số này tương đương sản lượng điện đã bị thiếu hụt trong năm 2008, là nguyên nhân dẫn tới việc cắt điện triền miên của năm này.
Tương tự như lý do trên, ngành sản xuất luôn chiếm một nửa tỷ trọng trong sản lượng điện thương phẩm nhưng năm nay, áp lực cung ứng điện cho sản xuất giảm đi hàng chục lần so với năm 2008.
5 tháng đầu năm nay, điện dùng cho sản xuất công nghiệp, xây dựng chỉ tăng có 1,6%. Thậm chí, có tháng, điện cho sản xuất còn tăng trưởng “âm” do nhiều cơ sở dừng hoạt động. Trong khi năm 2008, điện cho sản xuất phải tăng từ 15- 20%.
Đồng thời, từ đầu năm đến nay, toàn hệ thống điện quốc gia đã được bổ sung 2.736MW nhờ việc đưa vào vận hành 9 công trình điện.
Bên cạnh đó, điều kiện thuỷ văn đã khá thuận lợi do lũ tiểu mãn về sông Đà sớm hơn mọi năm. Cao điểm là ngày 19/5 vừa qua, lượng nước là 3.800m3/giây, sản lượng khai thác của thuỷ điện Hòa Bình rất cao, khoảng 3,7 triệu kWh/ngày.
Các hồ thủy điện đều được chủ động tích nước ở mức cao hơn nhiều so với mọi năm. Mực nước hồ Hoà Bình là 116,68/117m, hồ Thác Bà là 57,9/58m, hồ Tuyên Quang là 119,41/120m, hồ Trị An là 60,94/62m.
Với tất cả các phân tích trên, áp lực thiếu điện không còn căng thẳng như 3 năm trước. Lãnh đạo Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) khẳng định với VietNamNet như vậy khi dự báo về tình hình điện trong 6 tháng cuối năm.
Bộ Công Thương cũng xác nhận, mùa khô, cả nước không thiếu điện mặc dù, nửa đầu tháng 5 có việc ngừng cấp hoàn toàn khí Cửu Long và khí PM3 cho cụm nhà máy điện Cà Mau (1.500MW).
Kể cả hiện nay, khí Nam Côn Sơn cung cấp cho điện đang sụt giảm do lịch bảo dưỡng, tháng 9 tới, sẽ có lịch cắt khí PM3 trong 6-8 ngày, song tình hình điện cũng không quá căng thẳng do khả năng bù đắp công suất từ nguồn thuỷ điện và nguồn chạy dầu.
EVN cho biết, cho tới thời điểm này, toàn hệ thống chưa có sự cố lớn nào tương tự như năm 2008. Năm 2008 là năm ngừng cấp khí PM3 hoàn toàn trong 6 tháng và các nhà máy Cà Mau 1, 2 vào rất chậm. Các sự cố này đã khiến điện năm 2008 bị hụt hơn 2 tỷ kWh dẫn tới cảnh thiếu điện trầm trọng, cắt điện tràn lan.
Tuy nhiên, do hệ thống điện luôn không có công suất dự phòng, cảnh báo nguy cơ thiếu điện vẫn luôn có giá trị. Tình trạng ăn đong này sẽ còn kéo dài nhiều năm nữa, do hàng loạt nguồn điện mới theo Tổng sơ đồ 6 chậm tiến độ.
-
Phạm Huyền