Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) hôm 23/7 nhận định, sự hồi phục của các nền kinh tế khu vực Đông Á có thể theo hình chữ V và các ngân hàng trung ương nên tiếp tục chính sách tiền tệ mở rộng, kể cả khi những rủi ro đối với sự phục hồi đã giảm bớt.
Theo ADB, các quốc gia gồm Trung Quốc, Hàn Quốc và Indonesia sẽ tăng trưởng mạnh hơn mức dự báo 3% được đưa ra hồi tháng 3/2009 và sau đó sẽ tăng tốc lên 6% vào năm 2010. Dự báo này không bao gồm Nhật Bản, các quốc gia Nam Á và Trung Á.
ADB cho rằng cần tiếp tục mở rộng chính sách tiền tệ để kích nhu cầu nội địa tăng trưởng. (Ảnh: Wiut) |
Các nhà hoạch định chính sách châu Á đã bắt đầu tuyên bố nền kinh tế khu vực có thể đã vượt qua thời kỳ tồi tệ nhất của cuộc khủng hoảng. Trước đó, họ đã cắt giảm chi phí cho vay cũng như cam kết dành hơn 950 tỷ USD cho các kế hoạch kích thích kinh tế.
Các nhà kinh tế học đã tăng mức dự báo tăng trưởng của khu vực này trong năm nay, nhờ vào sự hồi phục mạnh mẽ của nền kinh tế Trung Quốc, cũng như những tín hiệu cho thấy suy thoái đã chạm đáy.
"Các nền kinh tế mới nổi ở Đông Á đã bước sang giai đoạn chuyển tiếp, từ suy thoái sang hồi phục, có khả năng theo hình chữ V. Trong đó, điều khiến GDP tăng trưởng chủ yếu là các kế hoạch kích thích nội địa, hơn là sự hồi phục nhu cầu bên ngoài", ADB cho hay.
"Chính sách tiền tệ trong khu vực cần tiếp tục được mở rộng cho đến khi đà phục hồi tăng đáng kể và áp lực lạm phát tái xuất hiện".
Các nhà xuất khẩu trong khu vực hiện vẫn lệ thuộc vào đơn hàng từ Mỹ, châu Âu và Nhật Bản. Hoạt động trao đổi thương mại sẽ còn "uể oải" cho tới khi các quốc gia công nghiệp phục hồi đủ để nhu cầu hàng hóa tăng trở lại.
Theo ADB, trao đổi thương mại giữa các quốc gia Đông Á mới nổi đã tăng nhanh chóng trong vài năm trở lại đây, nhưng vẫn chủ yếu dựa vào linh kiện, phụ tùng hơn là hàng hóa thành phẩm. Cho tới nay, khu vực này vẫn chưa thể tự cung cấp sản phẩm cuối cùng cho hoạt động xuất khẩu của mình.
ADB cho rằng, nhu cầu nội địa sẽ tăng dần trong nửa cuối năm 2009, khi các chính sách kích thích kinh tế phát huy tác dụng và niềm tin của giới kinh doanh cũng như người tiêu dùng được cải thiện.
Việc đảm bảo các gói kích cầu được thực thi hiệu quả có vai trò quan trọng trong việc thúc đẩy nhu cầu nội địa, trong bối cảnh lượng cầu bên ngoài còn yếu ớt
Tuy nhiên, ADB cảnh báo, sự hồi phục chậm chạp của các nền kinh tế lớn nhất thế giới có thể tác động xấu đến triển vọng kinh tế của châu Á và làm nổi lên những rủi ro đối với khu vực Đông Á. Ngoài ra, nguy cơ giảm phát kéo dài cũng có thể ảnh hưởng đến sự tăng trưởng.
- Đ.T (theo Bloomberg)