- "Nhà đèn đổ lỗi cho việc quá tải là không thể chấp nhận được. Chẳng lẽ, cứ nắng nóng đỉnh điểm là người dân lại chịu cảnh mất điện?", chị Nguyễn Thanh Thuý ở ngõ chợ Khâm Thiên bất bình phản ánh với VietNamNet.
Dân vật vã vì mất điện
Tối 9/6, cảnh mất điện lại tái diễn ở những khu vực dân cư đã chịu cảnh không có điện từ đêm hôm 8/6. Cuộc sống sinh hoạt của nhiều hộ dân ở Hà Nội bị đảo lộn.
Chị Nguyễn Thanh Thuý, ngõ 308, ngõ chợ Khâm Thiên, tổ 41 A, phường Phương Liên, quận Đống Đa, Hà Nội bức xúc: “Không cái khổ nào bằng việc mất điện. Đã 2 đêm nay, vợ chồng tôi phờ phạc vì điện đóm.
Nhà có 2 con nhỏ, 1 đứa mới có 7 tháng tuổi. Nóng nực quá, cháu cứ khóc quấy suốt, xót ruột lắm. Vợ chồng tôi, mỗi người một cái quạt, cứ ra sức quạt phành phạch, dỗ con cả đêm”.
Sinh hoạt người dân bị đảo lộn vì mất điện. (Ảnh: Dddn.com.vn)
“Hàng xóm, người thì lên sân thượng, người thì túa ra đầu ngõ hóng mát, nhưng thử hỏi, với cái thời tiết này thì lấy đâu ra gió mát cơ chứ!”
Tại phường Giáp Bát, quận Hoàng Mai cũng đang phải chịu nghịch cảnh này. Chị Nguyễn Cẩm Tú ở tổ 111, phường này kể, hai tối rồi, nhà chị đều bị mất điện. “Điện mất từ lúc 21h30, mất trong khoảng 20 phút, có điện được một lúc lại mất.
Cứ như thế, 2 lần phập phù. Lúc ấy đã khuya rồi, cả nhà chỉ đành ngồi cầu trời cho có điện trở lại. Trưa nay, đúng giờ cắm cơm, cũng lại mất điện".
Con chị Tú mới học lớp 3, đang trong kỳ nghỉ hè. Chị Tú bức xúc, nếu điện cứ mất thường xuyên thế này sẽ ảnh hưởng rất lớn đến sức khoẻ của trẻ em.
Cũng bị mất điện 2 đêm liên tiếp, anh Nguyễn Thế Thuận, ngõ 173/114 Hoàng Hoa Thám, phường Ngọc Hà ngao ngán cho biết: “Nóng quá, không còn cách nào khác, cả nhà tôi phải lang thang ngoài đường cả đêm.
Mấy gia đình láng giếng thì dắt nhau sang nhà người quen ngủ nhờ hoặc đi nhà nghỉ hết”.
Nỗi khổ mất điện đang diễn ra khắp Hà Nội, từ khu vực trung tâm cho đến các quận, huyện ngoại thành. Tình trạng này không đơn giản là cục bộ chỉ vài nơi như ngành điện giải thích.
Trong 2 ngày qua, theo ghi nhận của VietNamNet, mất điện diễn ra nhiều lần tại khu tập thể Yên Ngưu, Văn Điển, huyện Thanh Trì; phường Lê Đại Hành, phố Bà Triệu, quận Hoàn Kiếm; phố Lê Quý Đôn, quận Hà Đông; phố Trung Liệt, quận Đống Đa; phường Cống Vị, quận Ba Đình;
Phố Yên Hoà, khu vực phường Dịch Vọng, quận Cầu Giấy; khu vực Phú Diễn, khu vực Mỹ Đình, huyện Từ Liêm; phường Thuỵ Khuê, quận Tây Hồ... Trung bình, mỗi khu vực mất điện ít nhất khoảng 2 tiếng đồng hồ và không hề có thông báo trước. Cá biệt, có khu vực mất điện cả ban ngày hoặc cả buổi đêm.
Nhà điện bó tay với quá tải
“Hai ngày này rồi, cứ đến 22h 30 là nhà tôi mất điện, tới 1h 30 sáng hôm sau mới có điện lại. Chúng tôi thực sự lo lắng, không biết đêm nay có tái diễn tình trạng này nữa không?”, chị Dương Thúy Hằng, số 14B, 14B, 144/4 Quan Nhân, Thanh Xuân băn khoăn.
Hạ tầng lưới điện Hà Nội đang có vấn đề? (Ảnh: VNN)
Trước cách lý giải của ngành điện là vì quá tải điện, người dân Hà Nội đang thấp thỏm nỗi lo liệu đêm nay, tức tối 10/6 và rạng sáng 11/6, nhà mình có tiếp tục bị mất điện nữa không?
