221
442
Kinh tế - Thị trường
kinhte
/kinhte/
1224270
Bỏ trần giá vé máy bay: Ký xong cất ngăn kéo?
0
Article
null
Bỏ trần giá vé máy bay: Ký xong cất ngăn kéo?
,

 - Thông tư 103 về bỏ trần giá vé máy bay trên các đường bay có tính cạnh tranh (2 đường bay trở lên) đã được liên bộ GTVT - Tài chính ký ban hành từ 12/2008, song, đến nay vẫn cất ngăn kéo, chưa được thực hiện. Các hãng hàng không thì mòn mỏi chờ đợi, còn cơ quan quản lý Nhà nước rối bời chưa biết xử lý theo hướng nào.

Sợ khách hàng thiệt?

Trả lời báo Sài Gòn Giải Phóng mới đây, ông Vũ Công Chính, Phó Cục trưởng Cục Quản lý giá Bộ Tài chính, cho rằng, đến nay, về cơ bản Thông tư 103 đã được triển khai thực hiện. Thậm chí, bộ này còn ban hành thêm một số văn bản hướng dẫn, như công bố mức giá trần áp dụng cho các đường bay còn độc quyền...

Theo ông Chính, về cơ chế quản lý giá trần vé máy bay nội địa, nếu chưa thực hiện được là do bên ngành giao thông vận tải (cụ thể là ngành hàng không) chậm triển khai. Phía ngành hàng không và các doanh nghiệp cần tiến hành lập bảng kê khai, thống nhất giá để áp dụng.

JPA đề xuất giá vé quá cao, khách hàng sẽ thiệt? (Ảnh: Phạm Hải) 

Trên thực tế, hồi giữa tháng 2/2009, Jetstar Pacific (JPA) đã tiên phong điều chỉnh giá vé theo tinh thần Thông tư 103. Theo đó, mức giá cao nhất mà hãng này đề xuất trên đường bay từ TP.HCM đi Hà Nội, Hải Phòng, Vinh có thể lên tới 3,7 triệu đồng/vé/chiều (220 USD). Đối với giá vé trên đường bay nhóm 2 (hành trình trên 2 giờ) như Hà Nội - Cần Thơ, mức cao nhất là 4 triệu đồng/vé/chiều. 

Với mức giá đề xuất cao nhất như vậy, cụ thể như tuyến Hà Nội - Cần Thơ, ông Phạm Xuân Thê, Trưởng ban Tài chính Cục Hàng không (Bộ GTVT), cho rằng, trong khi chi phí để cấu thành giá vé chỉ 1,2 - 1,3 triệu đồng thì mức giá cao như vậy sẽ gây thiệt hại cho khách hàng.

TIN LIÊN QUAN

Song, ghi nhận của chúng tôi, lý do này là chưa hoàn toàn xác đáng. Việc các hãng đăng ký như vậy còn bán được hay không là do cạnh tranh giữa các hãng và yếu tố cung - cầu quyết định.

Thông tư 103 nhằm bỏ giá trần đối với các đường bay có tính cạnh tranh, tức là hai hãng hàng không khai thác trở lên.

Tuy nhiên, hiện đường bay nào mà JPA khai thác cũng có mặt Hãng Hàng không quốc gia (Vietnam Airlines) với thị phần áp đảo. JPA chỉ chiếm 20% thị phần hàng không nội địa nên không thể gây biến động lớn về giá trên thị trường.

Ông Lưu Thanh Bình, Phó Cục trưởng Cục Hàng không, thừa nhận, việc chưa thực hiện được Thông tư 103 là do còn nhiều vướng mắc, phải thống nhất ý kiến trên dưới và phải có sự phối hợp chặt chẽ, nếu không lại vô hình gây khó khăn, thiệt thòi cho khách hàng.

Do vậy, sau hơn nửa năm ra đời, đến nay, văn bản vẫn ở trong ngăn kéo.

Cái lý của cơ quan quản lý

Thực ra, tại một hội thảo tháo gỡ khó khăn cho các doanh nghiệp hàng không hồi tháng 5, ông Lại Xuân Thanh, Phó Cục trưởng Cục Hàng không, nói rằng, thời gian qua đã có nhiều ý kiến đề xuất nên bỏ giá trần vé máy bay, nhưng Nhà nước vẫn kiên quyết giữ nguyên cơ chế này.

Bởi lẽ, hàng không là một ngành kinh doanh đặc biệt nên tất yếu, Nhà nước vẫn phải giữ vai trò điều tiết của mình trong việc định giá.

Trao đổi với PV.VietNamNet, Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu Thị trường giá cả (Bộ Tài chính), TS. Vũ Đình Ánh nhìn nhận, đối với hàng không, duy trì giá trần vẫn là cần thiết.

Hiện thị trường có 3 hãng hàng không là Vietnam Airlines, JPA và Indochina Airlines, trong đó JPA là hãng không giá rẻ, thuộc phân khúc khác. Indochina Airlines thì còn có một máy bay nên tiếng nói quyết định gần như vẫn thuộc về Vietnam Airlines.

Vietnam Airlines hiện vẫn nắm giữ tới 80% thị phần hàng không Việt Nam. (Ảnh: Phạm Hải)

Sự tham gia của các hãng hàng không khác, theo một chuyên gia, chỉ làm mất yếu tố "một mình một chợ" trên thị trường của Vietnam Airlines, chứ không hẳn đã tạo ra một thị trường thực sự cạnh tranh.

