221
442
Kinh tế - Thị trường
kinhte
/kinhte/
1221596
Chịu hai "đòn" liên tiếp, hàng không chao đảo
0
Article
null
Chịu hai 'đòn' liên tiếp, hàng không chao đảo
,

 - Suy thoái kinh tế và dịch cúm A (H1N1) khiến các hãng hàng không chao đảo. Lợi nhuận của "Anh cả" Vietnam Airlines trong ba tháng liên tiếp ở mức rất thấp. Indochina Airlines vẫn loay hoay giải quyết bài toán nợ nần và Vietjet Air chưa chắc chắn về chuyến bay đầu tiên.

Hành khách nội địa đang là cứu cánh với các hãng hàng không trong nước. (Ảnh: Phạm Hải)

Thua lỗ trên đường bay quốc tế

Số liệu từ Tổng công ty Hàng không Việt Nam (Vietnam Airlines) cho thấy, 6 tháng đầu năm, hoạt động của hãng bị ảnh hưởng nghiêm trọng, nhất là trên các tuyến bay quốc tế.

Lượng khách này đến Việt Nam qua đường hàng không sụt giảm gần 12%, khiến Vietnam Airlines chỉ đạt 42% kế hoạch năm. Trong khi hệ số ghế trung bình tháng của hãng đạt 72,5% thì thị phần quốc tế chỉ đạt có 36,5%. Dịch cúm A/H1N1 khiến nhu cầu đi lại của khách quốc tế sụt giảm mạnh mẽ.

Cạnh tranh trên các đường bay này cũng ngày càng gay gắt khi các hãng hàng không nước ngoài liên tục tung ra các chương trình giảm giá.

TIN LIÊN QUAN
Chính vì vậy, mặc dù thị trường hàng không nội địa tăng trưởng 15% so với cùng kỳ năm ngoái, nhưng không thể bù đắp cho sự thua lỗ trên các đường bay quốc tế.

6 tháng đầu năm nay, lợi nhuận của Vietnam Airlines là 28 tỷ đồng. Trong khi đó, riêng quý I, lợi nhuận đã là 24 tỷ đồng. Như vậy, 3 tháng liên tiếp của quý II, hãng chỉ thu được 4 tỷ đồng lợi nhuận.

Có thể nói, khủng hoảng và dịch cúm A (H1N1) đã làm cho các hãng hàng không nội địa chao đảo, sau khi chưa kịp hồi phục do giá dầu leo thang năm ngoái.

Tổng cộng, lượng khách nửa đầu năm 2009 của Vietnam Airlines gần như không tăng (tăng 0,6%). Jetstar Pacific tuy duy trì được mức tăng 28,7% về sản lượng hành khách trong quý I, nhưng vẫn thấp hơn nhiều so với mức tăng 54,6% trong năm 2008.

Indochina Airlines vẫn đang xoay xở với khoản nợ chưa thể thanh toán, lên tới 50 tỷ đồng gồm tiền xăng dầu, tiền dịch vụ không lưu, dịch vụ cảng... Còn Vietjet Air vẫn chưa đủ tự tin để bắt đầu những chuyến bay đầu tiên của mình sau hơn một năm được cấp giấy phép kinh doanh. Hiện điểm bấu víu duy nhất mà các hãng đang bám vào chính là lượng khách nội địa vẫn tăng trưởng ngoạn mục.

Nỗ lực vượt qua

Trước diễn biến khách quan bất lợi trên thị trường, Vietnam Airlines xác định kế hoạch năm 2009 sẽ triển khai theo nhiều kịch bản khác nhau, tuỳ thuộc vào biến động thực tế trong từng giai đoạn. Hãng cho biết sẽ theo dõi sát diễn biến thị trường để có các giải pháp điều hành linh hoạt, hiệu quả.

Trong đó, đặc biệt lưu ý kiểm soát chặt chẽ chi phí và thực hiện triệt để tiết kiệm.

Năm nay, riêng chương trình tiết kiệm nhiên liệu bay đã giúp Vietnam Airlines "bỏ túi" từ 6-7 triệu USD. Song song với đó là triển khai việc nghiên cứu, nắn đường bay để góp phần giảm chi phí.

Từ đầu tháng 7, hãng thực hiện bay thẳng theo 4 đường bay mới và thay đổi phương thức bay đối với sân bay Tân Sơn Nhất, nhờ đó có thể tiết kiệm hàng trăm tỷ đồng/năm.

Các dịch vụ tại sân bay đã được miễn giảm thuế rất nhiều.
(Ảnh: Phạm Hải)

Chính phủ cũng đã có những giải pháp quan trọng để cứu giúp các hãng hàng không nội địa, như phê duyệt đề án đầu tư, nâng cấp cải tạo 10 cảng hàng không đến 2020 đạt tiêu chuẩn quốc tế.

Đồng thời, thông qua phương án tài chính cho phép Vietnam Airlines mua thêm 32 máy bay Airbus, 16 máy bay Boeing và 11 máy bay ATR 72 và đảm bảo nguồn ngoại tệ cần thiết cho phép hãng thuê máy bay, nâng đội bay lên trên 100 chiếc vào năm 2014.

Ông Đặng Ngọc Minh, Phó Vụ trưởng Vụ Chính sách Thuế - Bộ Tài chính, cho biết, về chính sách thuế, hiện đã áp dụng mức 0% đối với thuế nhập khẩu phương tiện bay và các bộ phận. Các máy móc thiết bị phục vụ cho ngành hàng không cũng có thuế nhập khẩu ưu đãi hơn so với các ngành khác (xe buýt cho sân bay chịu thuế nhập khẩu 5%, trong khi xe buýt khác là 60%).

Hơn nữa, từ đầu năm 2009 đến nay, thuế nhập khẩu nhiên liệu bay cũng liên tục được điều chỉnh giảm từ mức 40% xuống còn 20% theo cùng biến động giá cả thị trường dầu thế giới.

Vừa qua, Bộ Tài chính cũng đã ban hành Thông tư hướng dẫn về việc áp dụng thuế suất thuế GTGT 0% đối với dịch vụ phục vụ vận tải quốc tế, gồm dịch vụ cung cấp suất ăn hàng không, dịch vụ cất, hạ cánh, dịch vụ sân đậu, dịch vụ an ninh, bảo vệ tàu bay, soi chiếu an ninh hành khách, hành lý và hàng hoá... cho các chuyến bay đi quốc tế từ cảng Việt Nam.

Còn tại Luật thuế Thu nhập doanh nghiệp, kể từ 1/2009, doanh nghiệp thành lập mới từ dự án đầu tư thuộc lĩnh vực cảng hàng không, sân bay thuộc diện hưởng ưu đãi thuế thu nhập doanh nghiệp ở mức cao nhất với thuế suất ưu đăi áp dụng 10% trong 15 năm, miễn thuế trong 4 năm và giảm thuế trong 9 năm tiếp theo.

Cuối tháng 4/2009, Bộ Tài chính đã có công văn đề nghị Bộ GTVT chỉ đạo các cơ quan thu phí  theo hướng tiến tới bãi bỏ các quy định bất hợp lý về việc thu phí nhượng quyền khai thác đối với các hoạt động phục vụ mặt đất, phục vụ hành khách, hành lý, hàng hoá, kỹ thuật bảo dưỡng, cung ứng xăng dầu hàng không nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho ngành hàng không vượt qua thời kỳ khó khăn hiện nay.

  • Hà Yên

            

,
Ý kiến của bạn
Ý kiến bạn đọc
,
,
,
,