- Nguyên nhân căn bản khiến trái phiếu Chính phủ phát hành gần đây "ế" là do lãi suất chưa thực sự hấp dẫn. Thậm chí, có ý kiến cho rằng, lãi suất đang bị méo mó do chính sách trợ cấp lãi suất của Chính phủ. Cần điều chỉnh lại lãi suất theo hướng thị trường.
Chính phủ đang xin ý kiến Quốc hội tiếp tục phát hành bổ sung 20.000 tỷ đồng trái phiếu. (Ảnh: VNN)
Bên hành lang Quốc hội, PV VietNamNet ghi lại ý kiến của các đại biểu về giải pháp chống "ế" cho trái phiếu Chính phủ.
Bộ trưởng Vũ Văn Ninh. (Ảnh: X.Linh)
Không chạy theo thị trường để huy động bất cứ giá nào (Bộ trưởng Bộ Tài chính Vũ Văn Ninh):
Có nhiều nguyên nhân khiến cho việc phát hành trái phiếu Chính phủ chậm, trong đó có việc các nguồn huy động người ta tính toán hiệu quả và cũng có cả vấn đề lãi suất.
Hơn nữa, cũng phải căn cứ vào cái sử dụng để huy động. Sử dụng đến đâu huy động đến đấy.
Trong bối cảnh từ đầu năm đến nay, Việt Nam đang huy động các nguồn khác nên huy động trái phiếu cũng vừa phải để không lãng phí, nhưng khi nào cần thiết để huy động với số lượng lớn thì sẽ dùng nhiều biện pháp.
Xu hướng của Chính phủ hiện nay là mong muốn lãi suất vừa phải, nhất là trong bối cảnh cần phải kích cầu thì lãi suất phải hạ, cần thấp hơn. Ví dụ như vừa rồi ngân hàng đã điều chỉnh lãi suất rất nhiều.
Tuy nhiên, gần đây các ngân hàng khó khăn về nguồn cho vay nên điều chỉnh tăng lãi suất huy động lên. Đương nhiên tới đây mình sẽ phải tính toán lãi suất hình thành trên thị trường để xác định lãi suất trái phiếu Chính phủ.
Trái phiếu này vừa để huy động vốn, vừa là để làm cơ sở sau này hình thành lên một đường cong lãi suất trên thị trường.
Do vậy, phải vừa căn cứ vào yêu cầu sử dụng, vừa căn cứ vào tình hình thị trường để xác định, chứ không phải là thị trường không để huy động bằng bất cứ giá nào. Việc điều hành đó phải linh hoạt.
TS. Trần Du Lịch
(Ảnh: H.Yên)
Lãi suất hiện nay trên thị trường đang bị méo mó (TS. Trần Du Lịch, nguyên Viện trưởng Viện Kinh tế TP.HCM):
Trái phiếu trung dài hạn khó bán, đơn giản là do lãi suất thấp mà chúng ta kỳ vọng có thể tăng trong tương lai lại liên quan đến chỉ số tăng giá (CPI). Trong khi đó, Việt Nam lại chưa dự tính được chỉ số này. Cái gì mà mình tính toán trung dài hạn là rất khó, không dự báo được.
Hơn nữa, lãi suất hiện nay trên thị trường đang bị méo mó do chính sách trợ cấp lãi suất của Chính phủ. Tôi nghĩ là khi nào Chính phủ bỏ hoàn toàn lãi suất trợ cấp thì lúc đó tính thị trường mới quay trở lại.
Tôi cho rằng, trong việc huy động trái phiếu Chính phủ nên có một cơ chế mềm, phần nào là lãi suất cố định, phần nào là thả nổi.
Phải cân đong với lãi suất khác (ông Phùng Quốc Hiển, Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính - Ngân sách Quốc hội):
Ông Phùng Quốc Hiển. (Ảnh: TBKTSG) |
Chính phủ gặp khó khăn nếu phát hành trái phiếu lãi suất cao vì phải trả một lượng tiền lãi rất lớn trong tương lai. Đó là gánh nặng cho ngân sách.
Một vấn đề nữa là nếu lãi suất không phù hợp sẽ phát ra thị trường các tín hiệu cho lãi suất trong hệ thống tín dụng, vay và cho vay thương mại. Do vậy, Chính phủ phải hết sức thận trọng.
Và làm sao phải đưa ra được lãi suất phù hợp ở cả hai mặt: Thu hút được sự tham gia của các nhà đầu tư và đảm bảo yêu cầu trả nợ trong tương lai.
Theo tôi phải có sự cân đối với các lãi suất khác, kể cả lãi suất của hệ thống tín dụng, thương mại, mức sinh lời của cổ tức, cổ phiếu trên thị trường chứng khoán.
Phải cân đong vì thị trường tài chính cũng như các thị trường khác hoạt động theo quy luật cung - cầu. Mà điều quan trọng nhất lúc này là cầu với cung đang có chuyện. (Theo TBKTSG)
-
Hà Yên