- Trước quan ngại của người tiêu dùng, hôm 2/6, Cục Quản lý Chất lượng Hàng hóa và Đo lường - Tổng cục Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng đã tiến hành lấy các mẫu quần áo trẻ em đưa đi kiểm nghiệm. Song theo giới chuyên môn, việc đưa ra kết luận về chất lượng các sản phẩm này sẽ không dễ dàng.
Khó vì chưa có chuẩn
Nhiều cửa hàng cho hay sức mua quần áo trẻ em nhập ngoại chưa thấy dấu hiệu sụt giảm. (Ảnh: N.N) |
Trao đổi với VietNamNet, ông Trần Quốc Tuấn – Cục phó Cục Quản lý Chất lượng Hàng hóa và Đo lường cho biết, phải sau 1 tuần nữa mới có kết quả cuối cùng về chất formaldehyde có hay không trong quần áo trẻ em xuất xứ Trung Quốc bán tại Việt Nam và nếu có thì ở mức nào.
Nhưng thực tế, sẽ khó có thể đưa ra được kết luận thuyết phục về vấn đề này bởi hiện nay chúng ta chưa có tiêu chuẩn Việt Nam đánh giá mức độ xâm hại, cũng như ngưỡng cho phép của các độc tố như formaldehyde trong quần áo trẻ em nhập khẩu.
Đại diện Phòng Quản lý Chất lượng Hàng hóa số 1 trực thuộc Cục này phản ánh: “Phương pháp thử để xem xét hàm lượng hóa chất trong sản phẩm ở mức bao nhiêu là có, nhưng chưa biết sẽ kết luận thế nào, vì căn cứ là quy chuẩn của Việt Nam thì hiện nay chưa xây dựng được. Sau khi có kết quả kiểm nghiệm, kết luận thế nào sẽ phải xin ý kiến của Tổng cục”.
Không chỉ quần áo mà vải vóc và các phụ liệu dệt may nhập khẩu hiện nay cũng chưa có tiêu chuẩn kỹ thuật quy định về độ an toàn cho người sử dụng.
Tiến sĩ Nguyễn Văn Thông – Viện trưởng Viện Dệt may cho biết, dệt may là lĩnh vực sử dụng lượng hóa chất rất lớn.
Ngoài chuyện vượt ngưỡng formaldehyde (chất tạo xốp, chống nhăn, bảo quản trong vải) có thể gây dị ứng, viêm da, trong thuốc nhuộm vải còn có hóa chất aezo, nếu hàm lượng vượt quá mức cho phép sẽ gây ung thư hoặc chất Nickel gây nhiễm độc có trong cúc kim loại…
Nỗi lo hàng nhập lậu
Người tiêu dùng khi chọn mua không thể phát hiện các hóa chất độc hại bằng mắt thường hoặc căn cứ vào giá cả, nhãn mác. (Ảnh: N.N) |
Trong khi Việt Nam chưa có hàng rào kỹ thuật về lĩnh vực này thì các nước trên thế giới và ngay cả Trung Quốc đã ban hành và kiểm soát nghiêm ngặt sự có mặt của những hóa chất nguy hiểm kể trên trong các sản phẩm dệt may nhập khẩu, nhất là đối với trẻ em.
Là đơn vị chuyên nghiên cứu, tập hợp các quy chuẩn, rào cản kỹ thuật trong lĩnh vực dệt may của các nước trên thế giới, đồng thời là nơi kiểm nghiệm, cấp chứng nhận chất lượng cho sản phẩm dệt may xuất khẩu, Viện trưởng Viện Dệt may nhận xét, Trung Quốc đã xây dựng quy chuẩn kỹ thuật về hàng dệt may rất chi tiết, đầy đủ.
“Riêng quần áo trẻ em, theo quy định, tuyệt đối không có các chất độc hại ở ngưỡng phát hiện. Chính vì vừa rồi họ đi kiểm tra độ tuân thủ tại các địa phương, doanh nghiệp mới phát hiện ra hàng may mặc tại tỉnh Quảng Đông không đáp ứng được và công bố rộng rãi thông tin này” – Tiến sĩ Nguyễn Văn Thông nói.
Theo giới chuyên môn, Quảng Đông vốn được mệnh danh là trung tâm cung cấp hàng dệt may lớn nhất châu Á. Thực tế, do yêu cầu của thị trường, mức chất lượng nào họ cũng đáp ứng được.
Đây là điều rất đáng lo ngại khi mà rất nhiều hàng may mặc của Trung Quốc đang được bán ở Việt Nam là vào theo con đường nhập lậu, nguồn gốc trôi nổi, nhãn mác rối ren.
Bà Vũ Kim Hạnh - Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Kinh doanh và Hỗ trợ doanh nghiệp (BSA) trong trao đổi trên tờ Thanh Niên cách đây không lâu cho rằng, việc tiến tới ký hiệp định thương mại song phương giữa Việt Nam và Trung Quốc, là việc làm cần kíp thời gian tới nhằm hạn chế hàng nhập lậu.
Tờ China Daily cuối tháng 5/2009 đưa tin, gần một nửa số quần áo và một phần ba đồ gỗ sản xuất cho trẻ em tại tỉnh Quảng Đông - trung tâm xuất khẩu hàng công nghiệp hàng đầu Trung Quốc, là không an toàn, với nhiều sản phẩm có chứa những hoá chất độc hại. Theo China Daily, kết luận trên được đưa ra sau cuộc điều tra chính thức của cơ quan chức năng tỉnh Quảng Đông. Cuộc kiểm tra được thực hiện đối với quần áo, đồ chơi và đồ gỗ do các công ty trong tỉnh sản xuất, nhân ngày Quốc tế thiếu nhi 1/6. Đối với quần áo, cơ quan này đã kiểm tra 60 mẫu quần áo của 43 công ty và phát hiện chỉ 31 mẫu đạt chuẩn an toàn. Như vậy, chỉ có 53,5% mẫu hàng may mặc đáp ứng những tiêu chuẩn an toàn, còn rất nhiều mẫu chứa hàm lượng formaldehyde quá mức, một hoá chất có thể gây kích ứng da hoặc nhiễm trùng đường hô hấp. Đối với đồ gỗ dành cho trẻ em, chỉ có 67,7% mẫu hàng có vẻ an toàn, trong khi nhiều sản phẩm đang bị nghi ngờ chứa quá nhiều formaldehyde hoặc những kim loại nặng nguy hiểm đến sức khoẻ của trẻ như chì, cátmi, crom. |
-
Nguyễn Nga
Nếu bạn chưa hài lòng về sản phẩm, dịch vụ được thụ hưởng hãy gửi bức xúc của bạn cho chúng tôi ! Đường dây nóng: Email: bvkh@vietnamnet.vn |