- Việt Nam xuất siêu trong 3 tháng đầu năm là yếu tố được Ngân hàng Nhà nước nhắc đến nhiều khi nói về khả năng bình ổn ngoại tệ trong thời gian qua. Tuy nhiên, tình trạng này đã đảo chiều khi nhập siêu tăng trở lại trong 2 tháng gần đây. Thiếu hụt ngoại tệ khi nhập siêu có thực sự trở thành một nỗi lo lớn?
USD chưa hết căng thẳng
Trong suốt tháng 5, Ngân hàng Nhà nước đã phải dùng hàng loạt biện pháp từ hành chính, kinh tế để điều hành nhằm bình ổn thị trường ngoại tệ. Từ việc áp dụng các biện pháp tuyên truyền để giải tỏa tâm lý, kiểm tra, chấn chỉnh hoạt động ngoại hối.
Đến những động thái can thiệp thị trường như thực hiện hoán đổi ngoại tệ trên quy mô lớn nhằm tạo thêm nguồn vốn VND cho các ngân hàng thương mại, điều hoà ngoại tệ trên thị trường ngoại tệ liên ngân hàng, hỗ trợ thanh khoản cho các ngân hàng thương mại.
USD bước đầu được bình ổn những chưa hết căng thẳng. (Ảnh: VNN) |
Bên cạnh đó, dưới định hướng của Ngân hàng Nhà nước, các ngân hàng thương mại quốc doanh đã giảm mạnh lãi suất USD nhằm hướng DN sang vay USD, thay cho mua USD như trước đây.
Tất cả những biện pháp đó, bước đầu được cho là đã có ít nhiều hiệu quả khi giá USD trên thị trường tự do không còn sốt liên tục và tình hình cân đối USD ở các ngân hàng đã đỡ hơn. Tuy nhiên, thực tế thị trường USD vẫn chưa hết căng thẳng.
Mới đây nhất, chính Ngân hàng Nhà nước cho biết, hiện tỷ giá giao dịch của các tổ chức tín dụng luôn kịch trần cho phép, tuy giá mua đã được niêm yết thấp hơn giá bán.
Ngày 5/6, Ngân hàng Nhà nước công bố tỷ giá bình quân liên ngân hàng ở mức 16.944 VND/USD, tăng 2 đồng so với hôm qua.
Theo đó, tỷ giá giao dịch của khối ngân hàng thương mại cũng tăng 2 đồng, lên mức 17.789 VND/USD (mua vào) - 17.791 VND/USD (bán ra). Đây vẫn là mức rất cao và cho thấy tình hình thị trường USD chưa thực sự hết căng thẳng.
Trong tình hình đó, những con số mới nhất từ Tổng cục Thống kê cho thấy, chỉ sau 2 tháng, từ xuất siêu hơn 1,6 tỷ USD, Việt Nam đã chuyển sang nhập siêu ở mức tương đương, đạt 1,5 tỷ USD.
Trong khi xuất khẩu chưa có nhiều dấu hiệu lạc quan hơn thì nhập siêu lại được cho là có khả năng tăng thêm, vì giá cả thế giới đang tăng cao trở lại và nhu cầu nhập khẩu trong nước đang lớn lên. Yếu tố khiến cán cân thương mại thặng dư trong thời gian qua là xuất khẩu vàng đã hoàn toàn biến mất.
Nhân tố lạc quan xuất siêu biến mất đã khiến không ít người trở nên lo lắng hơn về khả năng biến động của USD vì rất có thể, cung cầu ngoại tệ sẽ bị ảnh hưởng do nhập siêu lớn trong khi các nguồn ngoại tệ bổ sung khác như kiều hối, giải ngân USD hay ODA đều thấp hơn kỳ vọng.
Không nên quá lo lắng
Trao đổi về khả năng nhập siêu tăng mạnh trở lại có thể ảnh hưởng đến cung cầu USD trong những tháng cuối năm. Ông Nguyễn Mạnh - Giám đốc Ban nguồn vốn của Ngân hàng Đầu tư - Phát triển (BIDV) cho rằng, không nên quá lo lắng.
