- Tâm điểm của kinh tế thế giới tuần qua là việc 10 ngân hàng lớn của Mỹ được chấp thuận trả lại 68 tỷ USD tiền vay từ chương trình giải cứu tài sản xấu. Đây được coi là dấu hiệu tốt cho thấy khu vực tài chính Mỹ đang dần ổn định.
Hôm 7/6, Hội nghị cấp cao lần thứ 13 Khối thị trường chung các nước Ðông và Nam châu Phi (COMESA) đã diễn ra tại Zimbabwe. Hội nghị đã đi đến quyết định thành lập liên minh hải quan và thống nhất mức thuế quan chung đối với hàng hóa nhập khẩu.
(Ảnh: Ipsnews)
Khối COMESA thành lập năm 1994, gồm 19 nước ở khu vực Ðông và Nam châu Phi, với tổng số dân khoảng 400 triệu người, tổng GDP khoảng 360 tỷ USD.
Mục tiêu của khối là đẩy mạnh nhất thể hóa toàn diện, phát triển thương mại và đầu tư, tăng sức cạnh tranh quốc tế để nâng cao đời sống của các quốc gia thành viên. Năm 2000, khối này đã thiết lập khu vực thương mại tự do.
Ngày 8/6, chỉ số Nikkei 225 tại sàn giao dịch chứng khoán Tokyo đã tăng vọt, lần đầu phá ngưỡng kháng cự 9.900 điểm. Thị trường chứng khoán Nhật Bản đóng cửa với mức tăng cao nhất trong vòng 8 tháng qua.
Trước đó, nhiều chuyên gia dự đoán việc General Motors (Mỹ) nộp đơn xin bảo hộ phá sản sẽ tác động mạnh tới cổ phiếu ngành công nghiệp ôtô Nhật.
Tuy nhiên, trên thực tế, việc phá sản của General Motors không những không tạo nên ảnh hưởng xấu đối với cổ phiếu ôtô Nhật, mà ngược lại còn giúp cho cổ phiếu của Toyota, Honda và Nissan tăng giá trị.
Ngày 9/6, Bộ Tài chính Mỹ tuyên bố, 10 ngân hàng lớn ở nước này đã được chấp thuận kế hoạch trả lại 68 tỷ USD đã vay trong khuôn khổ chương trình giải cứu tài sản xấu (TARP).
(Ảnh: Corbis)
Đây là dấu hiệu mới nhất cho thấy khu vực tài chính ốm yếu của Mỹ có thể tự chống đỡ mà không cần sự trợ giúp của chính phủ.
Theo các chuyên gia kinh tế, mặc dù sự kiện này cho thấy hệ thống tài chính đang dần ổn định, song cũng không tránh khỏi nguy cơ làm tăng khoảng cách giữa các ngân hàng khỏe và yếu.
Bộ trưởng Tài chính Mỹ Timothy Geithner tuyên bố, "việc hoàn trả này là dấu hiệu khích lệ về sự hồi phục tài chính, nhưng chúng ta vẫn còn nhiều việc phải làm".
Tháng 10/2008, Quốc hội Mỹ đã thông qua chương trình TARP trị giá 700 tỷ USD để giúp các thể chế tài chính vượt qua thời điểm khó khăn nhất của cuộc khủng hoảng. Có hơn 600 ngân hàng được vay khoảng 200 tỷ USD theo chương trình TARP và 22 ngân hàng nhỏ đã được phép hoàn trả 1,9 tỷ USD vốn vay.
Hãng xe hơi Fiat của Italy, hôm 10/6, đã chính thức trở thành chủ của hầu hết tài sản thuộc hãng xe hơi Chrysler Mỹ, sau khi cả hai đạt được thỏa thuận thành lập liên doanh mới Chrysler Group LLC.
Liên minh mới sẽ sản xuất bốn loại xe nhãn hiệu Chrysler, Jeep, Dodge và Mopar. Phần tài sản còn lại của Chrysler sẽ được bán để trả nợ.
Ban giám đốc 9 thành viên sẽ điều hành liên doanh mới. Fiat chỉ định 3 giám đốc, Chính phủ Mỹ chỉ định 4 giám đốc, Chính phủ Canada chỉ định một và Hiệp hội công nhân ngành xe hơi chỉ định một giám đốc.
Giám đốc điều hành của Fiat, ông Sergio Marchionne, 56 tuổi, nhận nhiệm vụ tổng giám đốc của liên doanh. Theo ban lãnh đạo mới của Chrysler, liên doanh sẽ chuyển giao công nghệ và mở cửa lại các nhà máy của Chrysler trong vài tháng tới, chủ yếu tập trung vào sản xuất loại xe nhỏ.
Hôm 11/6, Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) công bố báo cáo cho hay, tổng giá trị tài sản của các gia đình ở nước này đã giảm xuống còn 50.380 tỷ USD, tương đương giảm 1.330 tỷ USD so với mức hồi cuối năm 2008.
Nguyên nhân chính là do thị trường chứng khoán Mỹ bị thu hẹp khá nhiều trong 3 tháng đầu năm 2009, từ những tác động từ khủng hoảng tài chính toàn cầu.
(Ảnh: Corbis)
Cơ quan thống kê Liên minh châu Âu, hôm 12/6, cho biết, sản xuất công nghiệp khu vực châu Âu tháng 4/2009 giảm kỷ lục, suy thoái kinh tế toàn cầu khiến nhu cầu hàng hóa giảm mạnh.
Cụ thể, sản xuất công nghiệp tháng 4/2009 suy giảm 21,6% so với một năm trước, mức suy giảm mạnh nhất kể từ năm 1986.
Từ tháng 2/2009, đồng Euro tăng giá 12% so với USD, các công ty sản xuất khu vực châu Âu vì thế gặp rất nhiều khó khăn. Số lượng đơn đặt hàng máy móc của Đức tháng 4/2009 giảm mạnh.
Trong khi đó, Ngân hàng Thế giới dự đoán năm 2009, kinh tế toàn cầu sẽ suy giảm lần đầu tiên kể từ Chiến tranh Thế giới thứ 2. Do khủng hoảng tài chính, các công ty buộc phải thu hẹp sản xuất và xả hết hàng tồn kho.
-
Đ.T (Theo THX, AFP, Reuters)