Đây quả là nghịch lý vì Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) đã thông báo, năm nay đủ điện, không có sự cố lớn về nguồn, lũ tiểu mãn lại về sớm… Bên cạnh đó, EVN cũng không hề giới hạn sản lượng tiêu thụ điện cho điện lực Hà Nội.
Hôm 10/6, đại diện Công ty Điện lực Hà Nội vẫn tiếp tục khẳng định nguyên nhân mất điện vì quá tải ngày nắng nóng. Phụ tải điện Hà Nội hôm nay đã tăng lên mức kỷ lục, đạt 32 triệu kWh, tăng 2 triệu kWh so với hôm qua, 9/6. Đây là mức quá cao so với ngày thường là 24 triệu kWh/ngày.
Mức tiêu thụ này đã chiếm 1/9 sản luợng điện trung bình ngày của cả nước. Công suất đỉnh ngày 10/6 của Hà Nội cũng đã lên tới 1.540MW, tăng 140MW so với hôm 9/6 và tăng tới 540-640MW so với ngày thường.
Trước những bức xúc trên, điện lực Hà Nội cũng đang ngồi trên đống lửa vì chưa đảm bảo được việc khắc phục ngay sự cố này.
Trả lời cho câu hỏi, liệu đêm nay, các khu vực kể trên có tiếp tục bị mất điện nữa không? Bà Nguyễn Thị Huệ, Phòng Tuyên truyền thi đua, Công ty Điện lực Hà Nội nói: “Điện lực Hà Nội chưa thể đảm bảo chắc chắn nay, tối nay sẽ không xảy ra sự cố mất điện. Việc có mất điện hay không còn phụ thuộc vào mức tiêu thụ điện của người dân. Chúng tôi đang nỗ lực hết sức để khắc phục tình trạng ngày”.
“Tình hình phụ tải quá cao và rất căng thẳng. Có hàng trăm automat nhảy mà chúng tôi không thể thống kê hết được. Cứ khu dân cư nào dùng nhiều, có nhiều điều hoà là nhảy automat.
Cả mấy ngày nay, nhân viên toàn ngành điện Hà Nội đã tỏa ra khắp khu vực để khắc phục sự cố này. Tuy nhiên, không thể ngày một ngày hai là xong”, bà Nguyễn Thị Huệ, Phòng Tuyên truyền thi đua, Công ty Điện lực Hà Nội cho biết thêm.
Đại diện của công ty điện lực Hà Nội này cũng đề nghị: “Trong bối cảnh này, chúng tôi mong người dân thông cảm với ngành điện, cố gắng giảm phụ tải bằng việc giảm bớt các thiết bị dùng điện.
Đặc biệt, đề nghị người dân không để các thiết bị ở chế độ chờ điện. Như vậy sẽ rất nguy hiểm và mất điện sẽ lại xảy ra khi chúng tôi đóng automat trở lại!”
Ông Trịnh Xuân Nguyên, Trưởng phòng kỹ thuật, Công ty Điện lực Hà Nội khẳng định: “Chúng tôi đã cho tăng cường các ca trực, đồng thời, triển khai ngay việc nâng công suất các automat, nâng công suất các máy biến áp đã bị quá tải, cân đảo pha, tạo ra phương thức cấp điện tối ưu.
Tuy nhiên, với các giải pháp này, tình hình điện sẽ chỉ khá dần lên thôi. Nắng nóng đột ngột thế này, vẫn có thể mất điện ở một số khu vực”.
Giải pháp lâu dài là sẽ nâng công suất truyền tải của hệ thống điện nhưng chính điện lực Hà Nội cũng gặp khó khăn.
Theo bà Huệ, chẳng hạn tại phường Thuỵ Khuê là một điểm nóng về quá tải. Ở đây có 18 trạm biến áp, dung lượng 7MW, thiếu 5 trạm biến áp nữa. Tuy nhiên, ngành điện đã nhiều năm nay xin đất để cấy thêm trạm biến áp, nhưng UBND phường cũng chưa chỉ ra được chỗ nào để đặt trạm.
“Điện là ngành độc quyền, người dân không thể lựa chọn dịch vụ cung ứng điện khác. Ngành điện Hà Nội phải có giải pháp khắc phục triệt để sự cố này", chị Nguyễn Thanh Thúy kiến nghị.
"Giá điện đã tăng cao thì chất lượng điện phải đảm bảo. Chúng tôi không thể chấp nhận cách đổ lỗi cho quá tải phụ tải được vì nhu cầu tăng cao là điều tất yếu”.
-
Phạm Huyền
Nếu bạn chưa hài lòng về sản phẩm, dịch vụ được thụ hưởng hãy gửi bức xúc của bạn cho chúng tôi ! Đường dây nóng: Email: bvkh@vietnamnet.vn |