Bản thân nền kinh tế Việt Nam đang trong giai đoạn nhập khẩu để sản xuất và xuất khẩu. Hai năm 2007 - 2008, Việt Nam cũng đã nhập siêu rất lớn, nhưng chúng ta vẫn cân đối tốt. Nhập siêu có dấu hiệu tăng trở lại là dấu hiệu hồi phục của nền kinh tế, không đáng ngại.
Không nên quá lo lắng về nguồn cung USD. (Ảnh: VNN)
Theo dự báo từ Bộ Công thương, thâm hụt thương mại của Việt Nam trong năm 2009 giảm 60% so với năm 2008 và ở mức khoảng 6,9 tỷ USD.
Xuất khẩu giảm khoảng 10% so với năm 2008, đạt 56 tỷ USD nếu không tính xuất khẩu vàng và 58,2 tỷ USD nếu tính xuất khẩu vàng. Ngược lại, nhập khẩu giảm khoảng 19% so với năm 2008 và đạt 65,1 tỷ USD.
Với thâm hụt ngoại tệ như thế thì có thể trông chờ vào nguồn ngoại tệ nào để bù đắp? Trong một báo cáo mới đây, các chuyên gia của BIDV dự báo, thâm hụt ngoại tệ trên đây là không đáng ngại và sẽ được bù đắp bằng giải ngân USD, ODA và một phần là kiều hối.
Cụ thể, giải ngân dự án đầu tư trực tiếp nước ngoài ước đạt 5 tỷ USD trong năm và dòng tiền đầu tư gián tiếp nước ngoài vào Việt Nam dự kiến là cân bằng, không có sự rút lui ồ ạt. Điều này sẽ là hiện thực vì FDI đăng ký trong quý I/2009 là 6 tỷ USD cùng với phần còn lại của năm 2008 khoảng trên 50 tỷ USD.
Hơn nữa, lượng vốn đầu tư gián tiếp nước ngoài tại thị trường Việt Nam ước tính chỉ còn khoảng 2,5 tỷ USD, còn nhỏ so với con số 20 tỷ USD năm 2007. Do vậy, khả năng về hoạt động rút vốn dồn dập, tạo ra sức ép lên tỷ giá là khó xảy ra.
Bên cạnh đó, giải ngân ODA dự kiến đạt mức 1 tỷ USD, kiều hối giảm xuống mức 3 tỷ USD vẫn có thể bù đắp được các khoản trả nợ vay nước ngoài đến hạn khoảng 1,5 tỷ USD.
Chính vì thế, nhận định của BIDV được sự ủng hộ của nhiều chuyên gia kinh tế khi cho rằng, xét trên tổng thể cán cân lớn của nền kinh tế thì năm 2009 thâm hụt cán cân thanh toán chỉ ở mức khoảng 1 tỷ USD. Tốt hơn nhiều thực tế 2008.
Với lượng dự trữ ngoại hối quốc gia là 20 tỷ USD như hiện nay thì khả năng bình ổn thị trường ngoại hối là hiện thực. Nhưng khi các vấn đề vĩ mô như lạm phát, cân đối cung cầu được giải quyết thì việc hóa giải tình trạng găm giữ ngoại tệ, phá “bình ngưng” ngoại tệ tại tài khoản tiền gửi trong hệ thống ngân hàng cần được giải quyết sớm.
Vốn ngoại rút khỏi chứng khoán: Không còn là vấn đề Nếu như biến động của tỷ giá USD trong năm 2008 có nguyên nhân chính là sự ra vào “nóng” của đầu tư gián tiếp nước ngoài (FII). Cụ thể, dòng tiền FII đổ vào Việt Nam trong quý I/2008 đã khiến cung ngoại tệ dư thừa, góp phần đẩy tỷ giá USD/VND liên tục giảm. Trong khi đó chính sự tháo lui của dòng tiền vào tháng 5, 6 và tháng 10, 11 lại là nguyên nhân tạo sức ép lên tình trạng căng thẳng nguồn ngoại tệ, đẩy tỷ giá tăng cao đột biến. Tuy nhiên, điều này không còn đáng ngại trong năm 2009. Ghi nhận trên thị trường chứng khoán những tháng đầu năm cho thấy, dòng vốn FII tương đối cân bằng và không còn là nhân tố đáng kể. |
-
Phước Hà