221
442
Kinh tế - Thị trường
kinhte
/kinhte/
1210938
Giật mình chất lượng nước mắm tự phong
1
Article
null
Giật mình chất lượng nước mắm tự phong
,

 - Hiện các doanh nghiệp đều tự công bố chất lượng nước mắm, nhưng chưa có cơ quan nào đứng ra hậu kiểm xem có đúng như thế không, Trưởng ban Bảo vệ người tiêu dùng, Cục Quản lý Cạnh tranh (Bộ Công Thương), thừa nhận hôm 10/6.

“Thượng hảo hạng” tự phong

Đứng trước kệ nước mắm trong siêu thị, chị Vân tần ngần không biết chọn loại nào. Quá nhiều loại, loại nào cũng được đóng chai “sáng choang” với quảng cáo hấp dẫn về độ đạm cao, chứng nhận vệ sinh, hương vị đặc biệt, thơm ngon hảo hạng…

Ra chợ, chị còn “hoang mang” hơn bởi hàng chục nhãn hiệu được dán mác "Hàng chất lượng cao", "Huy chương vàng”, “Thương hiệu nổi tiếng”… với thành phần từ cá cơm, cá hồi, cá chim trắng, cá trích, cá điêu hồng, cá thu, cá nục.…

Sẽ chẳng có vấn đề gì nếu tất cả những công bố trên đều được kiểm định và công nhận bởi cơ quan chức năng.

Hiện trên thị trường có rất nhiều loại nước mắm khác nhau. (Ảnh: Hương Cát)

Nhưng thực tế, các thông số về độ đạm, độ sạch, nguồn gốc nguyên liệu….đều do chính các doanh nghiệp tự nhận và tự… đảm bảo.

“Giờ các doanh nghiệp đều tự công bố chất lượng nước mắm, nhưng chưa có cơ quan nào đứng ra hậu kiểm xem có đúng như thế không”, TS. Vũ Thị Bạch Nga, Trưởng ban Bảo vệ người tiêu dùng Cục Quản lý Cạnh tranh (Bộ Công Thương) thừa nhận tại tọa đàm chiều 10/6.

Hậu quả của việc thoải mái “tự xưng” là chất lượng nước mắm bị thả nổi hoàn toàn.

Năm ngoái, Quản lý Thị trường Hải Phòng đã phát hiện có doanh nghiệp bán nước mắm cá hồi trong khi chỉ pha hương hóa chất có mùi… cá hồi.

Việc nước mắm quảng cáo làm từ cá điêu hồng mà thực chất là từ cá tạp. Nước mắm nhĩ độ đạm cao hóa ra có pha hóa chất giả độ ngọt của đạm cá… cũng thành “chuyện thường ngày ở huyện”.

TS. Nguyễn Văn Tách, Cục trưởng Cục Tiêu chuẩn đo lường chất lượng Quân đội, cho biết các vi khuẩn Clostidium gây nhức đầu, tiêu chảy, tử vong vi khuẩn tụ cầu vàng…vẫn bị phát hiện với cả những hãng nước mắm tên tuổi “siêu hạng đặc sản”, “thượng hảo hạng”…

Lý do là các nhà sản xuất này không bị kiểm soát về tiêu chuẩn vệ sinh an toàn thực phẩm nên cứ thoái mái với “công nghệ” mà theo bà Nga là “nhìn một lần là khỏi muốn ăn mắm”.

Tuy nhiên, vệ sinh thực phẩm chưa đáng sợ bằng việc lạm dụng hóa chất trong sản xuất nước mắm, đặc biệt là những loại có độ đạm cao. Để có “siêu đạm”, nhiều cơ sở đã dùng “bài” hầm xương súc vật hoặc khô dầu đậu nành pha vào.

Thậm chí, có nhà sản xuất chẳng cần đến mắm. Với muối, đường hóa học cộng với chút nước màu, chất tạo mùi…họ đã có thể tự dán mác “nước mắm cốt hảo hạng”.

Để chống thối, hỏng, nhiều hoá chất độc hại ngoài danh mục cho phép đã bị sử dụng tùy tiện, không loại trừ có cả 3-MCPD hay melamin là những hóa chất gây ung thư.

Bỏ lửng hậu kiểm vì giá trị nhỏ?

Việc không có cơ sở nào để đảm bảo chất lượng, mặc cho doanh nghiệp tự công bố, lơ là khâu hậu kiểm vài năm gần đây đã khiến “loạn”chất lượng nước mắm.

TS. Nguyễn Văn Tách thừa nhận: “Kết quả kiểm tra trong 3 năm gần đây cho thấy mắm và nước mắm có hiện tượng xuống cấp, mất vệ sinh, chứa vi khuẩn gây bệnh, chứa các chất bảo quản quá mức cho phép, các chất gây độc hại bị cấm”.

Hậu quả đã thấy nhãn tiền và được thừa nhận, nhưng tại sao các cơ quan chức năng lại chưa vào cuộc?

Bà Nga lý giải, do quá nhiều hạn chế khiến việc hậu kiểm chưa được thực hiện. “Ngay chuyện chất lượng và giá sữa khiến dư luận bất bình thế mà còn chưa làm được”, bà Nga than phiền.

Một lý do khác, theo ông Tách, là trị giá của một chai nước mắm không cao, chừng vài chục ngàn đồng nên nếu nước mắm bị hỏng, thối, người tiêu dùng thường chỉ phàn nàn vài câu rồi lẳng lặng vứt đi.

“Người tiêu dùng không muốn làm to chuyện, cơ quan quản lý lơ là càng khiến các nhà sản xuất càng được thể thoải mái làm hàng chất lượng kém”, ông Tách bức xúc.

Nhưng thực tế, người Việt ăn nước mắm với “tần  suất” cao, vài ngày một lần, nguy cơ nước mắm độc hại là chuyện mỗi ngày.

TS Đỗ Văn Nam, Vụ Khoa học Công nghệ và Môi trường cho biết, sản lượng mắm cả nước khoảng 200 triệu lítt/năm, chủ yếu tiêu thụ nội địa. Hà Nội tuy không có nguồn cá tươi, nhưng vẫn có tới 50 cơ sở sản xuất, cung ứng nước mắm, đủ thấy nhu cầu thị trường sôi động thế nào.

Nhưng với quá nhiều nhãn hiệu nước mắm, nhãn hiệu nào cũng tự xưng là hảo hạng, siêu đạm mà không có lấy một xác nhận nào từ cơ quan có thẩm quyền khiến người tiêu dùng vô cùng hoang mang.

Vậy là trong lúc đợi các cơ quan quản lý “chú ý”, người tiêu dùng đành chọn “hú họa”, phổ biến nhất là theo giá tiền hoặc độ đạm ghi trên vỏ chai dù không chắc con số đó có thật hay không.

  • Phan Hùng

Nếu bạn chưa hài lòng về sản phẩm, dịch vụ được thụ hưởng
 hãy gửi bức xúc của bạn cho chúng tôi !

Đường dây nóng:               (091)356-4657        hoặc (04)3772-2729
Email:
bvkh@vietnamnet.vn

,
Ý kiến của bạn
Ý kiến bạn đọc
,
,
,
,
;