Do vậy, TS. Vũ Đình Ánh, cho rằng, dưới góc độ cơ quan quản lý, chuyện quản lý không chỉ là về cơ cấu giá, mà còn là về chủ sở hữu vốn Nhà nước. Chức năng của hãng hàng không quốc gia cũng không đơn thuần là kinh doanh mà phục vụ các mục đích chính trị - xã hội khác.

"Tất nhiên, nếu để quy luật cung - cầu quyết định giá cả thì thị trường hàng không sẽ cạnh tranh, khách hàng được lợi. Điều đó rất đúng khi thị trường đã phát triển thực sự. Song, kể cả khi thị trường phát triển thực sự vẫn cần can thiệp của Nhà nước, bởi trong một thị trường hoàn hảo vẫn có những thất bại, chẳng hạn không điều tiết được một cách hoàn hảo", ông Ánh cảnh báo.

Theo ông Ánh, khi lợi nhuận cao, các bên sẽ đổ xô vào sản xuất dẫn đến dư thừa xã hội hay bắt tay độc quyền hình thành các carten (nhóm độc quyền).

Do vậy, kể cả với hàng không, Nhà nước vẫn cần can thiệp không chỉ về giá mà cả cơ chế điều chỉnh giá - tất cả phải được công khai minh bạch để kiểm soát được mặt bằng giá cả, không để xảy ra biến động lớn bởi doanh nghiệp thường chạy theo mục tiêu lợi nhuận.

 

Sự tham gia của các hãng hàng không khác chỉ làm mất yếu tố "một mình một chợ" trên thị trường của Vietnam Airlines, chứ không hẳn đã tạo ra một thị trường thực sự cạnh tranh.

"Chúng ta nên nhớ rằng, mục tiêu cuối cùng của các hãng kinh doanh hàng không vẫn là lợi nhuận, chứ không phải là mục tiêu hạ thấp giá để ai cũng được đi máy bay.

Do đó, tôi xin khẳng định lại, kiến nghị bỏ giá trần của các hãng hàng không chính là phương thức kinh doanh chứ không phải vì mục tiêu xã hội", ông Lại Xuân Thanh nhấn mạnh.

Xử lý Thông tư 103 như thế nào?

Quay lại với Thông tư 103. Điều khiến các doanh nghiệp hàng không rất khó hiểu là văn bản này vẫn có hiệu lực pháp lý, nhưng lý do tại sao không triển khai được thì cơ quan quản lý không có thông báo rõ ràng.

Ông Lương Hoài Nam, Tổng giám đốc JPA, nói với PV.VietNamNet: "Chúng tôi không nhận được bất kỳ một văn bản nào nói dừng thực hiện thông tư đó lại. JPA có đăng ký giá theo hướng dẫn của 103 nhưng cũng chẳng nhận được phản hồi nào khiến mọi việc như câu chuyện kỳ bí. Trong khi về mặt pháp lý, văn bản vẫn có hiệu lực. Thật là một thông tư lạ lùng".

Vì thế, sau khi JPA trình bảng giá mới lên liên Bộ GTVT - Tài chính tháng 2/2009 đến nay cũng vẫn ở trên giấy. Hãng hàng không này chỉ biết đã dừng việc triển khai Thông tư 103 sau khi đọc báo hay nghe phát biểu từ một số quan chức.

Trên thực tế, trong Công văn số 284/BGTVT-VT ngày 14/1/2009 của Bộ GTVT gửi Bộ Tài chính thực hiện chỉ đạo của Phó Thủ tướng Nguyễn Sinh Hùng về việc quản lý giá, dịch vụ giá cước vận chuyển hàng không theo cơ chế thị trường có sự quản lý của Nhà nước, Bộ GTVT được Chính phủ uỷ quyền, đã có văn bản báo cáo Uỷ ban Thường vụ Quốc hội (UBTVQH) về việc cho phép áp dụng việc quản lý giá dịch vụ, giá cước vận chuyển hàng không thực hiện theo cơ chế thị trường có sự quản lý của Nhà nước.

Trong thời gian chờ ý kiến cho phép của UBTVQH, Bộ GTVT đề nghị Bộ Tài chính tạm dừng việc triển khai Thông tư liên tịch 103 cho đến khi có ý kiến cho phép của UBTVQH.

Như vậy hiện các hãng hàng không vẫn áp dụng theo Thông tư 22 ngày 21/3/2007, tức là duy trì giá trần. Tuy nhiên, rõ ràng là văn bản này đã hết hiệu lực, trong khi Thông tư liên tịch mới 103 chưa thực hiện được. Điều này thật đáng lo ngại bởi trong thời điểm hiện nay, nếu có phát sinh tranh chấp thì các cơ quan chức năng sẽ không có hành lang pháp lý để phân xử.

Do vậy, vấn đề đặt ra là nhanh chóng giải quyết việc sửa luật, hay huỷ bỏ Thông tư 103 hoặc khẳng định lại tính hiệu lực của các văn bản hướng dẫn để thực hiện quản lý giá cước, giá dịch vụ?

Trong câu chuyện này, TS. Lê Đăng Doanh - chuyên gia kinh tế, nhận xét, việc quản lý giá là do Pháp lệnh về giá điều chỉnh. Nếu có quản lý hay bỏ giá trần với các hãng hàng không - một chính sách quan trọng - trước khi quyết định nên có thảo luận bàn bạc để thống nhất trước khi ban hành.

Việc cứ ban hành văn bản rồi lại thay đổi hoặc không thực hiện được sẽ làm ảnh hưởng đến hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp, đặc biệt trong thời buổi khó khăn hiện nay.

  • Hà Yên

,
Ý kiến của bạn
Ý kiến bạn đọc
,
,
,
,