Giá trị sản xuất công nghiệp của Hà Nội vẫn chỉ tăng trưởng ở mức trung bình - ảnh: N.N |
Hầu hết lãnh đạo các doanh nghiệp sản xuất tại buổi giao ban "Tháo gỡ khó khăn cho các doanh nghiệp sản xuất kinh doanh trên địa bàn Hà Nội", do Sở Công Thương Hà Nội chủ trì ngày 7/8/2009 đều báo cáo kết quả kinh doanh tăng trưởng khả quan trong 6 tháng đầu năm.
Cụ thể, doanh thu 6 tháng đầu năm của nhiều doanh nghiệp như Xe đạp Thống Nhất, Dệt 19/5, ô tô Xuân Kiên, Cao su Hà Nội… đều tăng phổ biến ở mức 20 – 30%, thậm chí trên 50% so với cùng kỳ năm 2008.
Theo các doanh nghiệp, sở dĩ đạt được mức tăng trưởng kể trên, một phần quan trọng là nhờ các giải pháp kích cầu, hỗ trợ vay vốn, miễn, giảm thuế kịp thời của Chính phủ.
Tuy nhiên, mức tăng trưởng kể trên chưa thực sự ổn định và bền vững. Do đó, nhiều ý kiến đề xuất Chính phủ nên nới thêm thời hạn gói kích cầu, tập trung ưu tiên cho một số ngành nghề chủ lực vay vốn hỗ trợ dài hạn hơn.
Ông Bùi Ngọc Huyên - Tổng Giám đốc Công ty Ôtô Xuân Kiên (Vinaxuki) cho hay, để thực hiện kế hoạch nội địa hóa sản phẩm, phấn đấu đến năm 2012 đưa ra thị trường 4 loại xe con, 20 loại xe tải… doanh thu dự kiến đạt 5.000 tỷ đồng, hiện Xuân Kiên đang cùng lúc xây dựng 4 nhà máy, cần nhập hàng triệu đôla các thiết bị máy móc công nghệ cao.
“Ngành công nghiệp sản xuất ôtô nói riêng cần số lượng vốn lớn, thời gian thu hồi vốn dài trong khi thời hạn vay vốn ngân hàng chỉ được nhiều là 5 năm, mà gói kích cầu hỗ trợ lãi suất hiện tại cũng chỉ được 2 năm, như vậy nếu không có sự tháo gỡ từ phía nhà nước thì doanh nghiệp sẽ phải “bó tay” với các mục tiêu đề ra” – ông Huyên nhấn mạnh.
Ông Phạm Hồng Việt – Giám đốc Công ty CP Cao su Hà Nội cũng góp thêm, mặc dù suy thoái kinh tế đã có dấu hiệu chững lại, doanh nghiệp đã thoát ra khỏi cơn khủng hoảng nhưng để củng cố vị thế phát triển hơn nữa, Nhà nước nên xem xét ưu tiên một số nhóm lĩnh vực sản xuất công nghiệp chủ lực, giải quyết nhiều lao động, kéo dài gói hỗ trợ lãi suất đến 30/6/2010.
Báo cáo của Sở Công Thương Hà Nội 7 tháng đầu năm 2009 cho thấy, giá trị sản xuất công nghiệp đạt 43.864 tỷ đồng, tăng 5,1% so với cùng kỳ năm ngoái. Trong đó, khu vực có vốn đầu tư nước ngoài tăng trưởng thấp nhất, chỉ đạt 2,3%; khu vực kinh tế nhà nước tăng trưởng 5,4% và khu vực kinh tế ngoài nhà nước tăng trưởng 8,4%.
Như vậy, dù có những bước khởi sắc nhất định nhưng giá trị sản xuất công nghiệp của Hà Nội nói riêng vẫn chỉ tăng trưởng ở mức trung bình, so với mức 8-10% của các tỉnh khác như Bình Dương, Quảng Ninh, Đồng Nai…
-
Nguyễn Nga